Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 183.756 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 162.721 tấn, tiêu trắng đạt 21.035 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 881,2 triệu USD (trong đó, tiêu đen đạt 754,1 triệu USD, tiêu trắng đạt 127,1 triệu USD).
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 2,1%, nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng tới 43%. Nguyên nhân là giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 8 tháng đạt 4.712 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.326 USD/tấn, tăng 1.270 USD/tấn đối với tiêu đen và 1.371 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu là Olam Việt Nam (đạt 18.185 tấn, tăng 50,6%), Phúc Sinh (16.522 tấn, tăng 61,7%), Nedspice Việt Nam (13.953 tấn, tăng 14,1%), Haprosimex JSC (13.808 tấn, tăng 77,0%), Trân Châu (11.426 tấn, giảm 6,5%)…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng trưởng đột biến như Simexco Đắk Lắk (tăng 215,1%), Sinh Lộc Phát (tăng 124,2%), Hanfimex Việt Nam (tăng 94,2%), Intimex Group (tăng 85,6%), Liên Thành (tăng 60,3%)…
Đại diện VPSA nhận định, mục tiêu xuất khẩu tỷ USD của ngành hồ tiêu năm 2024 là hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi còn 3 tháng mới hết năm và nhu cầu tiêu dùng cuối năm thường tăng cao.
Cũng theo số liệu từ VPSA, xuất khẩu ớt của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 8.800 tấn, với kim ngạch đạt hơn 21,2 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của mặt hàng này là Trung Quốc, với 7.377 tấn, chiếm 83,8% thị phần, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Lào đứng thứ 2, với 970 tấn, tăng 48% so với 8 tháng năm 2023. Đứng thứ 3 là Mỹ, với 163 tấn, tăng 143,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, giá ớt tươi trên thị trường ở mức 25.000 - 28.000 đồng/kg được coi là được giá và có lãi tốt cho người dân. Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, CEO Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare, chủ thương hiệu tương ớt lên men Chilica cho biết, ớt là loại nông sản có giá cả bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường. Vì thế, ông Hiền luôn đảm bảo mua ớt cho bà con với giá không dưới 25.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm thu mua với giá 45.000 đồng/kg.
Sự tăng trưởng mạnh của loại gia vị này thể hiện ở chỗ, cả năm 2023, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch 20 triệu USD, tương ứng với hơn 10.000 tấn, tăng tới 107% so với năm 2022. Trong 8 tháng năm nay, xuất khẩu đã vượt cả năm ngoái.
Còn đối với mặt hàng quế, tính đến hết tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu 62.918 tấn, với kim ngạch 177,0 triệu USD, tăng 1,7%, so với cùng kỳ.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gia vị hàng đầu thế giới, với kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD/năm (chiếm tới 50% sản lượng gia vị cung ứng cho thế giới). Gia vị của Việt Nam hiện được xuất khẩu tới 125 quốc gia, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Bên cạnh ưu thế về sản lượng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tăng cường đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia vị xuất khẩu. Chẳng hạn, Tập đoàn Phúc Sinh đầu tư nhà máy chế biến hạt tiêu xuất khẩu trị giá cả trăm tỷ đồng.
“Vua tiêu” Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, năm nào doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng, mở rộng nhà máy chế biến, cũng như tìm thêm các nguồn nguyên liệu và đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và ESG để đáp ứng tiêu chí các nước nhập khẩu.
Ông Thông nhận định, năm 2024 sẽ là năm tăng trưởng mạnh của ngành hồ tiêu, với dự báo giá loại gia vị này sẽ liên tục tăng bởi nguồn cung trong nước cũng như trên toàn cầu hạn chế.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm hàng chục năm xuất khẩu và chứng kiến những thăng trầm ngành hồ tiêu, Chủ tịch Phúc Sinh rút ra bài học: “Không nên nhìn thị trường tăng trưởng, giá cao mà tìm mọi cách tăng mạnh sản lượng để cung vượt cầu. Cái quan trọng là doanh nghiệp, người dân cùng nhau hợp tác đầu tư bền vững mới mong tăng trưởng lâu dài”.
Để chinh phục các thị trường khó tính, không chỉ hạt tiêu chọn hướng chế biến sâu như tiêu sấy lạnh, nước sốt tiêu, bột tiêu… mới có thể gia tăng giá trị, mà các gia vị khác cũng chọn hướng đi là chế biến hoàn chỉnh sản phẩm thuần tự nhiên để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Để phát triển bền vững cho cây ớt, Chilica tiên phong nghiên cứu tương ớt lên men. Với việc chế biến sâu, sản phẩm này vừa đảm bảo đầu ra cho nông dân ở mức có lãi, vừa nâng tầm giá trị trái ớt Việt Nam lên rất nhiều lần”, ông Hiền cho hay.