Thời sự
Nhân sự ngành du lịch: Cần “chiến sỹ” chứ không phải “tiến sỹ”
Hồng Phúc - 17/04/2019 16:24
Thiếu số lượng lẫn chất lượng, nguồn nhân lực hiện có trong ngành du lịch Việt Nam đứng trước khả năng bị đào thải khi các Hiệp định thương mại tự do được thực thi, cùng sự dịch chuyển nguồn lao động trong khu vực.

Số lượng nhân lực chỉ đáp ứng 70% nhu cầu

Tại Diễn đàn “Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam" lần I tổ chức vừa qua tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, số doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn tăng bình quân 8%/năm cùng số lượng khách quốc tế tăng 19%/năm.

Riêng năm 2018, Thành phố thu hút 7,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm gần 50% tổng lượt khách đến Việt Nam.

Ngành du lịch đóng góp 11% GDP Thành phố, và mục tiêu đến 2030, Thành phố sẽ có tên trong tốp các Thành phố có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á.

Hiện, Thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch (trong đó có 15% đạt trình độ từ Đại học trở lên, 50% lao động trình độ trung cấp và cao đẳng) cùng 5.400 hướng dẫn viên.

“Thành phố có 18 trường đại học đào tạo ngành du lịch nhưng chưa được đánh theo tiêu chuẩn quốc tế, nguồn đào tạo cho ngành chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu, thiếu hướng dẫn viên biết nói tiếng Đức, Hàn Quốc, Thái Lan,…làm hạn chế trong đa dạng hoá thu hút khách”, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá.

Thực hiện thoả thuận di chuyển lao động tự do giữa các nước trong khu vực khi các Hiệp định thương mại tự do được kí kết càng gia tăng sự cạnh giữa chất lượng và số lượng nguồn nhân lực nội địa.

“Đây không phải thực trạng riêng của Thành phố mà là trên cả nước. Đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương”, ông Nguyễn Thành Phong nói và kỳ vọng đến 2020, Thành phố có thể thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu khách nội địa.


Mỗi người dân vào vai một Đại sứ du lịch 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chưa hết thách thức và cơ hội.

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch vào năm 2017, Việt Nam đứng thứ 67/136 quốc gia, trong khi Singapore bỏ xa Việt Nam 54 bậc (vị trí 13/136), Thái Lan đứng thứ 42/136,..

Và xét theo chất lượng nguồn nhân lực theo thang điểm từ 1-7, Singapore đạt 5.6 điểm, còn Việt Nam là 4.9 điểm trong khi nguồn tài nguyên cạnh tranh cao hơn quốc đảo sư tử 1.6 điểm.

“Những con số này cho thấy, dù tài nguyên ưu đãi đến đâu, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhưng nếu chưa sẵn sàng với nguồn nhân lực chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ vượt trội cho sự gia tăng của khách du lịch thì chúng ta còn rất nhiều lực cản”, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nói.

Đại diện này đưa ra 4 điểm nghẽn và thách thức về nguồn nhân lực Việt Nam cần được tháo gỡ.

Điểm nghẽn thứ nhất đến từ sự bất cập giữa Cung và Cầu khi theo thống kê của Tổng Cục du lịch Việt Nam, cả nước cần 40.000 lao động được đào tạo có tay nghề, tuy nhiên, hiện nguồn lực chỉ có thể đáp ứng từ 15.000 sinh viên ra trường. Trong đó, nhóm nhân lực có chất lượng cao chỉ chiếm 2%.

Hiện, 10% người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch tại TP.HCM chưa qua trường lớp mà do doanh nghiệp trực tiếp đào tạo.

Điểm nghẽn thứ hai đến từ năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực.

Dù ngành du lịch nước nhà năm 2018 thu hút hơn 15 triệu du khách quốc tế, đóng góp tổng thu 23 tỷ USD, nhưng, thu nhập bình quân của mỗi lao động trực tiếp trong ngành chỉ khoảng 3.477 USD trong khi mỗi nhân lực trong ngành này của Singapore tạo ra gần 48.000 USD.

Điểm nghẽn thứ ba của ngành là chưa chú trọng quan tâm phát huy nguồn nhân lực gián tiếp và một số lực lượng “đặc biệt”- lao động tại cửa khẩu, sân bay, tàu xe,…Đây là những địa điểm tạo nên ấn tượng đầu tiên với du khách khi đến với Việt Nam hay các khu vực, địa điểm du lịch trong nước.

Mỗi người dân đều là một Đại sứ du lịch với nụ cười thân thiện, thái độ lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ cùng sự am hiểu kiến thức chuyên môn lẫn trải nghiệm sẵn có.

Và cuối cùng, sự dịch chuyển lao động trong khu vực vừa là thách thức lẫn cơ hội với ngành và thị trường du lịch Việt Nam.

Lương bình quân mỗi lao động ngành du lịch ở Singapore là 2.400 USD/tháng, còn ở Việt Nam,  Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đánh giá “thấp hơn nhiều”.

“Sẽ có dòng chảy nhân sự trong ngành có trình độ đến làm việc tại nước có mức lương cao hơn trong khu vực ASEAN. Và ngược lại, những người có chuyên môn cao sẽ đến, giữ vị trí chủ chốt trong ngành du lịch của chúng ta”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Trong một Hội thảo về khả năng vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc CTCP du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam- Vietravel cho biết vừa mua lại 66% cổ phần trường Cao đẳng Quốc tế Kent.

Đại diện này lý giải quyết định trên bởi, doanh nghiệp trong ngành du lịch như Vietravel khi tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường đều phải đào tạo lại từ đầu.

“Các trường đào tạo sinh viên trở thành Thầy, hay trở thành tiến sỹ trong khi chúng tôi chỉ cần chiến sỹ”, ông Nguyễn Quốc Kỳ ví von.

Tin liên quan
Tin khác