Tháp Tokyo, biểu tượng của thủ đô Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Dự báo của IMF cũng cho biết, Ấn Độ - quốc gia đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người, có thể sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026. Theo đó, trong giai đoạn 2026 - 2028, Nhật Bản sẽ tiếp tục rơi xuống vị trí thứ 5 thế giới trong khi Ấn Độ sẽ đứng thứ 4 vào năm 2026 và thứ 3 vào năm 2027.
Năm 1968, Nhật Bản vượt qua Tây Đức về Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) - chỉ số chính vào thời điểm đó và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Nhật Bản giữ vị trí này cho đến khi bị Trung Quốc vượt qua vào năm 2010, tụt xuống vị trí thứ 3.
Mặc dù dân số Đức chỉ bằng khoảng 2/3 dân số Nhật Bản, tuy nhiên do ảnh hưởng của tỷ giá cùng với việc Nhật Bản đã trải qua một thời gian dài tăng trưởng thấp nên khoảng cách tăng trưởng giữa hai nước đã bị thu hẹp trong những năm gần đây. Theo ước tính của IMF, GDP danh nghĩa của Nhật Bản sẽ đạt khoảng 4.230 tỷ USD vào năm 2023, giảm 0,2% so với năm trước, trong khi GDP của Đức sẽ đạt 4.430 tỷ USD, tăng 8,4%.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, tỷ giá USD/yen gần đây giao dịch ở mức khoảng 1 USD đổi 150 yen, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1 USD đổi 131 yen trong năm 2022. Chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng gia tăng khiến đồng yen ngày càng sụt giảm mạnh, trong khi tỷ giá euro so với USD không thay đổi nhiều.
Nhằm tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, trong bài phát biểu chính sách tại phiên họp Quốc hội bất thường ngày 23/10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nêu rõ sẽ "ưu tiên kinh tế trên hết" với các biện pháp như đưa ra gói kích thích kinh tế mới, cắt giảm thuế, tăng lương, hỗ trợ người thu nhập thấp.