Chưa bao giờ dự trữ ngoại hối lại dồi dào như hiện nay. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào khoảng 11 tỷ USD, nâng Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia lên khoảng trên 40 tỷ USD.
“NHNN mua vào 11 tỷ USD, tức bơm ra thị trường 250.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng tăng trưởng huy động tốt hơn cho vay. Vậy nên, nhìn vào hệ thống ngân hàng chúng ta thấy có vấn đề: thừa quá nhiều tiền. Chưa rõ 11 tỷ USD này do NHNN bỏ tiền ra mua hay mua trái phiếu bằng USD nhưng vấn đề là việc hấp thụ 250.000 tỷ đồng này như thế nào”, TS. Vũ Đình Ánh đặt câu hỏi.
Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia |
Tuy nhiên, về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế khác lại tỏ ra không mấy lo ngại. Theo phân tích của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, NHNN mua ngoại tệ chủ yếu từ các tổ chức tín dụng và hút lại tiền đồng qua kênh trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN.
“Năm 2007, thị trường ngập tiền đồng vì không có biện pháp trung hòa. Còn thời gian qua, NHNN đã trung hòa rất tốt nên dù có mua vào lượng lớn ngoại tệ, thị trường vẫn không có dấu hiệu quá dư thừa tiền, dẫn tới lạm phát”, ông Tuyển phân tích.
Nói thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành khẳng định, về nghiệp vụ, NHNN hoàn toàn có thể trung hòa được rất tốt, điều này có thể nhìn thấy qua lượng tín phiếu phát hành của NHNN.
Mặc dù thanh khoản dư thừa, song câu chuyện hạ lãi suất là không dễ dàng.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong quý 3, nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. VEPR khuyến nghị, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước.
Báo cáo của VEPR dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20/9/2016 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015.
Tuy vậy, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, không phải thanh khoản dư thừa là có thể giảm lãi suất. Vì lãi suất giảm có thể khiến tiền chảy ra khỏi ngân hàng. Chưa kể, dù thanh khoản dư thừa nhưng ngân hàng vẫn cần duy trì lãi suất cho vay cao để có nguồn xử lý nợ xấu, bởi nợ xấu ngân hàng hiện nay vẫn còn rất lớn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, thời gian qua, một số ngân hàng lớn có động thái giảm lãi suất. Tuy nhiên, động thái này không phản ánh khuynh hướng chung của toàn bộ hệ thống và chưa chuyển được thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém, việc giảm lãi suất, kích tín dụng có thể gây ra lạm phát.