Các triệu chứng của đột quỵ xuất hiện một cách đột ngột, người bệnh có thể tử vong rất nhanh, hoặc nếu vượt qua giai đoạn cấp cứu, có thể để lại nhiều di chứng nặng về sau.
Ảnh minh họa. |
Ở bệnh nhân bị đột quỵ, vùng não có thể bị tắc mạch máu hoặc vỡ mạch máu, gây tổn thương và làm ảnh hưởng đến chức năng vùng đó. Chức năng vùng não bị ảnh hưởng sẽ có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Ba triệu chứng mà người dân dễ nhận biết nhất và chiếm tỷ lệ đa phần ở những người đột quỵ là méo mặt, yếu liệt tay hoặc chân, nói khó.
Trong tiếng Anh, người ta dùng dùng chữ “FAST” (viết là F.A.S.T) để chỉ về ba triệu chứng này. F là face (mặt) là nếu có liệt mặt, A là arm (tay) nếu có liệt tay, còn S là speech (lời nói) nếu nói khó, T là time nghĩa là cần liên hệ cấp cứu ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ.
Đột quỵ có nhiều loại, nhưng “giờ vàng” thường là chỉ trường hợp đột quỵ nhồi máu não. Nếu một mạch máu bị tắc, máu đến vùng lõi, vùng chính sẽ không nhận được máu. Não sẽ chết nếu không nhận máu trong vòng 5 phút.
Tuy nhiên, các phần xung quanh được các mạch máu khác tới, gọi là “vùng tranh tối tranh sáng“ có thể không hoạt động chức năng, nhưng vùng đó vẫn còn sống được. Nếu hồi sức được vùng này, khả năng người bệnh vẫn có thể hồi phục được.
Quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ trước đây là một tiếng rưỡi, nhưng hiện nay rút lại còn 45 phút. Cá biệt, có những trường hợp thực hiện chỉ 15 phút hoặc 30 phút, quy trình được thực hiện đúng, nhanh, tốc độ. Vì nếu càng để lâu, “vùng tranh tối tranh sáng” sẽ biến thành vùng lõi, mỗi một giờ trôi qua người bệnh sẽ phải mất 3,7 năm.
Thời gian cho phép điều trị từ lúc xuất hiện triệu chứng đến khi được truyền thuốc là 4 giờ rưỡi. Nếu đã qua thời gian này, người bệnh vẫn cần được đưa đến bệnh viện vì có thể không còn truyền thuốc được, nhưng còn những phương pháp điều trị khác.
Có thể sơ cứu đột quỵ bằng cách đâm kim vào ngón tay không? Theo TS.Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, việc đâm kim vào đầu ngón tay không có cơ sở khoa học, nhưng có thể kích thích đau, nếu người bình thường kích thích đau họ tỉnh lại. Về mặt điều trị đột quỵ thì không có bất kì cơ sở nào trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, người dân không được tự ý cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào mà cần nhanh chóng liên hệ cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian nhanh nhất để được điều trị kịp thời.
Về phân biệt trúng gió và đột quỵ theo bác sỹ Hồng Văn In, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, rất kho phân biệt hai tình trạng này, ngay cả những chuyên gia nhiều khi cũng chưa phân biệt được.
Có những trường hợp người bệnh nằm ngã quỵ do đột quỵ, nhưng nhiều khi đó chỉ là hạ đường huyết, choáng xỉu và sẽ tỉnh lại. Nhưng cũng có những trường hợp người bệnh đang bình thường nhưng sau đó lại có triệu chứng của cơn đột quỵ. Trường hợp này cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Đối với cách sơ cứu người bị ngất, trước tiên cần xem bệnh nhân ngã quỵ có tình trạng nặng hay không, kiểm tra đường thở, tuần hoàn, nhịp tim… Nếu ở nhà có máy huyết áp thì hãy kiểm tra ngay và gọi đến bệnh viện hoặc đưa người thân đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn rõ hơn.