Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhân viên ngân hàng - Nghề nguy hiểm
Phương Linh - 16/06/2019 10:39
Mới nhìn qua những không gian văn phòng sáng choang, hiện đại, những nhân viên ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, người ngoài chắc sẽ lầm tưởng làm việc ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một nghề “sang chảnh”. Nhưng với những người trong cuộc, áp lực là cực lớn, thậm chí có những vị trí, rủi ro luôn thường trực.

“Ghế nóng” lãnh đạo

Chuyện lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý vì vi phạm pháp luật hay lãnh đạo ngân hàng phải từ nhiệm vì triết lý kinh doanh không phù hợp hay những lý do khách quan hoặc chủ quan khác là hai câu chuyện khác nhau. Nhưng nhìn từ góc độ nghề nghiệp thì thấy một điểm chung là họ cùng lao động trong một nghề có thể gọi là “nghề nguy hiểm”.

Nguy hiểm ở đây không phải chỉ với bản thân lãnh đạo ngân hàng mà nguy hiểm hơn là hậu quả nếu họ gây ra, trên chiếc ghế lãnh đạo của mình, cho tổ chức mà họ đang chèo lái, cho hệ thống và cho xã hội là khó lường. Bởi ở cương vị lãnh đạo, người chèo lái ngân hàng, nếu tài năng, bản lĩnh của họ không đủ để tạo dựng uy tín, thương hiệu cho ngân hàng, không thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng thì không chỉ mình họ mà hàng trăm, hàng ngàn nhân viên và đặc biệt là hàng loạt khách hàng có thể bị liên lụy.

Có thể thấy rằng, thời gian qua, nhiều sai phạm trong ngành ngân hàng được phanh phui, xử lý. Có thể có yếu tố chủ quan của những sai lầm, vi phạm trong một thời gian dài. Nhưng cũng có một điều rất quan trọng theo giới chuyên gia là có một phần do hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động ngân hàng ở nước ta chưa thực sự chặt chẽ, rồi cả sự am hiểu luật pháp của công dân còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, với cuộc chơi khắc nghiệt của ngành ngân hàng, có thể không tránh khỏi ai đó vì “lách luật” mà... dẫn đến phạm luật. Trong khi đó, bản thân các CEO ngân hàng là người đi làm thuê nên phải chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt nếu không muốn ra đi, nếu làm giỏi thì được khen, còn chưa giỏi thì bị chê, thậm chí bị mắng nhiếc...

Trong thời điểm khá nhạy cảm hiện nay, nhiều vụ lùm xùm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhiều ngân hàng liên tục được cơ quan thực thi pháp luật phanh phui, xử lý; rồi mùa đại hội đồng cổ đông, chia cổ tức, chuyện nhân sự người ở người đi... với những buồn vui lẫn lộn; và cả câu chuyện mua bán, sáp nhập, thâu tóm ngân hàng liên tục diễn ra với không ít lo toan..., hẳn là không ít lãnh đạo ngân hàng đang như ngồi trên đống lửa. Nhiều người cho rằng, họ đang làm “nghề nguy hiểm”, kể cũng không ngoa.

Bởi ở các nền kinh tế thị trường phát triển, nghề ngân hàng được xem như nghề của tầng lớp trung lưu. Nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tại ở Việt Nam khi soi vào các đại án ngân hàng đang được xét xử mới thấy nghề ngân hàng đòi hỏi những chuẩn mực vô cùng khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức, cái tâm với nghề và cả sự khéo léo để vượt qua những cạm bẫy tinh vi, đôi khi là viên đạn bọc đường.

Đặc biệt là trước thực trạng nợ xấu tăng, kinh doanh lĩnh vực ngân hàng đối mặt không ít thách thức và đòi hỏi vai trò người lãnh đạo cấp cao - CEO luôn biết nắm bắt cơ hội mới có thể kỳ vọng lợi nhuận cao như yêu cầu của các ông chủ. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, chính sự “nhanh nhạy” nắm bắt cơ hội lại chính là nguồn cơn tạo nên “mối họa” cho người ngồi “ghế nóng”.

Để được ngồi vào ghế thuyền trưởng một tổ chức lớn như ngân hàng đã là điều không dễ. Nó đòi hỏi khả năng lãnh đạo, tính quyết đoán có phần mạo hiểm và không loại trừ đôi khi phải chấp nhận phần nào rủi ro khi đặt bút ký hợp đồng tín dụng.

Là một trong những ngành từng được xem có lợi nhuận “khủng” trong kinh doanh tiền, vai trò điều hành của CEO ở các ngân hàng cũng là những hạt nhân không dễ tìm kiếm. Tất nhiên, đánh đổi với những mạo hiểm, công sức đó là mức lương thưởng, thù lao “khủng”, thậm chí cả lượng cổ phiếu thưởng không nhỏ. Bởi các ông chủ luôn biết “vàng thau” để đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn nhằm giữ chân nhân sự lãnh đạo.

Tâm sự được chia sẻ từ một cựu CEO ngân hàng cho biết, mức thu nhập hàng tháng của ông phải tính bằng con số hàng trăm triệu đồng, chưa kể đến các chính sách, chế độ khích lệ khác khi vượt chỉ tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, với ông, đó thực sự là “ghế nóng” bởi sự lao tâm khổ tứ và không lúc nào vơi nỗi lo về những rủi ro chủ quan và cả khách quan ập đến.

Nhiều người cho rằng, họ đang làm “nghề nguy hiểm”, kể cũng không ngoa.
Đó là những áp lực lớn từ phía cổ đông, HĐQT về hiệu quả hoạt động, về các con số chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận... Bên cạnh đó, áp lực từ phía tập thể hàng ngàn người lao động về môi trường hoạt động và thu nhập của họ. Nếu không nhận được sự ủng hộ và tôn trọng từ phía cán bộ, nhân viên thì một mình CEO sẽ không quản lý tốt được khối tài sản lớn của ngân hàng.

Đồng thời, áp lực từ cơ quan quản lý và hệ thống chính sách: các CEO phải đảm bảo ngân hàng hoạt động phù hợp với các chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý và các quy định của pháp luật có liên quan.

Cuối cùng là áp lực từ khách hàng: CEO phải có trách nhiệm đối với tiền gửi, tài sản gửi của hàng vạn người dân và doanh nghiệp, CEO phải có trách nhiệm đối với việc kiểm soát, giám sát các khoản nợ đã cho vay đến hàng vạn khách hàng…

Không chỉ những bất cẩn, những bước vượt rào quy định, mà dù có cẩn trọng đến đâu, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng đến cỡ nào, người chèo lái ngân hàng còn phải luôn tính đến những biến số tác động từ kinh tế vĩ mô và chính sách không ổn định… Nợ xấu tăng là nỗi ám ảnh của ngân hàng nói chung, song “gánh nặng” đè lên vai người lãnh đạo ngày một lớn, nếu những khoản nợ xấu “khổng lồ” đó không được kiểm soát, xử lý… khi khách hàng rơi vào tình trạng khó khăn.

Chẳng hạn gần đây, nhiều khoản nợ vay phát triển dự án bất động sản có nguy cơ hoặc đã biến thành nợ xấu khi dự án không thể triển khai do động thái siết cấp phép của nhà quản lý. Các CEO ngân hàng thậm chí lo chẳng kém gì ông chủ dự án.

Qua cuộc “đại phẫu” của ngành ngân hàng 6 năm đã lộ ra yếu kém của không ít nhà băng trong quản trị điều hành và điều này thường được quy trách nhiệm cho các CEO. Thậm chí, sự “sa sẩy” khi chèo lái con thuyền có thể đẩy các CEO ra trước vành móng ngựa. DongA Bank là một điển hình và cái kết án tù chung thân cho ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng là bài học còn nóng hổi.

Đến những cái ghế “dễ thay chủ” của nhân viên

Nếu chức vụ CEO ngân hàng được xem là “ghế nóng” thì với nhiều mảng hoạt động ngân hàng, vị trí của người phụ trách lại là chiếc ghế dễ thay chủ nhất vì nhân sự thay đổi thường xuyên. Chẳng hạn, thời gian vừa qua, thị trường xôn xao trước việc có ngân hàng chấm dứt hợp đồng với cả trăm nhân viên của cùng một bộ phận để phục vụ cho công việc tái cơ cấu

Từng được mặc định là một công việc đáng mơ ước với mức lương, thưởng cao ngất và “đóng đô” trong những văn phòng hạng sang, nhưng trên thực tế, nhân viên ngân hàng, đặc biệt là nhân viên tín dụng luôn phải đối mặt với sức ép công việc nặng nề, bên cạnh những rủi ro mất việc, đền tiền, thậm chí là phải hầu tòa khi có “sự cố”... Tuy nhiên, không chỉ có tín dụng mà các vị trí giao dịch viên, huy động tiền gửi cũng áp lực không kém.

Trao đổi với các nhân sự trong ngành ngân hàng, họ luôn cho rằng ngân hàng là nghề kinh doanh trên rủi ro. Khi các vụ đại án ngân hàng lần lượt được đưa ra xét xử, từ vụ án ông Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Trần Phương Bình hay vụ bầu Kiên… cũng như nhiều cán bộ cấp cao ngân hàng khác, mới thấy nghề ngân hàng rất cần sự khôn khéo, nhạy cảm để có thể từ chối những cạm bẫy ẩn dưới những cơ hội hấp dẫn.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại với vai trò trung gian huy động nguồn vốn tạm nhàn rỗi từ doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế để cho vay với khách hàng thiếu vốn. Đó là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, với chỉ 1 đồng vốn vốn tự có và được đi huy động vốn gấp đến 18-20 lần, cũng vì thế lợi ích của người gửi tiền luôn được pháp luật bảo vệ hàng đầu.

Luật pháp có những quy định rất ngặt nghèo đối với hành vi huy động vốn từ người gửi tiền để cho vay các doanh nghiệp sân sau hay cho vay tập trung quá mức vào ngành có độ rủi ro cao. Nếu bước qua những “lằn ranh” này, nguy cơ tạo ra những lỗ hổng trong chính tổ chức của mình, qua đó tạo ra những bất ổn hệ thống và khả năng đối mặt với vòng lao lý là nhãn tiền.

Ra quyết định cấp vốn và chịu trách nhiệm với điều đó là việc của những người lãnh đạo. Nhưng trong hoạt động ngân hàng, những công việc được cho là thuần túy nghiệp vụ như thủ quỹ, kiểm ngân, giao dịch viên... cũng không đơn giản chỉ là công việc đếm tiền, đóng gói, nhận tiền, chi trả tiền mặt, rồi đi nạp tiền ATM không có rủi ro gì.

Chỉ một phút bất cẩn để tiền giả, séc du lịch giả lọt qua, họ sẽ phải chịu trách nhiệm; thiếu hụt, chênh lệch quỹ một đồng cũng phải tìm bằng xong; hay chỉ đơn giản là để tồn quỹ cuối ngày quá cao gây lãng phí vốn cũng bị trừ điểm, trừ lương…

Đọc đến đây, hẳn nhiều người cho rằng, nghề ngân hàng chỗ nào cũng có rủi ro, không rủi ro tín dụng thì rủi ro vận hành. Nhưng sao trừ những lúc khủng hoảng, suy thoái, nhân sự ngân hàng vẫn là nghề “hot” thu hút rất nhiều người, các trường, khoa tài chính - ngân hàng lúc nào cũng “dư dả” ứng viên?

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ sở hữu khoảng 300.000 nhân sự. Và thực tế, nghề ngân hàng nếu ai đã thực sự “bén duyên” sẽ thấy rất hấp dẫn. Nếu có đủ năng lực, có tâm trong sáng, không tư lợi cá nhân, không lợi dụng vị trí đặt điều kiện riêng cho mình, thì những rủi ro sẽ được giảm thiểu. Bởi với những chuẩn mực mới trong quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro được áp dụng, sẽ có rất nhiều tầng nấc kiểm soát để phòng ngừa các sai lầm, bất cẩn. 

Đối với vị trí lãnh đạo, chia sẻ với phóng viên Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, phó tổng giám đốc tín dụng doanh nghiệp của một ngân hàng lớn cho rằng, áp lực trong hoạt động ngân hàng là luôn có, nhưng thực tế trong cuộc sống, lĩnh vực nào chẳng đầy rẫy áp lực. Điều quan trọng là cần đặt ra những mục tiêu dài hạn, ngắn hạn để không bị rối trí khi xuất hiện những biến động, những áp lực nhất thời.

“Khi xảy ra sự cố, chẳng hạn xuất hiện khoản nợ lớn có nguy cơ mất vốn, hoặc những báo cáo bi đát về tình hình kinh doanh ở một khu vực hay toàn ngân hàng, phản ứng đầu tiên là nỗi sợ hãi, lo lắng. Nhưng phải hiểu rằng, những nhân viên xung quanh cũng lo lắng không kém và họ đang chờ đợi phản ứng của người lãnh đạo để hành xử.

Chính vì vậy, trước hết, người lãnh đạo phải biết chuyển sự sợ hãi của đồng nghiệp sang cho mình để đồng nghiệp có thể bình tĩnh hơn giải quyết công việc. Sau đó, mới tìm cách giảm thiểu tối đa sự sợ hãi bên trong cá nhân, từ đó chia nhỏ sự sợ hãi và vượt qua từng sự sợ hãi nhỏ đó thì dần dần sự sợ hãi lớn sẽ đi qua”, vị lãnh đạo trên chia sẻ và nói rằng, nếu nói nghề ngân hàng là nghề nguy hiểm cũng không sai, nhưng đó là sự nguy hiểm đầy hấp dẫn.

Tin liên quan
Tin khác