Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế luỹ kế đến cuối tháng 6/2024 đạt 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ động lực tăng của thu nhập lãi thuần (NII), tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước đạt 18.000 tỷ đồng.
Riêng quý II/2024 tăng 50,6% so với cùng kỳ đạt 9.500 tỷ đồng. Trong quý II, Techcombank ghi nhận phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt kỷ lục 1.000 tỷ đồng, luỹ kế nửa đầu năm phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.
Qua nửa chặng đường 2024, ACB đạt mức lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng (mục tiêu cả năm 2024 ACB dự kiến đạt 22.000 tỷ đồng trước thuế).
Nhiều ngân hàng báo lợi nhuận tăng trưởng dương. |
Riêng quý II/2024 lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tốt về quy mô, cải thiện phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ. Tỷ lệ ROE của ACB tiếp tục duy trì ở mức cao 23,4%, dẫn đầu thị trường về mức độ hiệu quả.
Tổng vốn huy động của ACB đến cuối tháng 6/2024 đạt 512.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với đầu năm, vượt so với tăng trưởng bình quân ngành. Tỷ lệ CASA đạt 22%, nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Trong khi đó, tín dụng của ACB đạt 550.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8% so với đầu năm, tăng gấp đôi so với bình quân ngành và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua.
Tăng trưởng tốt về quy mô cũng giúp thu nhập lãi của ACB tăng 11% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao với 13%, chủ yếu đến từ các sản phẩm cốt lõi như phí thẻ, thanh toán quốc tế…, đưa tổng thu nhập lũy kế 2 quý đầu năm đạt 16,8 nghìn tỷ, tăng trưởng 5,5%.
Trong 6 tháng đầu năm, ACB vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường. Đến cuối quý II/2024, tỷ lệ nợ xấu của ACB ở mức 1,5% chủ yếu tăng theo tình hình chung của thị trường và bị tác động bởi nhóm nợ kéo theo CIC.
Các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được ACB tuân thủ nghiêm ngặt với tỷ lệ LDR là 82,2%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17,6%.
Thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 384,5 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
LPBank báo lợi nhuận 3.302,5 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 5.918,88 tỷ đồng, tăng 142%.
Trong năm 2024, LPBank đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt mức 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Như vậy, sau 6 tháng, ngân hàng này đã thực hiện được hơn 56% kế hoạch của cả năm.
Quý II/2024, LPBank ghi nhận kết quả tích cực nhờ thu nhập lãi thuần tăng 48,8% (tăng gần 1.200 tỷ đồng), mang về 3.645 tỷ đồng và lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 247,5% (tăng 617 tỷ đồng), đạt 866 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí hoạt động cũng giảm 15,8% so với cùng kỳ, hỗ trợ cho lợi nhuận của LPBank.
Tương tự, trong quý II/2024, lợi nhuận trước thuế của SeABank ước đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng lãi trước thuế 3.238 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng quý II/2024 của SeABank tăng trưởng 83% so với cùng kỳ và lập kỷ lục mới.
SeABank cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 6.011 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của SeABank cũng tăng trưởng 39% so với cùng kỳ, đạt 1.268 tỷ đồng, tương đương 21,1% TOI. Các chỉ số về hiệu quả hoạt động đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó ROE ở mức 16,38% và ROA đạt 1,88%.
Tính đến hết 30/06, tổng tài sản của SeABank là 280.658 tỷ đồng, tổng huy động tiền gửi và giấy tờ có giá của SeABank đạt 160.926 tỷ đồng, tăng ròng thêm 16.139 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 20.038 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 13,4% tổng huy động.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng của SeABank đạt 185.959 tỷ đồng, trong đó tín dụng xanh, dư nợ các khoản vay tín dụng xanh tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,91%.
Bên cạnh đó, còn có PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 151,5 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ đầu năm, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 267,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ. Như vậy, sau nửa năm, ngân hàng đã thực hiện được hơn 48% kế hoạch cả năm.
Trong khi đó, BaoViet Bank báo cáo lợi nhuận trước thuế quý II/2024 giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuống 17,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng là 25,8 tỷ đồng, tăng 4,4%.
BaoViet Bank cho biết, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm đạt 1.034 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Nhưng chi phí hoạt động 6 tháng tăng 22% so với cùng kỳ do ngân hàng tiếp tục tập trung đầu tư cho các dự án công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số.