Đầu tư Phát triển bền vững
Nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào TP.HCM nhờ tín chỉ carbon
Lê Quân - 20/04/2024 13:50
Hoạt động mua bán tín chỉ carbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại TP.HCM. Bên cạnh đó, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thông tin này được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết tại Hội thảo 'Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh' do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 20/4 tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, TP.HCM được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và được nêu rõ tại Nghị quyết 98. Hiện tại, TP.HCM lựa chọn 2 dự án để thực hiện là thay thế đèn đường thành đèn LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại các công sở để thực hiện giao dịch tín chỉ carbon.

Các chuyên gia thảo luận về việc giao dịch tín chỉ carbon làm sao để có được giá tốt và tạo cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án xanh

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, TP.HCM có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon do có nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính và có nhu cầu giảm phát thải.

Do vậy, khi thực hiện giao dịch mua bán tín chỉ cacbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào các dự án xanh tại TP.HCM. Bên cạnh đó, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Mặt khác khi giao dịch tín chỉ carbon sẽ giúp các cơ quan của Chính quyền Thành phố, doanh nghiệp và nguời dân tiết kiệm năng lượng, mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo và có thể giúp TP.HCM trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực và quốc tế.

Dù có nhiều cơ hội nhưng thách thức đi kèm rất lớn. Ông Nguyễn Toàn Thắng chỉ ra rằng, hiện nay hành lang pháp lý để việc tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ carbon chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc mua bán. 

Hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ carbon, đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài. Do vậy, việc xác định, tính toán giá theo các Bộ ngành Việt Nam sẽ có giá trị như thế nào trên thị trường giao dịch tín chỉ carbon quốc tế.

"Để triển khai hiệu quả chương trình thí điểm xây dựng cơ chế tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, rất cần sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... để xử lý các vướng mắc và thách thức nêu trên", ông Thắng nói.

Trao đổi thêm về giá bán tín chỉ carbon mà dư luận cho rằng Việt Nam đang bán với giá quá thấp, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, giá tín chỉ carbon ở các quốc gia dao động rất lớn, có quốc gia chỉ bán được 1 USD cho 1 tấn carbon, song cũng có quốc gia bán được 140 USD cho 1 tấn.

Ông Minh giải thích do phía EU trao đổi đơn vị hạn ngạch tấn CO2, chứ không phải là tín chỉ carbon. "Tín chỉ carbon về cơ bản chủ yếu giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện, giá gần đây tôi kiểm tra chỉ dao động từ 1-2 USD tùy loại tín chỉ ", ông Minh thông tin thêm.

Cung cấp thêm thông tin về giá bán tín chỉ carbon, Tiến sĩ Phạm Văn Đại, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và Quản lý Fulbright, cho biết rất khó để xác định giá bán chỉ carbon là cao hay thấp vì đây là giá thị trường. 

Giá bán tín chỉ carbon còn liên quan đến chất lượng, có những tín chỉ carbon có thể bán được 200-300 USD/tín chỉ, khi xác thực được các chi phí bỏ ra để thực hiện dự án.

"Với thực tế hiện nay, tôi cho rằng Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ. Và cần xem xét hình thành Quỹ Dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam để sau này, khi tham gia chứng chỉ toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua với giá quá cao", ông Đại đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác