Doanh nghiệp
Nhà thầu xây dựng đối mặt nhiều rủi ro pháp lý
Thế Hoàng - 12/05/2023 18:27
Nợ đọng xây dựng cơ bản tràn lan, kéo dài nhiều năm, cùng những rủi ro, phát sinh tranh chấp trong hoạt động thi công xây dựng gia tăng, nhà thầu xây dựng đang cực kỳ khó.
Ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch VACC cho rằng, nhiều nhà thầu xây dựng đang gặp bất lợi liên quan đến giá hợp đồng trọn gói.

Nhiều nhà thầu xây dựng đồng loạt kêu khó vì nhiều quy định hiện hành chưa sát với thực tiễn hoạt động xây dựng, phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý tại Hội thảo: "Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam" do VCCI và VACC tổ chức chiều ngày 12/5.

Nêu một số rủi ro, bất cập quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng, bất lợi cho các nhà thầu Việt Nam, ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết:Sản phẩm xây dựng là sản phẩm đặc thù, do tính chất đặc thù nên hoạt động xây dựng chịu rất nhiều rủi ro từ giải phóng mặt bằng, thay đổi cơ chế chính sách, thời tiết, giá vật liệu thay đổi... Nhưng quy định hiện hành lại chưa sát với thực tiễn khiến nhà thầu gặp khó đủ đường.

Giá vật liệu tăng đột biến 40 - 45%, không nhà thầu nào biết trước được khi ký hợp đồng, trong khi giá hợp đồng trọn gói gây nhiều bất lợi cho nhà thầu. 

"Những đột biến về giá vật liệu tăng, ngừng thi công do dịch bệnh, lũ lụt... nằm ngoài khả năng kiểm soát, cần phải coi là bất khả kháng để điều chỉnh hợp đồng cho nhà thầu", ông Cận đề xuất.

Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cho hay: "Nhà thầu xây dựng chưa bao giờ khó như lúc này. Có những vấn đề không biết trách nhiệm của ai, đó là biến đổi giá và thay đổi về chính sách. Mẫu hợp đồng trọn gói các nước làm nhiều, nhưng lạm phát tại nước họ chỉ vài %, nhưng đặc thù Việt Nam biến động giá khủng khiếp, đến từ nhiều yếu tố mà nhà thầu không thể lường trước được".

Hợp đồng trọn gói đòi hỏi trách nhiệm của các bên khi ký hợp đồng rất cao với tính chất là “lời ăn, lỗ chịu”. Tuy nhiên, theo nhiều nhà thầu, "lời ăn" chưa thấy đâu, nhưng “lỗ chịu” thì rất rõ.

Cùng đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tràn lan, kéo dài nhiều năm và những rủi ro phát sinh tranh chấp trong hoạt động thi công xây dựng đang ngày càng gia tăng không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, mà còn tác động tiêu cực đến an ninh tài chính, đẩy nhiều nhà thầu vào nguy cơ phải giải thể, phá sản.

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ thuật công trình Việt Nam thừa nhận: "Các nhà thầu đang rơi vào tình thế khó khăn tài chính, nợ lương, nợ bảo hiểm, xã hội, thậm chí giải thể, phá sản. Nhiều dự án đã bán hết sản phẩm, chủ đầu tư đã thu đủ tiền, thậm chí lãi lớn, lấy tiền đi đầu tư các dự án khác nhưng vẫn không trả tiền cho các nhà thầu".

Trong quá trình tranh chấp, số lượng vụ án được thụ lý tại tòa án hoặc Trung tâm trọng tài quốc tế cực ít, thời gian xử kéo dài phải kéo dài 3 - 5 năm, thi hành án khó khăn, thu hồi tài sản thấp, hậu quả là các nhà thầu không dám mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thiết bị.

Theo ông Khương Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), đầu tư xây dựng cơ bản thường kéo dài, vốn đầu tư lớn, gồm nhiều thành phần, từ chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, thanh tra, kiểm toán..., trong khi hợp đồng xây dựng với nhiều tài liệu, bao hàm lượng lớn thông tin với những điều khoản có thể "đá" nhau, thời gian thực hiện kéo dài với nhiều hoạt động, nên nguy cơ rủi ro phát sinh và tranh chấp là khó tránh khỏi.

Thực tế, nhiều nhà thầu xảy ra mâu thuẫn, phát sinh tranh chấp với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành, nhưng liên quan nhiều nhất vẫn là công tác thanh toán, dẫn đến nợ đọng kéo dài.

Ngành xây dựng đang nợ chồng nợ, chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu phụ nợ nhà cung cấp… như một mớ bòng bong, do đó, cần hành lang pháp lý đủ mạnh để giải quyết những tranh chấp trong hoạt động của các nhà thầu.
Khi có rủi ro thì giải quyết bằng trọng tài, nhưng làm sao để nhà thầu xây dựng không gặp phải những trường hợp rắc rối này. Cần có giải pháp đủ mạnh để các nhà thầu xây dựng hoạt động an toàn, lành mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác