Những giải pháp có thể giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi bền vững hậu COVID-19. Ảnh: EPA/TTXVN |
Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đã tìm cách ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng cách hạn chế di chuyển, đình chỉ nhiều hoạt động không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội.
Mặc dù các biện pháp này đã cứu sống nhiều người, nhưng cũng đã gây ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930.
Theo Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay có thể là cơ hội để chuyển hướng chính sách công sang một nền kinh tế toàn cầu bao trùm hơn, bền vững và linh hoạt hơn.
Các thước đo của sự phục hồi không nên chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế mà cần xem xét các khía cạnh khác của phát triển đã được thống nhất trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG).
Điều này sẽ cần một nỗ lực phối hợp, vì suy thoái kinh tế thường dẫn đến việc bảo vệ môi trường bị giảm sút. Các nước phải tránh "cuộc đua tới đáy", nơi các quốc gia tìm cách đảm bảo lợi thế cạnh tranh bằng cách giảm bớt các biện pháp bảo vệ môi trường.
Thay vào đó, để loại bỏ rủi ro này, cần điều chỉnh các chính sách thương mại chặt chẽ hơn với các mục tiêu khí hậu và tích hợp hơn nữa các khía cạnh môi trường vào khuôn khổ thương mại quốc tế.
Ví dụ, hợp tác quốc tế có thể tập trung chặt chẽ hơn vào việc xanh hóa cơ sở hạ tầng thương mại và mở rộng các tiêu chuẩn môi trường xuyên quốc gia để thúc đẩy một nền kinh tế hậu COVID-19 bền vững hơn.
Thương mại quốc tế phải là một phần của bất kỳ nỗ lực phục hồi nào nhằm xây dựng một nền kinh tế toàn cầu công bằng và bền vững hơn. Đại dịch đã góp phần thúc đẩy nhận thức rằng thương mại quốc tế có thể có những ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và sinh kế, cả theo hướng tích cực và tiêu cực.
Cam kết và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Chương trình Hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển sẽ giúp đảm bảo rằng tăng trưởng thương mại bao trùm là nền tảng kinh tế cho phát triển bền vững.
Cuộc khủng hoảng một lần nữa nhấn mạnh cần tiếp tục hợp tác thương mại đa phương và một hệ thống thương mại mạnh mẽ để góp phần phục hồi sau khủng hoảng.
Năm 2019, thương mại toàn cầu đạt khoảng 25.000 tỷ USD, với các ước tính khi đó dự đoán sẽ tăng 3% vào năm 2020.
Nếu không có sự phục hồi nhanh chóng trong nửa cuối năm 2020, khả năng cao là thương mại sẽ giảm mạnh khoảng 20% trong năm nay, tương đương khoảng 6.000 tỷ USD. Sự sụt giảm như vậy sẽ là chưa từng có, lớn hơn đáng kể so với mức giảm 4.000 tỷ USD trong cuộc suy thoái năm 2009.
Tác động của đại dịch COVID-19 đối với thương mại quốc tế nặng nề và trên nhiều khía cạnh. Nền kinh tế toàn cầu hiện dự kiến sẽ giảm khoảng 5% vào năm 2020.
Giá hàng hóa sụt giảm, sản lượng chế tạo giảm và hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn. Thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng đáng kể. Lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ giảm từ 60 đến 80% trong năm 2020. Kiều hối đã giảm đi đáng kể.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đại dịch làm tăng thêm bất ổn toàn cầu, khiến việc thực hiện các cam kết của thỏa thuận thương mại giai đoạn một trước đó của hai siêu cường này trở nên khó khăn.
COVID-19 có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng, và tạo ra một nền kinh tế toàn cầu phân hóa và phân cực hơn, với những hậu quả tiêu cực rõ ràng đối với nhiều quốc gia.
Trước đại dịch, có nhiều sự hoài nghi đối với thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tình huống khẩn cấp COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc giữ thương mại mở trong thời gian khủng hoảng. Ví dụ, thương mại xuyên biên giới là công cụ để đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm y tế liên quan đến COVID-19 trên quy mô toàn cầu.
Thương mại quốc tế các mặt hàng như thiết bị bảo hộ cá nhân và máy thở đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vài tháng. Đại dịch cũng đã thúc đẩy sự gia tăng thương mại điện tử, liên kết người tiêu dùng với nhà sản xuất không chỉ trong nước mà còn xuyên biên giới.
Trong khi các nước phát triển và mới nổi triển khai các gói kinh tế khổng lồ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhiều nước đang phát triển đang bị hạn chế nghiêm trọng về mặt tài chính trong các nỗ lực phục hồi và cần một phao ứng cứu.
Hỗ trợ phát triển và quyết định tạm hoãn trả nợ liên quan đến COVID-19 được hoan nghênh, nhưng sự phục hồi kinh tế toàn cầu thực sự sẽ đòi hỏi các thị trường quốc tế vẫn mở và có khả năng phục hồi tốt hơn.
Tuy nhiên, trong thời kỳ kinh tế suy thoái, sức hấp dẫn của các biện pháp đơn phương thường tăng lên. Ví dụ, khi đại dịch bùng phát, một số quốc gia đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu và dự trữ các mặt hàng y tế thiết yếu và thực phẩm cơ bản.
Nhưng sẽ là khôn ngoan nếu các quốc gia không áp dụng các chính sách “biến hàng xóm thành ăn mày”. Mặc dù các biện pháp hạn chế thương mại có thể mang lại sự cứu trợ trong ngắn hạn, nhưng thường gây ra sự trả đũa, gây ra tình trạng thiếu cung và tăng giá trên thị trường quốc tế, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng sẽ làm gia tăng sự mất cân bằng trong quá trình phục hồi, làm tăng thêm nguy cơ đại dịch sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có, tạo ra khả năng là các nước kém phát triển nhất (LDC) sẽ bị tụt hậu xa hơn.
Để tránh sự gia tăng của các biện pháp bảo hộ, các chính phủ phải giám sát các phản ứng đối với COVID-19 ảnh hưởng đến các đối tác thương mại.
Cần phải đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp nào như vậy đều là tạm thời, đồng thời giải quyết hợp lý lợi ích của các nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nước LDC.
Cuối cùng, giữ cho xuất khẩu sang các nước đang phát triển được lưu thông mà không gặp trở ngại không chính đáng sẽ là yếu tố quan trọng đối với sự phục hồi trên diện rộng.
Theo nhận định của cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn thế giới được kết nối với nhau của chúng ta, làm tăng sự bất bình đẳng hiện có và mở rộng sự phân chia kinh tế xã hội. Điều này có khả năng làm đình trệ, hoặc thậm chí đảo ngược tiến độ toàn cầu trong các mục tiêu SDG.
Ông Ban Ki-moon cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có thể đưa ra một số bài học quan trọng về vấn đề này. Có nhiều điểm tương đồng với cả hai cuộc khủng hoảng toàn cầu này.
GDP đã giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, cuộc khủng hoảng nhà ở đang trở nên trầm trọng hơn, tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng theo cấp số nhân.
Chương trình Lương thực Thế giới đưa ra cảnh báo rằng 270 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vào cuối năm 2020.
Cả COVID-19 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cũng thể hiện bản chất liên kết với nhau của thế giới toàn cầu hóa và chứng minh rằng các giải pháp toàn cầu là cần thiết để kiên trì vượt qua những thách thức toàn cầu vốn có. Hợp tác quốc tế cấp cao kịp thời đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn thảm họa tiếp theo.
Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng COVID-19, thế giới đang thiếu loại hình hợp tác và vai trò lãnh đạo toàn cầu mang tính quyết định này. Các quốc gia đang thực hiện các phương pháp tiếp cận từng phần của riêng họ với mức độ thành công khác nhau. Xung đột quyền lực ngày càng lớn. Sự chia rẽ và sự ngờ vực đang nảy nở một cách đáng buồn vào thời điểm mà rất cần một phản ứng quốc tế phối hợp.
Điều quan trọng là phải tuân theo chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế để đồng thời hướng dẫn các hoạt động khôi phục hậu COVID-19.
Để xây dựng trở lại tốt hơn, trước tiên cần đảm bảo rằng phải bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Các quốc gia cần phải xích lại gần nhau trên tinh thần tương tự, vì COVID-19 và các dư chấn kinh tế và xã hội thứ cấp của nó sẽ ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến những người dễ bị tổn thương nhất.
Thứ hai là tăng cường đầu tư vào khả năng phục hồi sức khỏe cộng đồng và an ninh y tế toàn cầu. Điều này cũng sẽ là một bước tiến dài trong việc chống lại bất bình đẳng ngày càng tăng và tăng cường hòa nhập xã hội. Các nhà hoạch định chính sách lần này phải đầu tư vào con người chứ không phải ngân hàng.
Thứ ba, cần đảm bảo rằng sự phục hồi COVID-19 đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cung cấp các con đường dẫn đến một hành tinh bền vững và đàn hồi hơn.
Khi nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao, cháy rừng và những con số kỷ lục về thất nghiệp, cần cung cấp việc làm xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm hướng tới mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu xuống 1,5 độ C.
Vào cuối năm 2020 tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 10% ở các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hoặc thậm chí cao tới 12% nếu một làn sóng COVID-19 thứ hai lan rộng, việc làm không thể phục hồi cho đến sau năm 2021.
Điểm mấu chốt là sự phục hồi sau đại dịch này phải hướng đến một tương lai toàn diện hơn, bền vững và kiên cường hơn. Tương lai này phải mang tính bao trùm để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, kể cả các cộng đồng bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.
Thế giới cần xây dựng nền kinh tế và xã hội xanh hơn, đồng thời chống lại tình trạng chất lượng không khí đáng lo ngại, mất đa dạng sinh học, phát thải CO2, nhiệt độ khắc nghiệt và thiệt hại hệ sinh thái. Và cần phải kiên cường hơn nữa để có những công cụ phù hợp nhằm đối đầu với đại dịch lớn tiếp theo, thảm họa môi trường hoặc khủng hoảng an ninh.
Hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác và quản trị toàn cầu - bao gồm cả sự lãnh đạo mạnh mẽ của Liên hợp quốc - là rất cần thiết để củng cố sự phục hồi sau COVID-19.