Ảnh minh họa. |
Cụ thể, Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng lên 48 - 50 triệu đồng/năm.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển sinh mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng/tín chỉ, trong khi mức cũ là 1,3 triệu đồng.
Trường đại học Điện lực đưa ra mức học phí năm tới là 16 - 18 triệu đồng/năm (tăng 14% so với năm trước). Trường đại học FPT tăng học phí chính khóa 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm là 57,4 triệu đồng.
Trường đại học Luật Hà Nội quy định đối với sinh viên chương trình chất lượng cao, mức thu trong năm học 2023 - 2024 gần 6 triệu đồng/tháng, tương đương 60 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí năm 2024 - 2025 là gần 7,2 triệu đồng/tháng, năm học 2025 - 2026 hơn 8,5 triệu đồng/tháng.
Trường đại học Giao thông - Vận tải, mức học phí dự kiến tăng 10%. Trong đó, khối kỹ thuật 415.800 đồng/tín chỉ; khối kinh tế 353.300 đồng/tín chỉ. Các ngành học của Trường đại học Ngoại thương cũng tăng học phí so với những năm trước (chương trình tiên tiến tăng 10 triệu đồng so với mức hiện tại).
Trường đại học Y dược Cần Thơ, học phí tăng 13 triệu đồng so với năm 2022. Năm ngoái mức học phí bình quân 24,6 triệu đồng/năm, năm nay tăng lên 37,6 triệu đồng/năm.
Học phí là nguồn lực tài chính quan trọng trong việc đầu tư cho ngành giáo dục. Tuy vậy, phải cân nhắc và thận trọng khi đưa ra mức học phí. Các chuyên gia cho rằng, 3 năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Học phí tăng cao sẽ làm khó nhu cầu học tập của sinh viên.
Xét trong bối cảnh hiện nay, Covid-19 khiến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, bởi thế, việc tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập và đại học cần phải có sự phân tích, đánh giá tác động đầy đủ mọi mặt. Mức học phí thấp hay cao phải so với mức thu nhập bình quân của người dân.
Khi tăng học phí, các cơ sở đào tạo, các địa phương cần có những tính toán khoa học, cụ thể về việc tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lạm phát, từ đó đưa ra mức tăng học phí hợp lý; đồng thời, phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những đối tượng khó khăn, yếu thế (học bổng, miễn giảm học phí).
Nói về lý do tăng học phí, đại diện một số cơ sở giáo dục cho rằng, bởi kinh phí nhà nước cấp cho giáo dục quá thấp, không tăng học phí thì khó cải thiện chất lượng giáo dục. Lý giải này thoạt nghe có vẻ phù hợp, song ở một khía cạnh khác cho thấy sự thiếu trách nhiệm của cấp quản lý. Việc tăng học phí thực chất đã đẩy gánh nặng cho người dân, nhất là những người có điều kiện kinh tế còn khó khăn.
TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc nhiều trường đồng loạt tăng học phí có thể sẽ khiến những học sinh giỏi nhưng không đủ khả năng kinh tế phải nghỉ học.
Theo ông Khuyến, không thể so sánh mức học phí của đại học trong nước với nước ngoài, mà cần nhìn lại thu nhập bình quân của người dân hiện nay ở mức bao nhiêu so với các quốc gia khác trên thế giới. “Tôi cho rằng, tư duy muốn tăng chất lượng phải tăng chi phí là chưa chuẩn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại với những ngành đặc thù, nhất là các trường khối ngành y dược, kinh tế...”, ông Khuyến nói.
Còn theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các trường không tăng học phí thì không thể đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhưng tăng học phí thế nào và các chính sách để đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho người học là điều cần phải tính.
Ông Vinh cũng cho rằng, nếu không làm tốt vấn đề quản trị về tài chính, trường đại học không có đủ kinh phí để thuê giảng viên giỏi, không thể đầu tư cho cơ sở vật chất, khi đó chất lượng giáo dục không đảm bảo. Vì vậy, các trường cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó chi phí sẽ giảm.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để giải bài toán học phí, hài hòa lợi ích của cả người học và cơ sở giáo dục đại học, khi tăng học phí, các cơ sở đào tạo, các địa phương cần có những tính toán cụ thể, với mức tăng hợp lý để tiếp tục chia sẻ gánh nặng kinh tế với người dân. Ngược lại, người học cũng cần chia sẻ khó khăn với các cơ sở đào tạo.
"Bên cạnh việc tăng học phí, cũng cần nghiên cứu ban hành thêm những chính sách cải thiện học bổng và tín dụng cho sinh viên. Đặc biệt, việc tăng học phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường", bà Nga nói.