Trong khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 cấm hoàn toàn việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng thì Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định, việc cấm nhập khẩu được áp dụng với “máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ”; còn “đối với tàu biển đã qua sử dụng, giao Chính phủ quy định cụ thể”.
Luật Bảo vệ môi trường 2005 cấm hoàn toàn việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng |
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Kiểm soát phát thải hóa chất và khắc phục sự cố môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cấm nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ. Chỉ khi nào Chính phủ chắc chắn kiểm soát ô nhiễm từ việc phá dỡ tàu cũ thì mới nên cho phép nhập khẩu các loại tàu này.
“Ô nhiễm đang ngày càng trầm trọng một phần vì việc phá dỡ trái phép tàu biển đã qua sử dụng mà không có các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp. Các loại tàu này thực chất là phế thải công nghiệp và việc phá dỡ chúng rất nguy hại cho môi trường”, ông Tuấn khẳng định.
Hiện nay, dù bị cấm, nhưng việc phá dỡ tàu biển cũ vẫn cứ diễn ra bất hợp pháp tại nhiều địa điểm trên cả nước. Rất nhiều chất thải phát sinh trong quá trình phá dỡ tàu cũ như dầu, sơn chứa chì, kẽm không được thu gom rơi xuống sông, biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng, hay chất thải nguy hại bị trộn lẫn với chất thải thông thường mà không qua xử lý, phân loại. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn hay giảm thiểu khí độc hại, tiếng ồn trong quá trình phá dỡ tàu biển tại một số cơ sở cũng không bảo đảm an toàn.
Cho rằng, việc phá dỡ tàu biển cần phải được hạn chế và kiểm soát, không thể để cứu doanh nghiệp mà phải sửa luật và “bán rẻ” môi trường, nhiều chuyên gia môi trường kiến nghị giữ quy định hiện hành và có sự cho phép với trường hợp đặc biệt, với điều kiện có các biện pháp xử lý đảm bảo hạn chế rủi ro môi trường.
Theo các chuyên gia môi trường từ Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc tại Việt Nam, hoạt động này có thể đem lại một số lợi ích về kinh tế, tạo việc làm cho một nhóm người, nhưng đã và đang gây hại cho môi trường, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người dân, vì vậy, việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ cần phải bị cấm triệt để.
Tuy nhiên, một đại diện từ Cục Môi trường (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, Chính phủ nên cho phép nhập khẩu tàu biển cũ, nếu kiểm soát được nguồn ô nhiễm này. “Nếu hoạt động phá dỡ tàu biển được hợp pháp hóa, thì Chính phủ sẽ có thể thu được thuế và phí bảo vệ môi trường từ hoạt động này”, vị đại diện này đề xuất và ước tính, việc phá dỡ một con tàu cỡ lớn có thể đem lại hàng triệu USD.
Theo vị đại diện Cục Môi trường, nhiều quốc gia cũng đã coi hoạt động này là một ngành công nghiệp “hốt bạc”, nhưng họ cũng áp dụng các quy định về môi trường và lao động một cách nghiêm ngặt. Nếu Chính phủ Việt Nam hợp pháp hóa hoạt động này, thì cần phải có các quy định chặt chẽ về quy hoạch các địa điểm cho phá dỡ tàu cũ.
“Tất cả các cơ sở phá dỡ phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về quản lý chất thải, thiết bị phá dỡ và bảo hộ lao động. Nếu các điều kiện này không thể được đáp ứng, thì cũng nên cấm hoạt động này”, vị đại diện bày tỏ.
Trên thực tế, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường 2005 không cho phép nhập khẩu tàu cũ vào Việt Nam để phá dỡ, nhưng Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng ký phê duyệt vào tháng 11/2013 đã lên kế hoạch cho ngành phá dỡ tàu biển. Theo đó, ngoài đóng mới và sửa chữa tàu, Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch trung tâm phá dỡ tàu cũ đặt tại Hải Phòng và một số tỉnh miền Trung.
Thanh Tùng