Vàng “bốc hơi” cả triệu đồng mỗi lượng
Cú rơi của vàng thế giới sau khi vượt mốc 2.400 USD/ounce trong những giờ giao dịch cuối cùng của tuần qua đã khiến thị trường vàng trong nước “chao đảo”. Vàng miếng SJC và vàng nhẫn nhiều nơi đều đồng loạt giảm trên 1 triệu đồng mỗi lượng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC khép lại tuần qua ở mức 80,6 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 83,1 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm lần lượt 1,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với hôm qua. Các hãng trên đều giảm mạnh giá vàng sau khi yết giá cao vọt chiều qua. Giá thu mua vàng của DOJI giảm tới 2,2 triệu đồng/lượng so với hôm qua.
Chênh lệch giá mua - bán hiện ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Tương tự SJC, Tập đoàn DOJI và PNJ đều đang yết mức giá và chênh lệch như trên. Trong khi đó, một số hãng đang chấp nhận “ăn” chênh lệch mua - bán ít hơn đối với sản phẩm vàng miếng SJC. Tại Hà Nội, Bảo tín Minh châu mua vào với giá 80,8 triệu đồng/lượng trong khi bán ra 82,9 triệu đồng/lượng. Còn Vàng Mi Hồng tại TP.HCM chấp nhận thu mua ở mức 81,3 triệu đồng/lượng.
Trong tuần, đã có thời điểm giá bán ra vàng miếng SJC chạm mốc 85 triệu đồng/lượng vào cuối giờ sáng thứ Sáu. So với con số kỷ lục trên, giá vàng miếng đã “bốc hơi” gần 2 triệu đồng. Với các nhà đầu tư đổ xô đi mua, thậm chí phải xếp hàng chờ trong buổi sáng thứ Sáu, khoản lỗ phải chịu nếu bán lại cho cửa hàng vàng lên tới 4,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng điều chỉnh trong ngày cuối tuần. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng nhẫn yết ở mức 74,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,2 triệu đồng/lượng (bán ra), lần lượt giảm 1,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 950.000 đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch giá mua - bán qua đó nới lên 1,9 triệu đồng mỗi lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn cũng dịu lại sau khi leo đỉnh 78 triệu đồng/lượng. Hãng vàng này đang yết giá mua ở mức 74,08 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán là 76,08 triệu đồng/lượng.
Nhịp điều chỉnh lần này có sự hỗ trợ lớn từ cú rơi của vàng trên thị trường quốc tế. Ngay trong phiên khép lại tuần giao dịch đầy biến động, vàng thực tế đã chinh phục mốc 2.400 USD/ounce, thậm chí vút lên mức 2.430 USD/ounce. Áp lực chốt lời kéo vàng quay đầu, giảm tới 90 USD/ounce từ mức cao nhất trong phiên.
Khép lại tuần qua, giá vàng giao ngay ở mức 2.342,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York giao dịch tại 2.360 USD/ounce. Dù vậy, nhìn lại cả tuần, vàng thế giới cũng tiếp tục ghi nhận thêm một tuần tăng, xấp xỉ 1,43%. Nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ đã “lu mờ” những lo ngại về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Tương tự vàng thế giới, vàng trong nước cũng tiếp tục có thêm một tuần tăng giá. Tính chung trong cả tuần, giá vàng miếng SJC thu mua vẫn tăng 1,1 triệu đồng, trong khi tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tương đương mức tăng khoảng 1,47%. Vàng miếng SJC cũng giảm nhưng tốc độ giảm chậm hơn thị trường quốc tế. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới quy đổi hiện khoảng 10,7 triệu đồng mỗi lượng, chưa thể thu hẹp lại so với cuối tuần trước.
Cú rơi của vàng miếng SJC trong nhịp điều chỉnh lần này nhanh và mạnh hơn vàng nhẫn. Một phần cũng bởi nhà đầu tư chờ đợi các biện pháp quản lý thị trường vàng, đặc biệt là sản phẩm vàng miếng.
Quay cuồng giữa cơn sốt vàng: Nỗi lo vàng hóa nền kinh tế
Giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục mọi thời đại trong bối cảnh làn sóng mua vào diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, quản lý thị trường vàng càng thêm thách thức trong bối cảnh vàng và tỷ giá cùng nóng và nỗi lo vàng hóa nền kinh tế có nguy cơ quay lại.
Vốn được coi là “hầm trú ẩn”, song vàng đang trở thành kênh đầu tư mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm, giá vàng thế giới tăng 16%, còn giá vàng nhẫn trong nước thậm chí tăng 25%. Vàng miếng SJC có thời điểm chạm sát mốc 85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn SJC đạt 79 triệu đồng/lượng, phá mọi kỷ lục thiết lập trước đó. Tình trạng cháy hàng, hạn chế số lượng vàng nhẫn bán ra với một khách hàng… đã diễn ra ở nhiều cửa hàng vàng.
Với diễn biến giá vàng hiện nay, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới có thể lên 2.600 USD/ounce (hiện ở mức 2.349 USD/ounce).
Ngày càng nhiều nhà phân tích lạc quan với nhận định giá vàng có thể chạm tới mốc 3.000 USD/ounce trong năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho rằng, cầu mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương các quốc gia là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, ngân hàng trung ương các nước đã mua ròng vàng 14 năm liên tiếp (mua ròng từ năm 2009, sau khủng hoảng kinh tế thế giới). Bất ổn địa chính trị, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay càng khiến nhu cầu này tăng mạnh.
Thực tế, không chỉ ngân hàng trung ương các nước, mà các quỹ đầu tư cá mập và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang điên cuồng càn quét vàng. Cầu tăng đột biến thúc đẩy giá vàng tăng như vũ bão.
Hiện các đồng tiền mạnh, kể cả USD, đều trở nên kém hấp dẫn. Đặc biệt, với các quốc gia không liên minh với Mỹ, vàng lại càng trở thành lựa chọn tốt để giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Tình trạng người dân đổ xô mua vàng đang làm dấy lên lo ngại vàng hóa nền kinh tế sẽ quay lại, đặc biệt nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Nếu tình trạng này xảy ra, nền kinh tế sẽ diễn ra 2 hệ lụy: tỷ giá sốt lên, đồng thời một lượng vốn lớn sẽ bị chôn chặt vào vàng, thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh.
Sau nhiều thúc giục của Chính phủ, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra được quyết sách nào với thay đổi quản lý thị trường vàng. Trong Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 vừa ban hành, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Như vậy, “không để vàng hóa nền kinh tế” vẫn là yêu cầu hàng đầu của Chính phủ đặt ra trong quản lý vàng.
Để bình ổn thị trường vàng, nhiều chuyên gia đang nghiêng về hướng khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng theo hạn ngạch nhất định, đồng thời khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức để cân đối cung - cầu ngoại tệ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, không cần lo ngại vàng hóa nền kinh tế bởi tình trạng vàng hóa chỉ xảy ra khi cho phép ngân hàng huy động vàng dưới hình thức tiền gửi. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng, nên cũng không cần phải lo lắng về vàng hóa nền kinh tế. Để bình ổn thị trường vàng, theo TS. Nghĩa, cần cho phép nhập khẩu vàng và bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Trên thực tế, dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập khẩu vàng, song tiêu thụ vàng mỗi năm vẫn khoảng 55 tấn, cho thấy một lượng lớn vàng nhập lậu vẫn chảy vào trong nước. Do đó, câu chuyện cho nhập khẩu vàng sẽ dẫn tới cầu ngoại tệ tăng vọt là khó xảy ra.
Dù lựa chọn giải pháp nào, các chuyên gia kinh tế đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm thay đổi chính sách quản lý với thị trường vàng, việc chậm trễ sẽ làm thị trường thêm bất ổn. Hiện chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã được kéo giảm từ mức 17-20 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, xuống còn 12-13 triệu đồng/lượng, song mức này vẫn cao gấp vài lần so với giai đoạn trước đây.
Sẽ tăng cung vàng miếng, thanh tra hiện tượng đầu cơ, trục lợi giá vàng ngay trong tháng 4
Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp.
Trả lời báo chí sáng 12/4, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường và thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc .
Ngoài ra, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160, với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá thế giới.
Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua bán, vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Đối với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
Sáng nay, Văn phòng Chính phủ cũng thông báo kếtvluận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới (Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ (Nghị định 24), trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Với các công cụ, điều kiện đã có, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả. Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.
Theo kết luận của Thủ tướng, cần khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Cùng đó, Thủ tướng giao tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng. Nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế.
“Ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội”, kết luận của Thủ tướng nêu rõ.
Ngân hàng nào đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất năm 2024?
Hầu hết các ngân hàng lớn đều đã công bố kế hoạch kinh doanh trình đại hội cổ đông. Bên cạnh những ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao gấp đôi, gấp 3, có những ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn.
Trong số các ngân hàng công bố kế hoạch lợi nhuận năm nay, BVBank là ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất. Ngân hàng này dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 200 tỷ đồng, tăng 179% so với năm 2023 (tăng 2,7 lần). Tiếp đến là VPBank với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023. Hai ngân hàng khác cũng có mục tiêu khá tham vọng khi lên kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 90% là Eximbank và ABBank.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán VPBankS, dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng (tính riêng khối ngân hàng niêm yết) tăng khoảng 15%. Trong đó, các ngân hàng TMCP tư nhân lớn như ACB, HDBank, MB, Techcombank, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 10-18%, các ngân hàng tư nhân nhỏ khác như LPBank, MSB, NamABank, SeABank, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn (20-35%).
Về tăng trưởng tín dụng, trung bình các ngân hàng dự kiến tăng tín dụng ở mức khoảng 16%, trong đó có một số ngân hàng lớn đặt chỉ tiêu tăng trưởng dưới mức tăng trưởng mục tiêu của Chính phủ. Các ngân hàng tư nhân vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao cũng là các ngân hàng có room lớn như HDBank, MB, VIB, VPB.
Về tỷ suất sinh lời, các chuyên gia phân tích kỳ vọng năm nay ROE và ROA các ngân hàng sẽ tăng trở lại sau khi suy giảm vào năm ngoái.
Nhìn chung, theo phân tích của VPBanks, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với tình trạng khó khăn tiếp diễn ở nửa đầu năm nhưng sẽ có tia sáng nửa cuối năm.
Theo VPBankS, việc tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt trong thời gian qua sẽ giúp giảm chi phí vốn của các ngân hàng trong thời gian tới. Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều trong cuối năm nay. Lợi thế về chi phí vốn rẻ vẫn nằm ở các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tư nhân có CASA cao.
CASA toàn ngành hồi phục cũng là một động lực lớn cho ngành để tiết kiệm chi phí vốn, đáy của CASA đã ở quý I/2023 và liên tục hồi phục nhanh chóng về mức trong dịch COVID chỉ trong 3 quý cuối năm.
Hiện tại toàn ngành CASA đang ở mức 22%. Việc này cũng đồng thời giúp việc NIM hồi phục vào 2024 được củng cố rất nhiều. Hiện nay các ngân hàng cũng đang đồng loạt có các chương trình tăng CASA.
Với mặt bằng lãi suất thấp, kỳ vọng mức NIM sẽ phục hồi nhẹ nửa đầu năm và tăng trưởng hơn từ nửa cuối năm khi Fed dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, hạ áp lực cho chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam, tạo ra dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng ở Việt Nam có đất diễn hơn.
Áp lực lớn nhất của các ngân hàng vẫn là nợ xấu. Nợ xấu toàn ngành hiện tại vẫn ở mức 1,9%, khá cao so với năm 2022 là 1,7%. Điểm tích cực là nợ xấu đang giảm dần qua từng quý. Nhìn thêm vào cơ cấu nợ quá hạn của toàn ngành niêm yết (nhóm 2 đến 5) thì ta thấy nợ nhóm 2 bắt đầu vào xu hướng giảm trong 3 quý trở lại đây là tín hiệu rất đáng mừng, đi kèm với chính sách giãn nợ của Thông tư 02 và một số điều sửa trong luật TCTD mới về xử lý nợ xấu cũng sẽ là hành lang pháp lý hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc chiến đấu với nợ xấu vào tương lai.
Về mặt định giá, chuyên gia p hân tích VPBankS cho rằng, cả P/E và P/B ngành đều chưa chạm tới mức trung bình từ 2013 nên ngành vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn. Trong ngắn hạn sẽ có những biến động, rung lắc nhất định, tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu sẽ phục hồi dần trong quý cuối năm, giúp định giá năm 2024 sẽ quay lại mức hấp dẫn. Do đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn phù hợp đầu tư cho trung, dài hạn.
Ngân hàng có còn “ăn dày” chênh lệch lãi vay?
Chi phí vốn đang là yếu tố quyết định lợi nhuận của nhiều nhà băng. Hiện vẫn còn nhiều ngân hàng duy trì NIM (biên lãi ròng) khá cao, trong khi một số ngân hàng lại phải đối phó với tình trạng NIM giảm mạnh.
Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, có lãnh đạo ngân hàng phấn khởi báo cáo cổ đông về kết quả kinh doanh khả quan, song cũng có người phải “méo mặt” giải trình vì kết quả kinh doanh không được như ý.
Trong bối cảnh ngân hàng vẫn phải sống dựa 70-80% vào tín dụng, thì chi phí vốn là yếu tố sống còn với tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng. Đặc biệt, trong gần nửa tháng qua, khi áp lực giảm lãi vay vẫn lớn, nhưng một số ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại, thì câu chuyện tối ưu chi phí vốn, cải thiện chênh lệch huy động/cho vay càng đặt thêm áp lực cho các nhà băng.
Kết quả kinh doanh quý I/2024 của các ngân hàng cho thấy, hiệu quả hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ cũng như tốc độ tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tại Ngân hàng ACB, huy động vốn tính tới hết tháng 3/2024 tăng 2,1%, song CASA tăng tới 6,4%, tỷ trọng của CASA tăng thêm 1% (lên mức 23%) giúp lợi nhuận của ngân hàng (nếu loại bỏ yếu tố bất thường) tăng 3%.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB tin rằng, năm nay, ngân hàng này sẽ nằm trong Top 5 về CASA trên thị trường, nên sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh của cả năm.
Mặc dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng tự tin về NIM. Chẳng hạn, ABBank vừa có một năm chứng kiến lợi nhuận giảm kỷ lục. Phát biểu với cổ đông mới đây, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBank cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do “2023 là năm ghi nhận NIM của ABBank giảm khủng khiếp. Các ngân hàng lớn có lợi thế lớn vì CASA của họ cao. Còn ABBank bị áp lực chi phí vốn quá cao, nên tỷ lệ CASA rất thấp. Nợ xấu phát sinh càng khiến NIM càng thấp”, ông Kháng cho biết.
Mặc dù tính tới thời điểm này, hầu hết ngân hàng đã công bố lãi suất cho vay bình quân theo yêu cầu của Chính phủ, song có tình trạng mỗi ngân hàng công bố một kiểu. Nhiều ngân hàng công bố lãi suất quá chung chung, hoặc chỉ công bố lãi suất cho vay thế chấp…, không phản ánh đúng thực chất lãi vay bình quân chung.
Nhiều khách hàng cho biết, lãi vay thực tế cao gần gấp đôi lãi suất công bố. Biên độ cho vay mà các ngân hàng áp dụng cũng cao hơn nhiều so với con số báo cáo của các ngân hàng. Đây là lý do khiến lợi nhuận quý I/2024 mà nhiều ngân hàng công bố vẫn khả quan, dù tín dụng tăng trưởng chậm.
Trong báo cáo công bố gần đây, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng khoảng 20% trong quý I/2024. Kết quả điều tra, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, trong quý I/2024, các tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn (70,9-72,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2024). Trong năm 2024, có tới 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, trong khi 10,1% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Theo ông Phan Duy Hưng, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu (Mảng Định chế tài chính, Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating), năm 2024, NIM ngành ngân hàng sẽ cải thiện 20-30 điểm, lên mức 3,8%. Nhờ vậy, Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) ngành ngân hàng sẽ cải thiện nhẹ, lên 1,7% từ mức 1,6% của năm 2023.
“NIM được cải thiện nhờ đóng góp từ chi phí vốn của toàn ngành được điều chỉnh từ mức thấp nhanh hơn so với lãi suất đầu ra. Đồng thời, gần đây, các ngân hàng đã cải thiện được tỷ lệ CASA, từ đó hỗ trợ chi phí vốn”, ông Hưng nhận định.
Mặc dù năm ngoái, NIM tại nhiều ngân hàng có chiều hướng bị thu hẹp do lãi suất cho vay giảm, song theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, NIM ngân hàng năm 2024 sẽ cải thiện nhờ lãi suất tiền gửi giảm sâu và ổn định hơn. Dù vậy, mức độ phục hồi của NIM không thể kỳ vọng đạt được như mức của năm 2022 và có sự phân hoá giữa từng nhóm ngân hàng (NIM của nhóm Big 4 duy trì ở mức thấp và cao hơn ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân).
Khi chưa thể tăng lãi suất cho vay và không thể giảm lãi suất huy động hơn nữa, những ngân hàng có tỷ trọng CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Vì vậy, các nhà băng cần tích cực thu hút lượng tiền gửi giá rẻ này để vừa giảm thiểu sức ép lên NIM, vừa gia tăng hiệu quả hoạt động.
Nhiều nhà băng lãi hàng ngàn tỷ đồng trong quý đầu năm 2024
Dù tín dụng tăng chậm trong 2 tháng đầu năm, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng trong quý I. Các nhà băng tự tin đạt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2024.
Một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Ngoài việc thông qua các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ hay vấn đề nhân sự, ĐHĐCĐ còn là dịp để các ngân hàng hé lộ một phần kết quả kinh doanh quý đầu năm trước khi công bố chi tiết trong báo cáo tài chính.
Tại đại hội ngày 4/4, Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát cho biết, hoạt động kinh doanh của ACB trong quý I khá tốt. Tín dụng tăng 3,7% so với cuối năm, gấp đôi toàn ngành và hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Huy động vốn tăng trưởng 2,1%, huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tốt hơn mức chung, đạt 4,6%; tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23% và cố gắng giữ vị trí top 5. Lợi nhuận dự kiến 4.900 tỷ đồng, bám sát với kế hoạch năm 2024 (ACB đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024 ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023).
Phát biểu tại ĐHĐCĐ ngày 2/4, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB thông tin, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay là 1%, cao hơn mức trung bình ngành. Mặc dù, các ngân hàng mất 1 tháng hoạt động trong kỳ Tết và các hoạt động kinh doanh bảo hiểm khó tránh ảnh hưởng, nên toàn thị trường giảm sút nhiều. “Trong quý I, VIB vẫn đạt lợi nhuận 2.600 tỷ đồng. Đây là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh. Với việc thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, ngân hàng cũng kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000 - 1.500 tỷ đồng từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro”, ông Vỹ nói.
Trong khi đó, SeABank công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu nhập hoạt động quý I/2024 của Ngân hàng đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%...
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, lãi trước thuế của ngân hàng này trong quý I/2024 dự kiến khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng, tín dụng tăng 4,6%.
“Với con số lợi nhuận đạt được trong quý I, OCB tự tin sẽ đạt chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2024. ĐHĐCĐ Ngân hàng diễn ra ngày 15/4 tới, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%, nợ xấu kiểm soát ở mức thấp nhất”, ông Tùng chia sẻ.
Tương tự, theo ông Từ Tiến Phát, ACB sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2024 là 12.000 tỷ đồng, khi tín dụng dần cải thiện. Nhiều năm qua, ACB dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ (gần 94%), mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển. Về doanh thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm bị ảnh hưởng sẽ được thay thế bằng các mảng khác, chẳng hạn như thẻ CASA của ACB cũng cải thiện đáng kể. Nợ xấu đã giảm và cố gắng kiểm soát quanh mức 1,2-1,3%.
Các nhà băng dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ dần cải thiện trong các quý tới, là cơ sở để thực hiện chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho cả năm nay, kể cả với những ngân hàng có tham vọng lợi nhuận là con số tỷ đô.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 25/3, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%. Trước đó, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM chỉ ra, nếu tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,93%, thì tháng 2 mặc dù tăng trưởng chậm, song tín dụng đã tăng trở lại (tăng 0,01%) và dự ước tháng 3, tín dụng trên địa bàn tăng 0,5% so với tháng trước đó.
Theo điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa được NHNN công bố, do nền kinh tế có diễn biến tích cực, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, nên nhu cầu vay vốn được cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay trong quý II và cả năm 2024 tiếp tục ở mức thấp. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được dự báo tăng bình quân 3,8% trong quý II và tăng 13,6% trong năm 2024. Các tổ chức tín dụng tin tưởng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024. Có tới 86,2% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023; chỉ 10,1% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Cầu vốn dần trở lại, tín dụng sẽ cải thiện
Tín dụng của nền kinh tế chuyển sang trạng thái tăng trưởng dương. Các ngân hàng kỳ vọng, tín dụng dần cải thiện rõ nét ở các quý tới.
ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023, chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao. Tuy nhiên, tín dụng đã đảo chiều trong tháng 3/2024 (tăng 0,98%) và tính đến ngày 25/3 đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023.
Tại VIB, OCB, SeABank, tín dụng quý I/2024 lần lượt tăng ở mức 1%; 4,6% và 0,8%. Lãnh đạo Techcombank cho hay, tín dụng quý đầu năm nay của ngân hàng này tăng trưởng khoảng 3%... trong khi tháng 1 tăng chậm.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, so với thời điểm sau Tết Nguyên đán, hiện cầu vốn của khách hàng, nhất là với cá nhân mua nhà đang dần trở lại. Nguyên nhân một phần là lãi suất vay mua nhà đang ở mức hợp lý, chỉ khoảng 6%/năm trong thời gian 1 năm đầu kể từ ngày giải ngân và từ 8-9%/năm cho giai đoạn sau.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, dù tín dụng tăng chậm khi cầu vốn chưa cao, nhưng kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của VIB tăng 1%. Điều này cũng phù hợp với tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), nhu cầu về nhà ở của người dân luôn có và tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn, nên khi mặt bằng lãi vay giảm, sẽ kích thích nhu cầu vốn mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường hiện nay, kỳ vọng bất động sản tiêu dùng (phân khúc cho khách hàng có nhu cầu ở thực sự) sớm hồi phục hơn bất động sản kinh doanh.
Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Theo đó, các ngân hàng có điều kiện để đẩy mạnh cho vay thay vì hạn chế room như các năm trước, nên đang từng bước kích cầu vốn thông qua các chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.
Các nhà băng đang tích cực kích cầu tín dụng bằng các gói tín dụng ưu đãi. Tại BVBank, lãi suất cho vay là 5%/năm, nhưng chỉ áp dụng trong 5 tháng đầu; 5,5%/năm áp dụng cho 6 tháng đầu; 6,5%/năm cho 9 tháng đầu; 7,5%/năm cho 12 tháng và 8,9% được áp dụng cho 18 tháng kể từ thời điểm giải ngân. Con số tại VPBank là 5,9%/năm cho 6 tháng đầu; tại HDBank, MSB, ACB, OCB là 6,5-10,5%/năm…
Trong khi đó, Ngân hàng Shinhan cho vay mua nhà với lãi suất 5,2%/năm cố định trong 1 năm; 5,5%/năm cố định trong 2 năm; 6%/năm cố định trong 3 năm và 7,5%/năm cố định trong 5 năm (6 tháng đầu được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm). Techcombank áp dụng lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 6%/năm trong 6 tháng hoặc 6,8%/năm trong 12 tháng...
Đặc biệt, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước cũng cạnh tranh cho vay với mức lãi vay thấp, như BIDV cho vay từ 5%/năm; Vietcombank và VietinBank ưu đãi cho vay mua bất động sản với lãi suất lần lượt 6%/năm, 6,4%/năm. Các ngân hàng đang áp dụng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động từ 5% đến 10,5%/năm…
Lãnh đạo các nhà băng hy vọng, mặt bằng lãi suất thấp hiện nay, cùng với sự hồi phục ở phân khúc bất động sản nhà ở, sẽ là điều kiện tích cực để kích cầu vốn mua nhà. Ông Nguyễn Đình Tùng kỳ vọng, không chỉ với nhà ở, mà với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, cả với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng cũng dần tăng trở lại trong những tháng tới, nhất là hai quý cuối của năm nay.
Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB, cầu vốn năm nay chưa thể đột biến, nhưng sẽ dần tăng trở lại khi nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang. Nếu phương án đi ngang được giữ vững trong năm nay, thì cũng đã rất tốt để MB đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% (tương đương khoảng 28.800 tỷ đồng trước thuế).
TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, cầu vốn của khách hàng cá nhân vẫn tương đối ổn định, cầu vốn mua nhà luôn tăng, song do tác động của kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nên tín dụng ở phân khúc này khó đột biến. Với doanh nghiệp, lĩnh vực xuất khẩu cũng dần hồi phục và tăng trưởng, nên nhu cầu vốn cũng sẽ trở lại, nhất là vào những quý còn lại của năm.