InfoMoney
Nhiều ngân hàng tham gia giải cứu lợn
T.L - 04/05/2017 10:36
Trước khó khăn của ngành chăn nuôi lợn, NHNN đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.
Giá thịt lợn ở Việt Nam đang thấp nhất thế giới

 Công văn số 3091/NHNN-TD của NHNN nêu rõ, các tổ chức tín dụng (TCTD)  căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng thương mại cho vay được giữ nguyên nhóm nợ một lần đối với một khoản nợ. Đồng thời, được cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.  

Sau lời kêu gọi của NHNN và Chính phủ, đã có hai ngân hàng vào cuộc giải cứu ngành chăn nuôi lợn là LienVietPostBank và Kienlongbank.

Cụ thể, LienVietPostBank sẽ dành gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh... với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này đang vay vốn và thời hạn cho vay ưu đãi là 01 năm.

Lãnh đạo LienVietPostBank cũng kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên và gia đình có hành động thiết thực góp phần giải quyết khó khăn cho các hộ nông dân nuôi lợn, giúp duy trì đàn lợn thịt và lợn giống.

Còn Kienlongban sẽ xem xét giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu đối với các khách hàng hoạt động sản xuất - kinh doanh chăn nuôi heo đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian triển khai chương trình dự kiến là 3 tháng (90 ngày) bắt đầu từ 10/5. Trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trước đó, ngày 28/4/2017 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành văn bản số 597/TTg-NN về việc một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn các NHTM, các TCTD xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới đối với những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay cho phát triển chăn nuôi và sản xuất.

Về giải pháp lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục có các giải pháp tổng thể, lâu dài để hướng dẫn các địa phương phát triển chăn nuôi có hiệu quả, bền vững.

Trong đó, xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, lấy DN, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Tin liên quan
Tin khác