Y tế - Sức khỏe
Những ai nên và không nên tiêm vắc-xin Pfizer?
D.Ngân - 07/07/2021 19:23
Chiều 7/7, Bộ Y tế phát đi khuyến cáo của nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc sử dụng vắc-xin Pfizer/BioNtech.

Theo đó, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUL) cho vắc-xin của Pfizer/BioNTech vào ngày 31/12/2020. WHO cũng đã đánh giá kỹ lưỡng chất lượng, sự an toàn và hiệu lực của loại vắc-xin này.

Theo WHO, những cá nhân có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin không nên dùng loại vắc-xin Pfizer.

Vắc-xin Pfizer/BioNTech phòng Covid-19 có hiệu lực 95% trong việc phòng nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng.

SAGE đã rà soát lại tất cả số liệu hiện có về hiệu lực của vắc-xin này trong các thử nghiệm để đánh giá hiệu lực của chúng đối với các biến thể mới. Các thử nghiệm này cho thấy, vắc-xin này hiệu quả với các biến thể mới.

Hiện tại, SAGE khuyến cáo sử dụng vắc-xin Pfizer/BioNTech theo lộ trình ưu tiên của WHO, thậm chí nếu biến thể mới của vi rút xuất hiện trong nước. Khi các quốc gia đánh giá nguy cơ và lợi ích, cần cân nhắc tình hình dịch tễ của địa phương.

Hiệu lực bảo vệ của vắc-xin này bắt đầu 12 ngày sau liều đầu tiên. Thế nhưng, để bảo vệ đầy đủ, cần tiêm 2 liều theo khuyến cáo của WHO, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 21-28 ngày.

WHO cũng cho rằng, cần nghiên cứu thêm để hiểu hơn về khả năng bảo vệ tiềm năng lâu dài sau một liều đơn. Hiện tại, khuyến cáo sử dụng cùng loại sản phẩm cho cả hai liều.

Theo SAGE, vắc-xin Covid-19 mRNA của Pfizer/BioNTech an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin hạn chế, khuyến cáo đưa ra là ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi, gồm những người từ 65 tuổi trở lên. Với vắc-xin này, có thể tiêm cho người từng mắc Covid-19.

"Vắc-xin này cho thấy tính an toàn và hiệu quả ở những người có nhiều bệnh lý nền liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng. Các bệnh nền bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi, gan hoặc thận cũng như các bệnh truyền nhiễm mạn tính đã ổn định và được kiểm soát", khuyến cáo nêu rõ.

Ngoài ra, hiệu quả vắc-xin được đánh giá là tương tự trên đối tượng phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú như với người trưởng thành khác. WHO khuyến cáo sử dụng vắc-xin ở phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con bú giống như ở người trưởng thành khác. WHO cũng khuyến cáo sử dụng vắc-xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai.

Theo WHO, những cá nhân có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin không nên dùng loại vắc-xin này.

Hiện tại, không có số liệu về hiệu lực hay an toàn ở trẻ dưới 12 tuổi. Do đó, cho tới khi có số liệu này, trẻ dưới 12 tuổi không nên được tiêm chủng thường quy loại vắc-xin này.

Ngoài ra, việc thử nghiệm giai đoạn 3 ở trẻ 12-15 tuổi cho thấy, vắc-xin này có hiệu lực cao và an toàn ở nhóm tuổi này. Do đó, vắc-xin đã mở rộng chỉ định độ tuổi trước đây từ 16 tuổi trở lên thành từ 12 tuổi trở lên.

Bằng chứng cho thấy, trẻ vị thành niên, đặc biệt là nhóm lớn tuổi hơn, cũng có nguy cơ làm lây nhiễm SARS-CoV-2 như người trưởng thành. WHO khuyến cáo các nước cần cân nhắc việc sử dụng vắc-xin ở trẻ 12-15 tuổi chỉ khi đạt được tỷ lệ cao tiêm chủng vắc-xin đủ 2 liều ở các nhóm ưu tiên cao theo lộ trình.

Trẻ từ 12-15 tuổi mắc các bệnh đi kèm khiến trẻ có nguy cơ cao hơn đáng kể mắc Covid-19 nặng, cùng với các nhóm nguy cơ cao khác, có thể cần được tiêm chủng.

Cũng theo WHO, hiện không có nhiều số liệu về tác động của vắc-xin Pfizer/BioNTech đối với việc lây truyền hay phóng thích vi rút. Do đó, mọi người vẫn phải duy trì các biện pháp y tế công cộng hiệu quả, gồm: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh tụ tập đông người và bảo đảm thông khí tốt.

Với tình hình dịch Covid-19 trên thế giới Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 6/7 khẳng định, bất chấp những tiến bộ của cộng đồng thế giới trong cuộc chiến chống lại Covid-19, đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và đang ở giai đoạn “rất nguy hiểm”.

Theo Tổng giám đốc WHO, các quốc gia không có đủ nguồn cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 đang phải đối mặt với làn sóng bệnh nhân nặng nhập viện và tử vong cao.

Người đứng đầu WHO cũng lưu ý thêm rằng, nhiều nước có đủ công cụ để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong khi đó, một số quốc gia chưa có điều kiện  tiếp cận đầy đủ với các phương thức chống dịch đang phải đối mặt với làn sóng nhập viện và tử vong vì Covid-19.

Tổng giám đốc WHO cũng cảnh báo về sự “tăng tốc” của đại dịch tại một số nước châu Phi, châu Á và châu Mỹ. 

Theo lãnh đạo WHO, thực tế đã chứng minh rằng, việc chỉ dựa vào một vài công ty để cung cấp hàng hóa công cộng toàn cầu là mang tính hạn chế và gắn liền với những rủi ro.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, chúng ta phải rút ra bài học từ đại dịch Covid-19, trong khi cộng đồng thế giới cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc lặp lại tình huống tương tự trong tương lai.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến ngày 7/7, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 185 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4 triệu người không qua khỏi. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 409.158 và 7.435 ca tử vong mới.

Tin liên quan
Tin khác