Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhiều yếu tố thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng, định giá cổ phiếu đang ở mức hợp lý
T.L - 07/11/2021 16:30
Báo cáo về ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE) đưa ra đánh giá khả quan về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thời gian tới.
Lợi nhuận nhiều ngân hàng được dự đoán sẽ tăng tốc trong quý IV/2021.

Nhiều ngân hàng có thể được cấp room tín dụng lớn

MBKE vừa công bố báo cáo ngành ngân hàng với chủ đề “Tăng trưởng vượt trội và vẫn trong chu kỳ sinh lợi cao”.

Theo MBKE, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần phải thúc  đẩy tăng trưởng tín dụng từ quý IV/2021. Do đó, cơ quan này có thể sẽ nới hạn mức tín dụng (tương tự như đã làm năm 2020). Tín dụng toàn hệ thống năm 2021 tăng khoảng 12,5% và năm 2022 tăng khoảng 14% vào năm 2022. Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) và nền  tảng khách hàng tốt như TCB, MBB, VPB ... sẽ có thể được nhận hạn mức tín dụng cao hơn.

Trong 9 tháng đầu năm nay, theo thống kê của MBKE, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng niêm yết vẫn tăng trưởng tốt, NIM mở rộng 20 điểm cơ bản lên 4,2% (so với 2020), trái ngược với lo ngại của thị trường về việc NIM trước đó.

Chi phí vốn giảm nhanh hơn tốc độ giảm của lợi suất cho vay trong 9 tháng  đầu năm là nguyên nhân giúp NIM mở rộng tại hầu hết các ngân hàng (ngoại trừ VPB, HDB  và OCB có lợi suất cho vay giảm nhanh hơn do Covid-19 ảnh hưởng nghiêm  trọng mảng cho vay tiêu dùng). 

Các ngân hàng tiếp tục nỗ lực nâng cao cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiếp cận nguồn vốn bán buôn với chi phí rẻ hơn là những yếu tố góp phần  giảm chi phí vốn.

“Năm 2022, chúng tôi cho rằng, NIM có thể chịu áp lực bắt nguồn từ việc lãi  suất huy động tăng do áp lực lạm phát và sự cạnh tranh trong việc huy động  vốn giữa các ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Do đó, các ngân hàng có vị thế thanh khoản tốt (hệ số LDR thấp), tỷ lệ CASA cao và còn nhiều dư địa để gia tăng cơ cấu cho vay SME & bán lẻ, sẽ có vị thế tốt hơn để giảm  thiểu áp lực lên NIM. Dựa vào các tiêu chí trên, chúng tôi đánh giá cao TCB, MBB và VCB”, các chuyên gia phân tích MBKE nhận định.

Bên cạnh lợi nhuận thuần, theo MBKE, các khoản thu nhập từ phí (đặc biệt là phí bancassurance) cũng là một trong những động lực tăng  trưởng cho các ngân hàng thời gian qua. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng kiểm soát rất tốt chi phí hoạt động, nhất là các ngân hàng có tiến độ chuyển đổi số nhanh.

Nợ xấu không xấu như “lo ngại bị thổi phồng”, không có cú sốc về trích lập dự phòng

Trong khi thu nhập tăng trưởng tốt thì nợ xấu của các ngân hàng không xấu như những lo ngại bị thổi phồng trước đó. Một phần nguyên nhân là do mức nợ xấu của các ngân hàng trước đại dịch tương đối thấp, thậm chí  rất thấp ở một số ngân hàng

“Xét một cách tổng thể (bao gồm mức nợ xấu hiện tại cũng như nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ tái cơ cấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu, các chính sách hỗ trợ hiện hành (như cho phép hoãn nợ và giãn trích lập dự phòng cần thiết cho các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của Covid-19 trong vòng 3 năm) và sự hồi phục của nền kinh tế hiện nay, chúng tôi cho rằng các ngân hàng Việt Nam sẽ không gặp cú sốc về trích lập dự phòng”, các chuyên gia MBKE nhận định.

Định giá cổ phiếu ngân hàng đã hợp lý hơn:

Theo đánh giá của MBKE, định giá cổ phiếu ngân hàng hiện tại đã hợp lý hơn, sau đợt điều chỉnh mạnh vào nửa đầu tháng 7/2021. Điều này tạo cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích luỹ cổ phiếu của các ngân hàng tốt ở mức định giá hợp lí. Ngoại trừ VCB (định giá hợp lí với vị thế là ngân hàng hàng đầu, theo quan điểm của chúng tôi) và SSB (đã tăng quá cao và có thể bị điều chỉnh thêm), các ngân hàng khác hiện tại đang giao dịch tại mức trung bình 1,9x P/B dự phóng 2021 và 1,6x P/B dự phóng 2022, cho thấy mức định giá rẻ với ROE vững chắc (18,3%).

Về triển vọng lợi nhuận ngân hàng thời gian tới, các chuyên gia phân tích kỳ vọng, phí suất tín dụng trung bình sẽ vào khoảng 1,5-1,6% trong hai quý tới, sau đó có thể giảm xuống kể từ quý 2 năm 2022, điều này sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối 2022.

Hiện hầu hết các ngân hàng đang trên đà hoàn thành các mục tiêu 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, các ngân hàng đã hoàn thành bình quân 77% kế hoạch lợi nhuận  cả năm 2021. Riêng TCB, MBB, ACB, MSB, SHB, LPB và SSB đã hoàn thành  85-105% mục tiêu đề ra. 

Theo dự báo của MBKE, các ngân hàng có  khả năng tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng bao gồm: TCB, BID và HDB. Riêng  EIB và VIB có thể sẽ không hoàn thành các dự báo.

Theo dự báo của MBKE, 17 ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận  10% trong Q4/2021, tương đương 44 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (bằng mức trung  bình của ba quý đầu năm) nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh  hơn. Cả năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng ở mức 33% so với năm trước.

Tin liên quan
Tin khác