Thế hệ chip tiên tiến nhất Nhật Bản đang sản xuất là chip 40 nm trong khi nhiều nhà máy trên thế giới đang sản xuất hàng loạt chip 3 nm. Ảnh: AFP |
Theo thông tin cuộc họp báo ngày 2/4 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, vòng hỗ trợ mới nhất của Nhật Bản sẽ bao gồm số tiền lên tới 53,5 tỷ yên cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) các quy trình phụ trợ như đóng gói chip.
Tập đoàn Rapidus được Chính phủ Nhật Bản và 8 công ty trong nước thành lập vào năm 2022 để phát triển và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Trong đó, Toyota và Sony nằm trong số những công ty đã đầu tư hàng tỷ yên vào Rapidus.
Rapidus đã nhận được khoản hỗ trợ 330 tỷ yên từ chính phủ Nhật Bản trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2023 để triển khai dự án sản xuất hàng loạt chip 2 nanomet ở thành phố Chitose, tỉnh Hokkaido, từ năm 2027.
Rapidus sẽ cạnh tranh với các công ty đầu ngành như TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc trong bối cảnh những công ty này có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 2 nanomet vào năm 2025.
TSMC và Samsung hiện đang sản xuất chip 3 nanomet, trong khi Rapidus hiện đang xây dựng một nhà máy bán dẫn tiên tiến ở thành phố Chitose.
Thông thường, việc giảm kích thước nanomet có thể mang lại những con chip mạnh hơn và hiệu quả hơn với nhiều bóng bán dẫn hơn được đóng gói trên một chip bán dẫn.
Tháng 4 năm ngoái, Rapidus cho biết các kỹ sư của họ đã bắt đầu công tác nghiên cứu và phát triển với sự cộng tác của IBM.
Nhật Bản đang nỗ lực giành lại vị thế cường quốc bán dẫn mà nước này đã đánh mất vào tay của Đài Loan và Hàn Quốc.
"Nhật Bản từng chiếm hơn một nửa thị phần chất bán dẫn toàn cầu vào những năm 1980, nhưng sau đó các quốc gia khác đã dẫn đầu trong ngành này. Trong khi các nhà máy ở các nơi khác trên thế giới đang sản xuất hàng loạt chip 3 nm thì thế hệ chip tiên tiến nhất được sản xuất tại Nhật Bản hiện nay là chip 40 nm", chính phủ Nhật Bản nêu trong một báo cáo hồi tháng trước.
Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đã tăng cường hỗ trợ đầu tư đáng kể để thu hút các công ty bán dẫn trong và ngoài nước như TSMC, Samsung và Micron.
TSMC gần đây nhất đã thiết lập nhà máy chip đầu tiên tại Nhật Bản vào tháng 2 với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, hãng chip Mỹ Micron cũng đã thông báo vào tháng 5/2023 rằng họ sẽ là công ty bán dẫn đầu tiên đưa công nghệ cực tím đến Nhật Bản để sản xuất thế hệ chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động tiếp theo tại nhà máy ở Hiroshima.
Micron cho biết họ dự kiến sẽ đầu tư lên tới 500 tỷ yên vào Nhật Bản trong vài năm tới với sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản.
Cuối năm ngoái, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết rằng Samsung sẽ nhận được khoản trợ cấp lên tới 20 tỷ yên để xây dựng cơ sở R&D mới cho chất bán dẫn tiên tiến gần Tokyo.