Theo đó, ngày 27/4 (tức ngày 19/3, năm Giáp Thìn), buổi sáng sẽ có lễ dâng hương, biểu diễn múa trải cạn, sanh tiền mõ lộn, buổi chiều có Du thuyền hát hội. Ngày 28/4 (tức ngày 20/3 năm Giáp Thìn), buổi sáng diễn ra trò chơi bắt vịt dưới hồ, buổi chiều có du thuyền hát hội.
Lễ hội Chùa Keo với nhiều nét văn hóa đặc trưng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh sưu tầm |
Đây là lần đầu tiên huyện Vũ Thư (Thái Bình) tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Keo vào dịp lễ 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5. Thông qua các hoạt động này, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, phát triển du lịch của tỉnh.
Chùa Keo còn biết đến với tên gọi khác đó là chùa Thần Quang Tự. Ngôi chùa được xây dựng quy mô lớn nằm tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Trải qua bao nhiêu năm tháng, Chùa Keo vẫn giữ được vẻ đẹp sừng sững, uy nghi. Ảnh sưu tầm |
Chùa Keo Thái Bình được xây dựng vào năm 1630 dưới triều đại vua Lê Trung Hưng. Cho đến thời điểm hiện tại, chùa đã có niên đại gần 400 năm. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời cùng kiến trúc độc đáo và quy mô tại Việt Nam. Hiện nay, Chùa Keo vẫn được đánh giá là một trong những cổ tự đẹp nhất Việt Nam. Năm 2012, Chùa Keo vinh dự được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Ngoài mục đích thờ Phật và Bồ Tát như những ngôi chùa khác, địa điểm tôn giáo này còn thờ Thánh Dương Không Lộ (tức tiền Phật, hậu Thánh). Thánh Dương Không Lộ là một nhà sư thời Lý với kiến thức uyên bác về Phật pháp.