Y tế - Sức khỏe
Những chiến sĩ áo trắng giữa tâm dịch
Dương Ngân - 27/02/2022 09:11
Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM hồi tháng 7/2021, nhiều y, bác sỹ, nhân viên y tế đã lên đường theo “mệnh lệnh từ trái tim” Nam tiến không quản khó khăn, cứu giúp người dân.
Hàng ngàn y, bác sỹ, cán bộ y tế đã đến tâm dịch TP.HCM để tham gia đấy lùi Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 hồi tháng 7/2021 xảy ra ở TP.HCM có diễn biến phức tạp, bệnh nhân đến nhập viện đông, tình trạng nặng chủ yếu ở tầng 3. Điều kiện làm việc của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức rất khắc nghiệt, thời tiết nóng nực, hoàn toàn không có máy lạnh, dưới mái tôn thấp, nhân viên y tế phải mặc trang phục bảo hộ cả ngày, nhiều người đã bị ngất trong quá trình làm việc.

Khó khăn không làm chúng tôi gục ngã
- TS. Lưu Quang Thuỳ, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Đại dịch quá khắc nghiệt, tâm lý của nhân viên y tế sau khi đối mặt với thảm kịch ở vùng dịch thì nhiều người bị sốc, nhiều người đã khóc sau khi chứng kiến những đau thương của người bệnh Covid-19. Ngay cả chính tôi, đôi lúc cũng cảm thấy bất lực trước đại dịch vì có những người bệnh diễn biến rất nhanh.

Để khắc phục khó khăn, chúng tôi phải phân vòng điều trị rất rõ ràng, khoa học, tập huấn kỹ lưỡng để nhân viên y tế không bị nhiễm bệnh. Vòng 1 là các bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, vòng 2 là tiếp xúc với bệnh phẩm, chẳng hạn như khoa vi sinh, vòng 3 là khối hành chính và bộ phận điều hành. Từ làm việc chuyên môn đến sinh hoạt đều phải tuân thủ nguyên tắc phân vòng như thế để tránh lây nhiễm chéo, nếu có 1 nhân viên bị lây chéo, chúng tôi sẽ cách ly ngay mà không ảnh hưởng đến hoạt động của toàn đoàn.

Trong suốt những ngày ở giữa nơi dịch khốc liệt nhất, chúng tôi học được nhiều điều xung quanh chữ “đồng”. Đó là tinh thần “đồng sức - đồng lòng” vượt qua gian khó, sau đến là tinh thần “đồng nghiệp - đồng đội” hỗ trợ nhau trong suốt những ngày cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Và trên hết là tinh thần “đồng bào - đồng chí” thiêng liêng được thấm nhuần vào tâm trí của người nhân viên y tế trước khó khăn của người dân.

Phó trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E

Vào TP.HCM chia lửa cùng các đồng nghiệp ở trong này, cùng chiến đấu chống lại bệnh dịch, cùng giành giật sự sống cho các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng, nguy kịch ở Bệnh viện hồi sức Covid-19, chúng tôi lại có dịp thấu hiểu thêm về tình người.


Người thầy quan trọng nhất đối với thầy thuốc là người bệnh

-ThS-BS. Trần Nam Chung, Phó trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E

Khi chăm sóc cho người bệnh, chúng tôi ngoài việc tập trung chuyên môn, còn cần đồng cảm với những khó khăn của họ, chia sẻ nhu cầu, mong muốn của họ. Sở dĩ như vậy là bởi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi sinh viên y khoa đều thấm thía câu nói đã trở thành kinh điển “Người thầy quan trọng nhất đối với thầy thuốc là người bệnh”

Chính trong quá trình chăm sóc, thăm khám cho người bệnh, các thầy thuốc sẽ tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, cả về chuyên môn cũng như về giao tiếp, kinh nghiệm sống. Nhiều khi, chính những người bệnh đã mang lại rất nhiều niềm vui, nhiều bài học quý giá, là động lực tinh thần cho mỗi bác sỹ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Trong Bệnh viện hồi sức, các bệnh nhân Covid-19 nặng, có nhiều người không thể nói được vì phải dùng máy thở, nhiều người quá nặng không thể nói hoặc không thể dừng thở để mà nói, chỉ có ra ký hiệu, gật hay lắc đầu. Những tiếng gọi dù là rõ ràng, mạch lạc hay thều thào, yếu ớt với cụm từ quen thuộc “bác sỹ ơi” là những âm thanh dường như luôn thường trực bên tai chúng tôi.

Và khi người bệnh chỉ cần thều thào “hôm nay tôi hít thở được sâu hơn rồi”, bác sỹ chúng tôi sẽ vỡ òa hạnh phúc, bởi những ai thực sự trải qua những giây phút sinh tử, trải qua những khoảnh khắc vật vã, bất lực vì khó thở mới hiểu cái giá trị của cảm giác lấy lại được khả năng hít thở.

Chúng tôi, những người thầy thuốc với tinh thần vì người bệnh, sẽ mang hết kiến thức, hiểu biết và khả năng của mình để chữa lành bệnh cho người dân.

Đại dịch Covid-19 bùng phát, khi mà nhiều người được sum vầy bên mâm cơm đầm ấm cùng gia đình, thì những cán bộ CDC Hà Nội chúng tôi vẫn ướt đẫm mồ hôi khi khoác trên mình bộ đồ bảo hộ, liên tục lấy mẫu xét nghiệm trong nhiều giờ đồng hồ.


Chúng tôi đã trải qua những tháng ngày chiến đấu không mệt mỏi

 - Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội

Chúng tôi cũng mệt lả đi sau những đêm trắng truy vết, thầm lặng đến từng hộ gia đình lấy mẫu sàng lọc cộng đồng truy tìm F0 dưới cơn mưa giông tầm tã, thăm khám các đối tượng tại các khu cách ly hay những ngày dài đồng hành với chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Tuy nhiên, dù nắng hay mưa thì đằng sau những lớp khẩu trang in hằn trên mặt ấy là những ánh mắt trìu mến, là sự hy sinh, là tình yêu thương và trách nhiệm với người dân và với công việc cứu người. 

Những mệnh lệnh truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, truy quét tìm F0 trong cộng đồng là điều chúng tôi luôn ghi nhớ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi đã phải trải qua những tháng ngày chiến đấu không mệt mỏi với các ăn bữa trưa khi đồng hồ điểm 3 giờ chiều, hay bữa tối lúc 11 giờ đêm; chúng tôi cũng không có những đêm dài đủ giấc.

Những tín hiệu khả quan trong công tác chống dịch khi số F0 vẫn chủ yếu là nhẹ và tỷ lệ tiêm vắc-xin hiện rất cao là liều thuốc tinh thần động viên chúng tôi tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa vì sự bình yên của nhân dân.

Tháng 7/2021, ngay khi Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiệm vụ thành lập Trung tâm hồi sức tại TP.HCM, tôi đã đăng ký vào Nam chống dịch trực tiếp với vai trò là bác sỹ điều trị cho các bệnh nhân nặng thuộc tầng 5 (trong tháp điều trị 5 tầng của Thành phố). Bên cạnh công việc chống dịch trực tiếp, tôi cũng là một trong những thành viên sáng lập và vận hành Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khởi xướng, nhằm hỗ trợ, đồng hành giúp đỡ F0 từ xa với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ.

Mục tiêu của Mạng lưới thầy thuốc đồng hành là tiếp cận sớm với người bệnh Covid-19, sàng lọc, tư vấn y tế và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân cả thể chất và tinh thần. Đồng thời, phối hợp với y tế địa phương để hỗ trợ nhập viện cấp cứu các bệnh nhân nặng.

Với tuổi trẻ, hạnh phúc lớn nhất là được cống hiến

- Bác sỹ Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

Tại Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, các bác sỹ và tình nguyện viên y tế được cung cấp công cụ và nhận thông tin bệnh nhân từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương thông qua hệ thống công nghệ. Từ đó, chúng tôi sẽ gọi điện trực tiếp, phân loại, hướng dẫn và trấn an bệnh nhân, hạn chế các trường hợp tử vong do không được tiếp cận y tế kịp thời.

Trong quá trình tham gia Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, có nhiều ca bệnh, dù đã cố gắng hết sức, nhưng nhiều lúc tôi và đồng nghiệp cũng bất lực vì kết quả không được như ý muốn, bệnh nhân đã vuột khỏi tay chúng tôi. Khi người mẹ, người cha không còn sẽ là mảnh đời đáng thương của những em bé mồ côi. Bởi vậy, sau khi có trường hợp bệnh nhân mất, tôi đã nhiều lần liên lạc lại với gia đình bệnh nhân, chỉ khi biết được thông tin em bé đã được họ hàng cưu mang, tôi mới cảm thấy an tâm phần nào.

Dịch căng thẳng, bệnh nhân đông, sức người có hạn, nhiều cuộc chia sẻ, tư vấn cho bệnh nhân qua mạng xuyên thời gian, xuyên trưa, xuyên tối, nên khi tôi nhớ ra đi ăn thì đã quá bữa. Bởi vậy, thường với các bác sỹ, đơn cử như tôi, khi làm việc thấy đói lúc nào thì ăn lúc đó.

Mặc dù vất vả, áp lực, nhưng những lúc trong guồng công việc, tôi luôn cảm thấy bản thân sống có ích hơn cho người bệnh, cho cộng đồng. Với tôi, tuổi trẻ, nhất là tuổi trẻ ngành y là sống cống hiến. Cống hiến vì chính bản thân mình và cống hiến vì cộng đồng, bởi lẽ mọi cống hiến đều là trải nghiệm của bản thân mình sau này.

Tin liên quan
Tin khác