Bài viết thể hiện quan điểm của Peter Cohan - Nhà sáng lập công ty tư vấn và đầu tư mạo hiểm Peter S. Cohan & Associates.
Theo ước tính của tôi, cơ may để một startup mới ra đời có thể đạt định giá từ 1 tỷ USD trở lên là khoảng 1/5.000.000. Đây là cách tính: Cứ mỗi 1.000 startup được gặp gỡ các nhà đầu tư mạo hiểm, thì chỉ có 2 startup được rót vốn. Và khi được rót vốn rồi, thì cơ may được định giá từ 1 tỷ USD trở lên là 1/10.000.
Trong quá trình viết cuốn Hungry Start-Up Strategy (tạm dịch: Bí quyết khởi nghiệp nhanh), tôi khám phá ra rằng các doanh nhân giỏi luôn biết cách xác định và thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro sớm nhất. Dưới đây là 7 rủi ro phổ biến nhất, và cách mà những doanh nhân khởi nghiệp giỏi kiểm soát được chúng.
1. Không tìm ra được nhu cầu của khách hàng
Có quá nhiều nhà sáng lập cho rằng ý tưởng của họ “sáng chói” đến mức họ bắt tay luôn vào việc xây dựng sản phẩm và sửa soạn cho ngày nó ra mắt với thế giới. Sau đó, họ chắc mẩm rằng chỉ cần ung dung ngồi đợi dòng tiền chảy vào túi. Tuy nhiên, đây là lối suy nghĩ dễ dẫn đến thất bại nhất.
Trên thực tế, khách hàng rất ngại thử những sản phẩm mới của một công ty không có tên tuổi, bởi vì hầu hết các công ty này đều sẽ thất bại. Vì vậy, họ chỉ sử dụng các sản phẩm mới nếu như chúng có thể được giải quyết vấn đề nhức nhối bấy lâu nay của họ. Để tránh rủi ro này, tốt nhất bạn đừng nên mở công ty cho tới khi bạn chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng trả tiền để dùng sản phẩm của bạn.
2. Ngại lắng nghe phản hồi
Rất nhiều nhà sáng lập từ chối cho người khác xem qua sản phẩm của họ trước khi nó hoàn tất. Có rất nhiều lý do khiến họ mắc phải sai lầm này, ví dụ như: sợ bị đánh cắp ý tưởng; muốn gây ấn tượng với bạn bè của mình; lo sợ rằng sản phẩm chưa đủ hoàn hảo để kích thích thị hiếu của khách hàng. Tuy nhiên, việc không nhận được phản hồi từ những khách hàng tiềm năng sẽ “giết chết” startup của bạn từ trong trứng nước.
Để tránh vấn đề này, bạn hãy xây dựng một phiên bản thử nghiệm không tính phí, gửi đến khách hàng dùng thử và ghi nhận lại những ý kiến phản hồi của họ; từ đó, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng một sản phẩm mới. Bạn nên lặp đi lặp lại quy trình này cho đến khi có khách hàng tiềm năng muốn mua sản phẩm của bạn.
3. Không có đam mê thật sự
Đừng nghĩ tới chuyện khởi nghiệp nếu động cơ chính của bạn chỉ là kiếm thật nhiều tiền. Lý do rất đơn giản: để thành công, bạn sẽ cần bỏ ra 80 giờ một tuần, cũng như chấp nhận hy sinh một khoản tiết kiệm đáng kể. Chỉ khi nào bạn tin rằng sứ mệnh của cuộc đời mình chính là cung cấp những sản phẩm tuyệt vời đến cho khách hàng và khiến cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn, bạn mới có thể toàn tâm làm việc chăm chỉ và có cơ hội thành công.
Vì vậy, hãy hướng startup của mình vào việc giải quyết một vấn đề mà bạn quan tâm sâu sắc. Đa phần những startup thành công đều bắt nguồn từ lúc nhà sáng lập nhận ra rằng họ gặp phải một vấn đề mà chưa ai khác có lời giải. Nếu bạn phát hiện ra nhiều người khác cũng gặp phải cùng vấn đề này, bạn đang có một cơ hội hoàn hảo để khởi nghiệp rồi đấy.
4. Thiếu những kỹ năng cần thiết
Nếu bạn nghĩ rằng công việc của nhà sáng lập là đưa ra những ý tưởng lớn và bỏ tiền thuê người khác để biến chúng thành hiện thực, thì hãy suy nghĩ lại. Một lý do lớn khiến các startup thất bại là do nhà sáng lập thiếu các kỹ năng cần thiết để phát triển Startup của mình. Tôi đã thấy khá nhiều startup công nghệ khởi đầu bấp bênh và đi đến thất bại vì đơn giản là CEO không biết viết code, trong khi với ngành này thì khả năng hiểu và viết code tốt hơn người khác lại là yếu tố bắt buộc để có sản phẩm tốt và chinh phục được khách hàng.
Cơ hội thành công của bạn sẽ tăng lên nếu như bạn có kỹ năng bán hàng và kiến thức về thị trường bạn muốn đánh vào. Trong trường hợp ngành công nghệ, bạn chỉ đạt được thành công nếu có được sự hỗ trợ của một coder đẳng cấp thế giới. Nói chung, các doanh nhân có thể tăng cơ hội thành công của mình nếu chọn được những lĩnh vực phù hợp với những kỹ năng mà họ nổi trội và thích thực hành.
5. Chi tiêu phung phí
Nếu bạn không phải là người kỹ lưỡng trong việc chi tiêu, đừng ôm mộng mở công ty. Nhiều doanh nhân khởi nghiệp thường có xuất thân là kỹ sư. Họ tâm huyết muốn xây dựng nên một sản phẩm hoàn hảo khiến thế giới phải để mắt đến mình. Họ háo hức tìm hiểu về các startup khác, nhận thấy người ta dễ dàng huy động vốn như thế nào và nghĩ rằng mình cũng có thể làm được như vậy. Vì vậy, họ không buồn lo lắng về chuyện “đốt tiền” và giả định rằng khi ngân quỹ gần cạn kiệt, sẽ ngay lập tức có các nhà đầu tư đến gõ cửa và hỏi “Anh bạn cần thêm bao nhiêu tiền?”.
Các doanh nhân khởi nghiệp giỏi nhất chỉ bỏ tiền ra cho những gì cần thiết, và họ luôn chủ động tìm kiếm và gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng ít nhất là 6 tháng trước thời điểm mà công ty dự kiến sẽ cạn vốn.
6. Không có khả năng huy động vốn
Nếu bạn chưa bao giờ huy động vốn, rất có thể bạn sẽ ngạc nhiên bởi số thời gian cần bỏ ra, và số lần bạn bị từ chối trước khi thành công. Nếu bạn chỉ bắt đầu quá trình này khi nhận ra rằng nguồn tiền đã cạn kiệt thì đã là quá muộn, và khi đó sự gấp gáp thường sẽ dẫn đến việc chọn sai nhà đầu tư. Một lỗi hay mắc phải nữa là không đưa ra những thông tin đủ hấp dẫn về công ty để thuyết phục các nhà đầu tư.
Các doanh nhân khởi nghiệp có thể tránh được những vấn đề này bằng cách xây dựng kế hoạch gọi vốn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công ty. Một vị CEO mà tôi quen từng nói rằng: Huy động vốn là một công việc toàn thời gian và phải bắt tay vào thực hiện nó ít nhất 6 tháng trước khi công ty cạn vốn.
7. Nhóm yếu, lãnh đạo kém
Nhân sự luôn là một khâu quan trọng. Nếu nhà lãnh đạo không thể tuyển dụng được những cá nhân giỏi, cũng như biết cách động viên mọi người vượt qua khó khăn, thì có lẽ công ty sẽ sớm tuột dốc không phanh. Trên thực tế, việc học hỏi và trở thành một nhà lãnh đạo tài ba không phải là dễ dàng. Hơn nữa, những kỹ năng lãnh đạo bà bạn cần để điều hành một công ty với 10 nhân viên sẽ rất khác so với việc điều hành 100 hay 1.000 nhân viên.
Ở giai đoạn khởi nghiệp, một nhà lãnh đạo tài ba sẽ biết vạch ra một tầm nhìn chiến lược cho công ty và tuyển dụng những nhân tài hàng đầu để có thể cùng nhau tiếp bước con đường đó.
Việc khởi nghiệp luôn là chuyện “khó xơi”, và nếu bạn không biết cách xử lý những vấn đề kể trên, bạn chắc chắn sẽ thất bại.