Nếu như Google vẫn luôn đấu tranh một cách chật vật để giành thị phần từ tay Baidu, còn Nestle thì thất bại nặng nề trong cuộc chiến với đại gia ngành sữa Mengniu đến các thương hiệu đồ thể thao chỉ nổi tiếng ở trong nước mà ít tên tuổi trên thế giới giờ đây đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách với các nước.
Điển hình các thương hiệu thể thao với doanh thu vài tỷ USD/năm, nhưng vài năm trở lại đây họ mới vươn mạnh ra thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thành phố Hạ Môn (Trung Quốc) không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng, mà còn được biết đến là đại bản doanh của hơn 2,000 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thể thao chất lượng lớn nhất Trung Quốc.
Các thương hiệu thể thao nổi tiếng như ANTA, XTEP, JORDAN, PEAK, ERKE... đều có trụ sở chính tại khu công nghiệp thể thao Hạ Môn. Thương hiệu vợt Tennis và cầu lông nổi tiếng thế giới WISH cũng được sản xuất tại đây. Không chỉ có vậy, Hạ Môn cũng là nơi cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao như: xe đạp, các loại máy hỗ trợ tập luyện thể thao và hoạt động ngoài trời…
Các thương hiệu này khoảng 5 năm trở lại đây đang bùng nổ trên thị trường toàn cầu và giờ đang tính đến việc chuyển thị trường trọng điểm sang Việt Nam. Họ coi đây là thị trường bàn đạp để tiến ra các thị trường khác, nhằm né bị ảnh hưởng xấu từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Động thái mạnh mẽ được thể hiện qua Triển lãm Quốc tế Thiết bị và Sản phẩm Thể thao Việt Nam - Vietnam Sport Show đang diễn ra tại Hà Nội. Trong tổng số gần 120 doanh nghiệp tham gia, với hơn 5,000 sản phẩm thì có tới hơn 40 doanh nghiệp ở Hạ Môn, với gần 1,000 mặt hàng trưng bày. Chủ yếu các sản phẩm quần áo, giày thể thao, phụ kiện đi kèm, vợt cầu lông, thiết bị tự tập, bóng chày, máy chạy bộ….
Zhiwei Chen, quản lý thương hiệu khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Wish(Xiamen)Sporting Goods Co.,Ltd cho biết, có mặt trên thị trường hơn 30 năm và nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, thời điểm này Việt Nam là thị trường khá phát triển nên muốn đầu tư mạnh.
Thương hiệu này đã có mặt ở Việt Nam qua các nhà phân phối độc quyền hơn 20 năm nay, nhưng hiện ở Trung Quốc mặt bằng giá thành sản xuất không còn rẻ như trước, nên muốn đến các nước đang phát triển như Việt Nam để mở rộng sản xuất. Từ đó hạ giá thành sản xuất, phủ sóng sản phẩm.
Hiện khá nhiều thương hiệu thể thao Trung Quốc có mặt ở Việt Nam nhưng độ chuyên nghiệp trong mọi khâu từ sản xuất tới nghiên cứu sản phẩm ở mọi phân khúc, hệ thống phân phối thì WISH là thương hiệu có thế mạnh nhất.
Theo Zhiwei Chen, khoảng 2 năm trở lại đây thương hiệu bắt đầu tìm hiểu các địa điểm ở Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất và xuất khẩu đi các nước lân cận. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng chờ xem chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho nhà đầu tư như thế nào.
WISH là thương hiệu vợt có thế mạnh nhất ở Trung Quốc. |
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước mắt không gây ảnh hưởng nặng nề đến các thương hiệu thể thao. Riêng công ty tôi sản lượng khu vực châu Mỹ chỉ chiếm 30%, khu vực Đông Nam Á chiếm tới tới 70%. Nhưng lượng xuất khẩu khu vực châu Mỹ đang có dấu hiệu giảm sút, về lâu dài chúng tôi phải tính đến phương án mở thêm nhà máy ở Việt Nam”, Zhiwei Chen nói.
Trong khi đó, 361° là thương hiệu giày dép thể thao thuộc công ty Degrees International Limited cũng nắm bắt mọi cơ hội ở Việt Nam.
361° được thành lập vào năm 2002 và đến năm 2004 ra mắt nhãn hiệu 361. Đại sứ quảng cáo cho sản phẩm của hãng này là danh thủ NBA Kevin Love của đội Minnesota Timberwolves. Mặc dù rất nổi tiếng trong nước với hơn 5000 cửa hàng tại Trung Quốc nhưng với người tiêu dùng thế giới, thương hiệu này vẫn mờ nhạt.
361° đã xuất hiện Nam thông qua các showroom ở các TTTM lớn ở Việt Nam, với doanh thu mỗi năm từ 1-2 triệu USD |
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, thương hiệu này đã lớn mạnh thách thức sự cạnh tranh của các hãng giày Nike, Adidas, Converse khi liên tục tung ra các sản phẩm mới và mở rộng hệ thống phân phối ở nước ngoài đến nỗi trở thành một làn sóng lớn, một cơn sốt trong thị trường giày dép trên toàn thế giới.
Hiện đã có hơn 7,800 cửa hàng trải dài các quốc gia châu Âu, châu Á, khu vực Trung Đông. Và nhanh chóng bành trướng tại khu vực Đông Nam Á. Tại thị trường Việt Nam, 361° đã xuất hiện Nam thông qua các showroom ở các TTTM, với doanh thu mỗi năm từ 1-2 triệu USD trong tổng doanh thu toàn tập đoàn khoảng 1,5 tỷ USD.
Hơn thế nữa, 361° còn thành công hơn một số thương hiệu giày khác đó là nhận được các hợp đồng hợp tác với các đại hội và giải đấu thể thao như thế vận hội châu Á, Olympic và Paralympic Rio 2016, sự kiện thể thao lớn nhất châu Á - ASIAD 2018…
Ngoài ra, các thương hiệu thiết bị thể dục thể thao cũng muốn tăng doanh thu ở Việt Nam nhiều hơn. Theo ông Lin Si, Tổng giám đốc Công ty Xiamen Keep Running Fitness Equipment Co., Ltd, chuyên sản xuất thiết bị chạy thể dục đã có mặt ở hơn 60 nước trên thế giới, với khoảng hơn 10 triệu người sử dụng. Các dòng sản phẩm chính: xe đạp từ thẳng, Elliptical, Orbitrac, máy chạy bộ, phòng tập thể dục tại nhà… .
“Xuất hiện ở thị trường Việt Nam 2 năm trở lại đây thông qua 5 nhà phân phối và đã đạt doanh thu khoảng hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về Viêt Nam và đưa ra những sản phẩm phù hợp hơn”, ông Lin Si nói và cho biết, muốn khẳng định lại chất lượng các sản phẩm Trung Quốc. Bởi hiện ở Trung Quốc cũng mọc lên rất nhiều phân xưởng nhỏ chuyên sản xuất hàng kém chất lượng để tiêu thụ khắp nơi trên thế giới..