Tài chính - Chứng khoán
Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán tháo cổ phiếu, lực cầu bắt đáy tăng vọt
Thanh Thủy - 08/02/2021 13:21
Thanh khoản trên cả ba sàn vọt lên xấp xỉ 13.500 tỷ đồng ngay trong sáng 27 tháng Chạp. Tình hình dịch tại TP.HCM ghi nhận những diễn biến mới bất ngờ kích hoạt đà bán tháo.

Lao dốc giữa phiên sáng

Hơn 11h sáng, chỉ số VN-Index rơi 58 điểm xuống 1.076,3 điểm. Đây cũng là thời điểm chỉ số chung sàn HoSE rơi sâu nhất và ghi nhận  mức thanh khoản tăng vọt. Nửa tiếng trước đó, nhà đầu tư tại một số công ty chứng khoán ghi nhận hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch vào hệ thống.  Hiện tượng này cũng phần nào kích hoạt các lệnh bán giá thấp.

Chứng khoán Việt có 4 phiên tăng điểm tích cực trong tuần trước, trong đó, VN-Index đã tăng tới hơn 90 điểm. Áp lực điều chính cùng các thông tin tiêu cực tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Sáng nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tổ chức họp khẩn sáng nay thông báo về 24 trường hợp dương tính mới đều liên quan đến bệnh nhân 1979 – nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó, đáng chú ý khi có những ca nhiễm mới là F2.  Cùng đó là tâm lý “chốt” lời trước đợt nghỉ Tết nguyên đán kéo dài. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán tháo cổ phiếu. Nhưng ở chiều ngược lại, lực cầu bắt đáy cũng tăng vọt.

Đến cuối phiên sáng, các chỉ số chung cũng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã có sự hồi phục đáng kể. Đóng cửa phiên sáng, VN-Index chỉ còn giảm 35,64 điểm, tương ứng mức giảm 3,27% về mức 1.097 điểm. Ngưỡng tâm lý 1.100 điểm không thể trụ vững. Sàn HNX hồi phục khá nhanh trong 15 phút cuối phiên sáng. Chỉ số HNX-Index chỉ còn giảm 25 điểm (-0,56%), kết thúc phiên sáng gần 222,6 điểm.

Cổ phiếu VCB (Vietcombank) là một trong những cổ phiếu biến động mạnh nhất trong phiên sáng nay, đồng thời, cũng dẫn dắt các nhịp lên xuống của thị trường. VCB đã có thời điểm giảm xuống thấp nhất 93.100 đồng/cổ phiếu - tiến sát mức giá sàn. Hiện cổ phiếu này đã nhích tăng nhưng vẫn giảm 4,3%. Đến cuối phiên, nhóm ngân hàng phần lớn đều chìm trong sắc đỏ, trừ cổ phiếu LPB và VIB. SHB giảm sâu nhất (-5,59%).

Cầu nội đổ xô bắt đáy

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 11.060 tỷ đồng, cao gấp đôi sáng phiên cuối tuần (5/2), thậm chí vượt thanh khoản toàn phiên ngày giao dịch liền trước. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào gần 605 tỷ đồng nhưng bán cổ phiếu ra thị trường thu về tới 1.200 tỷ đồng. Giá trị bán ròng của khối ngoại xấp xỉ 595 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất là cổ phiếu HPG của Hòa Phát (74 tỷ đồng), Vinamillk (73 tỷ đồng), Vincom Retail (63 tỷ đồng) hay Vietcombank (56 tỷ đồng)…

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE sáng 27 tháng Chạp đã vượt 11.060 tỷ đồng

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tranh thủ mua thêm cổ phiếu của LienVietPostBank, Vietjet Air, quỹ ETF VFMVN Diamond hay NCB, nhưng giá trị mua vào khá khiêm tốn (chỉ hơn 10 tỷ đồng). Các nhà đầu tư trong nước mới là bên mua chính trong phiên sáng nay.

Theo nhận định của Chứng khoán SSI, trước diễn biến của chủng Covid mới thì sự thận trọng của các nhà đầu tư là cần thiết khi vẫn có xác suất các tin tức dồn nén trong kỳ nghỉ Tết có thể sẽ tác động tiêu cực lên thị trường sau đó. Tuy nhiên, thị trường vẫn có sự hỗ trợ mạnh từ sự tham gia sôi động của nhà đầu tư cá nhân và dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam. Cùng đó, đợt điều chỉnh trong tháng 1 vừa qua cũng đã khiến hệ số P/E của thị trường về mức hấp dẫn hơn.

“Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn dự kiến, vùng 1.000 điểm của VN-Index là vùng mua an toàn; ngược lại nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn với vùng hỗ trợ 1.100-1.050 để mở các vị thế mua mới”, bộ phận phân tích của CTCK này nhận định.

Việc mua cổ phiếu trong thời điểm này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư chỉ có thể bán ra sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, các giao dịch chứng khoán có chu kỳ thanh toán T+2 thực hiện tại các ngày 08/02 và 09/02 sẽ được thanh toán lần lượt vào sau giờ giao dịch các ngày 17/02 và 18/02. Nếu mua vào bằng nguồn tiền margin, các nhà đầu tư vẫn phải chịu lãi tiền vay margin trong các ngày nghỉ lễ.

Tin liên quan
Tin khác