Hương Vĩnh là xã biên giới nghèo của tỉnh Hà Tĩnh. Người dân nơi đây mưu sinh chính bằng nghề nông nên phụ thuộc phần lớn vào hai vụ trồng lúa. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch lại thường vào mùa lũ nên cuộc sống người dân luôn gặp khó khăn. Bữa đói bữa no, bà con phải bươn chải thêm bằng nhiều nghề như thợ nề, phụ hồ nhưng đời sống vẫn bấp bênh, khó cải thiện. Kinh tế của xã cũng ít có sự thay đổi, bứt phá vì con đường độc đạo liên thôn đã xuống cấp nghiêm trọng khiến việc giao thương, buôn bán, rồi cả chuyện đến trường của học sinh gặp nhiều khó khăn.
Con đường độc đạo nối trung tâm xã Hương Vĩnh vào thôn Vĩnh Ngọc. |
Tuyến đường này dài 1,2 km đi qua khu vực Đập Miệu nối trung tâm xã với thôn Vĩnh Ngọc. Thân đập này dài 500 m do Hợp tác xã nông nghiệp xã Hương Vĩnh đắp bằng đất từ năm 1978 đã xuống cấp và cầu tràn dài 12 m xây năm 2002 cũng đã hư hỏng nặng. Mặc dù biết là nguy hiểm nhưng hàng ngày 121 hộ dân vẫn phải lưu thông và gần 100 em nhỏ phải thường xuyên đi lại để tới trường.
Mỗi khi lũ về, toàn thôn Vĩnh Ngọc bị cô lập vì cầu tràn bị ngập hoàn toàn trong dòng nước lũ. Ông Trần Văn Thị, Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh cho biết: Mặc dù xã đã cắt cử lực lượng dân phòng coi trông ở hai đầu cầu nhưng vẫn có trường hợp người dân bị trôi hết tài sản khi cố vượt qua để về với gia đình. Thậm chí, có trường hợp ốm đau bị trở nặng do không thể được đi chữa trị kịp thời.
Khi nước lũ tràn về, thôn Vĩnh Ngọc bị cô lập hoàn toàn. |
Con đường độc đạo vào thôn bị ngăn trở cũng đồng nghĩa với việc các em nhỏ phải chấp nhận nghỉ học bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ. Dù các thầy cô đã cố gắng dạy bù lại kiến thức hổng cho các em vào những ngày nghỉ nhưng một năm có hơn 10 đợt lũ khiến việc học bị gián đoạn, các em cũng khó theo kịp các bạn đồng trang lứa.
Ông Đinh Văn Bửu, người dân thôn Vĩnh Ngọc có mặt ở buổi lễ khởi công cầu nối yêu thương số 98 chia sẻ: Mỗi lần nước lũ tràn về, nhà cửa, cây cối ở đây đều bị chìm trong biển nước. Không ít người liều mình vượt qua cầu tràn thì bị nước cuốn trôi hàng chục mét, may mà dân quân cùng bà con kịp thời cứu được. Mỗi năm lũ về 10-15 lần, vùng này như một cồn đảo, xung quanh chìm trong biển nước.
Công ty Nhựa Tiền Phong tiến hành khảo sát và lên phương án xây dựng cầu. |
Khó khăn là vậy, song ngân sách để xây cầu mới cho người dân chưa có. Nắm bắt được thực trạng cấp thiết đó, Nhựa Tiền Phong đã nhanh chóng khảo sát và lên phương án xây dựng cầu nối yêu thương số 98.
Sáng ngày 3/4/2023, lễ khởi công cây cầu Khe Tuần mới, cũng là cây cầu số 98 trong chương trình Cầu nối yêu thương đã được diễn ra trong niềm hân hoan của người dân xã Hương Vĩnh. Ông Nguyễn Văn Thị, Chủ tịch UBND xã phấn khởi khi ước mơ của người dân bấy lâu nay đã thành sự thật. Đồng thời, ông hy vọng cây cầu sẽ mang đến diện mạo mới cho thôn, giúp cuộc sống của bà con đỡ vất vả, từng bước thoát nghèo và ổn định hơn.
Các đại biểu thực hiện lễ khởi công Cầu nối yêu thương số 98. |
Tham dự tại buổi lễ, ông Trần Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa thiếu niên Tiền Phong miền Trung bày tỏ sự vui mừng và nhấn mạnh: Cây cầu không chỉ có ý nghĩa với xã Hương Vĩnh mà còn là dấu ấn đối với Nhựa Tiền Phong miền Trung khi năm 2023 là kỷ niệm 10 năm thành lập công ty. Việc gắn bó và mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân cùng các em nhỏ ở khu vực khó khăn cũng là mục tiêu trên chặng đường phát triển của Nhựa Tiền Phong.
Cầu nối yêu thương số 98 mới sẽ có chiều dài 25,06 m, bề rộng cầu 3,5 m, tải trọng 7 tấn, cùng 35 m đường dẫn bê tông với tổng kinh phí xây dựng ước tính là 1,7 tỷ đồng. Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành trước thềm năm học mới, sớm mang đến cây cầu mới an toàn cho các em nhỏ thuận lợi đến trường.