Theo Thông cáo do ông Nguyễn Sỹ Công ký, vào ngày 2/6/2020, Coteccons đã nhận được thông cáo báo chí của cổ đông Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) về việc đơn phương tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 13/7/2020.
"Trong bối cảnh Coteccons đã được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 6, chúng tôi khẳng định những cáo buộc vô căn cứ trong thông cáo báo chí của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh Công ty (tâm lý làm việc của toàn bộ cán bộ nhân viên và các chủ đầu tư đang hợp tác với Coteccons)", Thông cáo viết.
Theo đó, Coteccons chính thức lên tiếng làm rõ một số vấn đề, bao gồm:
Về yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, hiện nay, Kusto đang nắm giữ 18,23% số cổ phần CTD có quyền biểu quyết. Cùng với nhóm của mình (điển hình là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công nắm 14,67% số cổ phần có quyền biểu quyết - đại diện theo pháp luật là ông Kebirov Ablakhat, cũng chính là đại diện pháp luật của Công ty Kusto Home), nhóm Kusto (hiện chiếm tỷ lệ sở hữu rất lớn) đã từng gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 15/10/2019 nhằm bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của Chủ tịch là ông Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Sỹ Công với mục tiêu hoàn tất thâu tóm Coteccons.
Tuy nhiên, HĐQT đã họp và bác bỏ yêu cầu vô lý trên cũng như có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này về những lập luận vô căn cứ và không có cơ sở pháp lý.
Không dừng lại ở đó, vào ngày 23/04/2020, vẫn với những cáo buộc cũ, Kusto một lần nữa gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Nghiêm trọng hơn, Kusto tiếp tục đơn phương ra thông cáo báo chí vào ngày 2/6/2020.
Một lần nữa, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, những hành động trên đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Bên cạnh đó, với những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự của Ban lãnh đạo Coteccons, Kusto sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.
Về những cáo buộc vô căn cứ của Kusto: Mỗi năm, Coteccons được kiểm toán bởi những công ty nổi tiếng nằm trong nhóm Big 4 (PwC, KPMG, EY, Deloitte). Đây là các công ty kiểm toán nước ngoài chuyên nghiệp, không ai có thể can thiệp vào kết quả kiểm toán của họ.
Ngoài ra, HĐQT của Coteccons được vận hành minh bạch, đảm bảo luôn giám sát chặt chẽ Ban điều hành. Trong cơ cấu 7 thành viên HĐQT, có 3 thành viên độc lập là những người có uy tín trong xã hội (đơn cử như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam).
Coteccons có doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, một số dự án có giá trị lên đến 7.000 tỷ đồng, nên Công ty có hệ thống hàng ngàn nhà thầu phụ/nhà cung cấp. Ricons, Unicons hay bất cứ đơn vị nào khác cũng chỉ là một trong số rất nhiều nhà thầu phụ của Coteccons.
Bên cạnh đó, Công ty có hợp đồng rất chi tiết với tất cả nhà thầu phụ/nhà cung cấp trong đó quy định rõ trách nhiệm pháp lý của mỗi bên cũng như chi phí quản lý của Coteccons. Ngoài ra, Coteccons còn có phòng Kiểm soát Chi phí & Hợp đồng để theo dõi hợp đồng đã ký với các đối tác tuân thủ đúng hệ thống Công ty như: Quy chế quản lý tài chính, Quy trình giao thầu cho nhà thầu phụ/nhà cung cấp, Quy tắc quản lý lực lượng thi công…
Cần phải làm rõ thêm rằng, xây dựng là một ngành nghề rất phức tạp, phải đảm bảo tuyệt đối về an toàn, chất lượng và tiến độ trong suốt quá trình thi công (khoảng 2 năm/công trình). Chính vì vậy, Coteccons chỉ có thể đồng hành cùng những đối tác có hệ thống quản lý và văn hóa hoạt động tương đồng. Ở những “mega project” mà Chủ đầu tư giao cho Công ty thi công cùng lúc hàng chục tòa tháp (như Vinhomes Tân Cảng, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Ocean Park…), Coteccons sẽ không thể tập trung tất cả nguồn lực vào 1 dự án mà phải quản lý các nhà thầu phụ thi công trực tiếp…
Ngoài ra, hợp đồng Coteccons ký với những công ty có liên quan đều tuân theo “Quy chế hoạt động của Hội đồng Quản trị” (quy định về mức phí quản lý của Coteccons). Tuy nhiên, vì không muốn Kusto tiếp tục có những hành động gây hấn, từ cuối năm 2019 đến nay, Coteccons đã không ký bất cứ hợp đồng nào với công ty Ricons.
Về việc sáp nhập Ricons: Tháng 3/2012, Kusto cùng các cổ đông chủ chốt hiện tại của Coteccons (Ban lãnh đạo Công ty) đã ký “Thoả Thuận Cổ Đông”. Trong đó quy định Kusto và các cổ đông chủ chốt cam kết ủng hộ những quyết định cần thiết để hợp nhất Unicons và Phú Hưng Gia (nay là Ricons) vào Coteccons (theo điều 4.1 – Cam kết hợp nhất Unicons và Phú Hưng Gia).
Vào năm 2015, Unicons đã được hợp nhất vào Coteccons (Coteccons sở hữu 100% Unicons). Do có phân khúc khách hàng riêng, sau khi được sáp nhập, Unicons đã góp phần to lớn giúp Coteccons phát triển vượt bậc với doanh thu tăng 52%, lợi nhuận tăng 94% vào năm 2016. Hiện nay Unicons là một trong 3 nhà thầu tư nhân lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm đạt khoảng 8,000-8,500 tỷ VNĐ.
Công ty Ricons (tên cũ là Phú Hưng Gia) đã được thành lập từ 16 năm trước (sớm hơn cả Coteccons). Nhóm Kusto đã biết về sự tồn tại của Ricons ngay từ thời điểm đầu tư vào Coteccons năm 2012 (tại thời điểm này Coteccons sở hữu trên 20% cổ phần Ricons). Sau khi phát hành cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ, hiện nay Coteccons sở hữu 14.87% Ricons. Do đó, Coteccons có lợi ích tại Ricons vì Ricons chính là công ty liên kết với Coteccons.
Ricons là một doanh nghiệp tiềm năng, chưa lên sàn chứng khoán (HoSE, HNX), có phân khúc khách hàng riêng và đội ngũ nhân sự chất lượng. Đây cũng là lý do Coteccons muốn sáp nhập Ricons để gia tăng thị phần nhưng nhóm Kusto đã nhiều lần lợi dụng ưu thế cổ đông lớn để phủ quyết.
Cần phải làm rõ thêm rằng, cũng như các công ty xây dựng khác, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Ricons đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình khó khăn của thị trường bất động sản và đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Nguyễn Sỹ Công tại Ricons ít hơn rất nhiều so với tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông tại Coteccons. Riêng ông Nguyễn Bá Dương không sở hữu bất cứ cổ phiếu Ricons nào. Chính vì vậy, việc vu cáo Ban lãnh đạo Coteccons tập trung nguồn lực cho Ricons là hoàn toàn không có căn cứ.
Về Kusto: Vào năm 2012, Kusto đã có những cuộc tiếp xúc với Ban lãnh đạo Coteccons với mong muốn cùng Công ty mở rộng thị trường và phát triển đội ngũ. Vào thời điểm đó, nhận thấy Kusto có cùng tầm nhìn và chiến lược kinh doanh, Ban lãnh đạo Công ty đã tạo điều kiện để họ trở thành cổ đông lớn của Coteccons.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, Kusto đã và đang đi ngược lại những cam kết ban đầu trong việc phát triển Coteccons, cũng như chưa có đóng góp trực tiếp nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Thậm chí, một số thành viên đại diện cho Kusto ở HĐQT rất ít khi tham dự cuộc họp HĐQT mà ủy quyền cho những cá nhân tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhóm Kusto còn lợi dụng ưu thế cổ đông lớn nhiều lần phủ quyết những nghị quyết ĐHĐCĐ đã được thông qua trước đó (điển hình như chính sách về ESOP cho CBNV vào năm 2017 và 2019) cũng như kế hoạch sáp nhập Công ty Ricons.
Về Coteccons: Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons) là đơn vị xây dựng hàng đầu Việt Nam được thành lập vào năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu là 15,2 tỷ đồng. Chỉ sau 15 năm hình thành và phát triển, Công ty đã có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ khi 10 năm liên tiếp đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân ngành xây dựng (theo VNR500), tốc độ tăng trưởng doanh thu & lợi nhuận bình quân hàng năm luôn trên 40%, vốn điều lệ Công ty hiện nay đạt mức 792,55 tỷ đồng (gấp 52 lần so với thời điểm ban đầu).
Với chiến lược “Công trình sau luôn tốt hơn công trình trước” cùng văn hóa minh bạch và chân thành, Coteccons đã trở thành tổng thầu của những dự án lớn, phức tạp vì luôn đem lại lợi ích cao nhất cho Chủ đầu tư điển hình như: The Landmark 81 (toà nhà cao nhất Việt Nam và top 10 thế giới tại thời điểm thi công), nhà xưởng sản xuất ô tô Vinfast (hoàn thành chỉ sau 8,5 tháng), dự án Nam Hội An (giá trị hơn 7.000 tỷ đồng)... Có thể nói rằng, Coteccons hiện nay đã trở thành thương hiệu quốc gia của người Việt Nam và là một trong những con sếu đầu đàn, góp phần định nghĩa lại vị trí của ngành xây dựng nước ta trên bản đồ thế giới.
Tuy thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Coteccons vẫn là doanh nghiệp đứng đầu ngành xây dựng và có kết quả kinh doanh vượt trội so với các đơn vị khác. Nhờ vậy, Coteccons là một trong số ít doanh nghiệp luôn trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao (30%-50%), mang lại lợi ích to lớn cho cổ đông.
Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng, Coteccons còn là một doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội khi nhiều năm liền lọt top 50 công ty đóng thuế nhiều nhất Việt Nam, nộp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách quốc gia. Coteccons đã và đang góp phần ổn định đời sống kinh tế xã hội khi tạo công ăn việc làm cho hơn 30,000 công nhân, nuôi sống hàng chục ngàn gia đình trên khắp mọi miền đất nước.
"Với mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra, chắc chắn công tác đầu tư cơ sở vật chất (đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ bản) sẽ ngày càng được chú trọng nhằm giữ vững tốc độ tăng trưởng của đất nước. Vì vậy, ngành xây dựng còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Coteccons với uy tín và năng lực đã được thể hiện qua nhiều dự án tầm cỡ khu vực, cùng đội ngũ nhân sự trẻ trung và Ban lãnh đạo giàu nhiệt huyết, sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong tương lai; góp phần đưa ngành Xây dựng đạt được nhiều thành công to lớn hơn nữa, xứng đáng là một trong những động lực tăng trưởng chủ lực trong nhiều năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, vào ngày 30/5/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo “phải ngăn chặn cho được một số việc như doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài thôn tính thông qua hình thức mua bán”. Vì vậy, bằng thông cáo này, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những hành động cần thiết để bảo vệ thương hiệu Coteccons - thương hiệu của người Việt Nam cũng như quyền lợi của tất cả cổ đông, công ăn việc làm của hơn 30.000 người lao động và gia đình họ", thông cáo do ông Công ký viết.
Báo Đầu tư Online tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc trong các bản tin tiếp theo.