Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 52,1 điểm trong tháng 11. Ảnh: AFP |
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực chế tạo của nước này đạt 52,1 điểm trong tháng 11, cao nhất trong hơn 3 năm qua và thậm chí tốt hơn nhiều so với mức 51,5 điểm được các nhà kinh tế dự báo với Reuters. Trong tháng 10, chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 51,4 điểm.
Chỉ số PMI là thước đo "sức khỏe" của các ngành/lĩnh vực được khảo sát từng tháng. Ngành/lĩnh vực đạt chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy dấu hiệu tăng trưởng, ngược lại chỉ số này dưới 50 điểm là dấu hiệu của sự suy giảm.
Theo Zhao Qinghe, chuyên gia thống kê trưởng tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, có 4 nhân tố kết hợp kéo hoạt động lĩnh vực chế tạo Trung Quốc đi lên trong tháng 11. Thứ nhất, cung và cầu hàng hóa chế tạo của Trung Quốc tiếp tục cải thiện. Thứ hai, hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hồi phục ổn định. Cộng với đó, giá nguyên liệu thô và sản phẩm đầu ra đều tăng lên. Sau cùng là triển vọng của các nhà sản xuất ở quy mô khác nhau đều đã cải thiện.
Ở lĩnh vực dịch vụ, chỉ số PMI Trung Quốc cũng ghi nhận tháng tăng điểm thứ 9 liên tiếp. Theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số PMI lĩnh vực phi chế tạo đạt 56,4 điểm, cao hơn mức điểm 56,2 đạt được trong tháng 10. Tính chung lại, chỉ số PMI tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 11 đạt mức 55,7 điểm, nhích lên so với 55,2 trong tháng 10.
Các nhà phân tích cho rằng kết quả bộ chỉ số kinh tế Trung Quốc công bố gần đây cho thấy kinh tế nước này đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. Ông Jackson Wong, Giám đốc quản lý tài sản tại Quỹ quản tài sản Amber Hill Capital bình luận: "Nhìn vào số liệu kinh tế ở Trung Quốc, nó cho thấy đà phục hồi ổn định". Chuyên gia này cho biết nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được kỳ vọng sẽ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021 và có thể trở thành nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng (tăng trưởng dương) năm 2020.
Trong khi đó, ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế Trung Quốc cao cấp tại Công ty tư vấn Capital Economics đánh giá "sự phát triển quan trọng nhất" tại Trung Quốc mới đây là sự hồi phục của chi tiêu hộ gia đình. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong bối cảnh thị trường lao động nước này vẫn bị bó hẹp và tâm lý của người tiêu dùng vẫn chịu tác động thời Covid-19.
"Xu hướng trên sẽ kích thích sự hồi phục của lĩnh vực dịch vụ. Nó cũng tạo cú hích cho lĩnh vực chế tạo Trung Quốc trong khi lĩnh vực này sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách tài khóa thuận lợi hơn và nhu cầu nhập khẩu tăng cao", ông Julian Evans-Pritchard nhận định.
Trung Quốc, quốc gia ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới, nhưng lại là một trong số ít các nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020, dù ở tốc độ tăng chậm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng 6,1% năm trước đó.