Các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao môi trường kinh doanh của TP.HCM Ảnh: Lê Toàn |
Ông Manoj Barthwa, Chủ tịch Incham |
Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng cần tăng cường hơn việc số hóa các thủ tục hành chính như: nộp hồ sơ trực tuyến, giảm sử dụng giấy tờ, công nhận chữ ký điện tử và sử dụng thư điện tử giữa các cơ quan, đặc biệt khi có liên quan đến đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cần công nhận lẫn nhau giữa các văn bản quy định thông qua các nền tảng kỹ thuật số, tránh lãng phí thời gian trong việc xác thực và hợp pháp hóa các văn bản.
Ông Han Jae Jin, Phó chủ tịch Kocham |
Với tư cách là đại diện của 3.500 doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại khu vực phía Nam, Kocham rất tin tưởng vào tiềm năng của TP.HCM.
Thành phố muốn phát triển hơn nữa thì cần phải đầu tư nhiều cho hạ tầng kinh doanh. Không chỉ là đầu tư khoản tiền khổng lồ liên quan đến giao thông, mà còn là hạ tầng mềm như đào tạo nhân sự, cởi mở văn hóa và tái cấu trúc hành chính.
Hạ tầng vật chất với sự đầu tư lớn vào hệ thống đường bộ sẽ mang lại chi phí logistics thấp hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ngành sản xuất và xuất khẩu.
Chất lượng nguồn nhân lực là lợi thế cạnh tranh của TP.HCM cũng như Việt Nam. Dân số trẻ, năng động, sẵn sàng học hỏi là chìa khóa cho sự thành công trong tương lai. Cần tập trung hơn vào việc đào tạo nguồn nhân lực này để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu trước đây trọng tâm của giáo dục là kỹ năng nghề, thì bây giờ nên chuyển sang các kỹ năng phức tạp hơn, chẳng hạn như quản lý và sáng tạo.
Sự đa dạng trong văn hóa ngày càng trở nên quan trọng đối với phát triển kinh tế. Hàn Quốc đã thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp vào những năm 1990. Tại thời điểm đó, chính phủ Hàn Quốc đã mở ra các cơ hội để giao lưu văn hóa với các quốc gia khác. K-Pop, như chúng ta biết, đã phát triển trên toàn thế giới và thế hệ thứ 4 sáng tạo hơn của các mô hình kinh doanh công nghiệp từ Hàn Quốc đang lan rộng ra thế giới.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham |
Trong thời gian đại dịch, EuroCham đã đóng góp đáng kể bằng cách đưa ra những phân tích có giá trị và ý kiến về mô hình 3 trong 1, chương trình bao phủ vaccine, về thời gian cách ly và các tiêu chí đề phân loại cấp độ đại dịch. Trong giai đoạn sau đại dịch, EuroCham đã tham gia nhiều cuộc họp và đối thoại để đưa ra ý kiến về kế hoạch phục hồi cho TP.HCM.
Trong năm 2022, chúng tôi đã có nhiều cuộc họp với UBND Thành phố và hơn 10 cuộc đối thoại với các cơ quan liên quan. Trong các phiên làm việc này, chúng tôi đã có thể giải quyết các vấn đề chưa được xử lý mà các thành viên của chúng tôi phải đối mặt.
Qua đó, EuroCham đánh giá cao việc tổ chức đối thoại này, đã làm cho các thành viên cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy gắn kết hơn với sự phát triển không ngừng của TP.HCM. Quan hệ đối tác cởi mở của TP.HCM với các hiệp hội doanh nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến và thúc đẩy đầu tư nước ngoài trong hơn 20 năm qua. EuroCham sẽ tiếp tục hỗ trợ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), chia sẻ các vấn đề, đưa ra các ý tưởng mới và tìm ra giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp của TP.HCM.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Amcham |
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang trở thành điểm đến hàng đầu của các công ty quốc tế, thể hiện tiềm năng đáng kinh ngạc để tiếp tục tăng trưởng năng động về kinh tế.
Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sẽ phải đối mặt với nhu cầu giảm ít nhất là trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt là từ Hoa Kỳ và châu Âu. Do đó, TP.HCM cần tiếp tục nỗ lực để củng cố môi trường đầu tư tổng thể, cơ sở hạ tầng vật chất và cơ sở hạ tầng mềm để duy trì tính cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới.
Chúng tôi khuyến khích cải cách lĩnh vực tài chính, đặc biệt là về “giới hạn sở hữu nước ngoài”, để đạt được trạng thái “thị trường mới nổi” thay vì “thị trường cận biên”. Chúng tôi cũng khuyến khích cải cách để đảm bảo xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đạt ở mức đầu tư. Cả hai yếu tố trên sẽ thu hút thêm nguồn vốn quốc tế vào Việt Nam, tạo ra vòng tuần hoàn tốt, dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Hạ tầng giao thông vận tải hiện là một hạn chế lớn, đặc biệt là đối với ngành sản xuất và du lịch. Việc đầu tư là cần thiết để thúc đẩy kết nối trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giữa TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, cảng Cát Lái, cảng Tân Cảng - Cái Mép và sân bay Long Thành.
Tất cả chúng ta đều đang ở thời đại kỹ thuật số. Các chính sách kỹ thuật số của Việt Nam sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các công ty công nghệ, mà còn tác động đến cả môi trường đầu tư tổng thể. AmCham đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số 4.0 và rộng hơn trên nhiều phương diện. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ thực hiện một cách tiếp cận toàn diện để phát triển khung pháp lý kỹ thuật số.
TP.HCM đã trải qua đợt Covid-19 nghiêm trọng. Trong thời gian dài bị phong tỏa, chính quyền Thành phố đã có những chính sách táo bạo và kịp thời, cấp giấy phép thông hành cho một số đơn vị để vận chuyển lương thực, thực phẩm, đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm để duy trì cuộc sống của người dân.
Những trải nghiệm trong 2 năm vừa qua càng làm rõ hơn tầm quan trọng của dịch vụ hậu cần logistics liên quan đến cung cấp lương thực, thực phẩm và dịch vụ y tế trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Với kinh nghiệm là công ty logistics có 30 năm kinh nghiệm vận hành kho lạnh thực phẩm tại Việt Nam và đã có nhiều năm kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ hậu cần trong lĩnh vực y tế tại Nhật Bản, chúng tôi thiết nghĩ, chính quyền Thành phố cũng cần xem xét xây dựng một tổng kho thực phẩm đông lạnh và trang thiết bị, dịch vụ y tế dưới sự quản lý của chính quyền, kết hợp với các doanh nghiệp tạo ra một mạng lưới cung cấp thực phẩm và dịch vụ y tế luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu, đảm bảo an sinh xã hội.
"Cần cải cách trong tuyển lao động cấp cao với doanh nghiệp FDI"
- Ông Kojima Shu, Tổng giám đốc Công ty TNHH First Kakoh Việt Nam
Đối với doanh nghiệp FDI, tổng giám đốc là vị trí vô cùng quan trọng. Theo chúng tôi, việc cấp phép lao động nên có quy định riêng với từng loại hình doanh nghiệp và từng vị trí công việc cụ thể. Như đối với các doanh nghiệp FDI không nên có yêu cầu chứng minh việc không tuyển dụng được lao động Việt Nam thay thế người lao động nước ngoài vào các vị trí cấp cao như nhà quản lý, giám đốc điều hành.
Thứ hai, hiện giấy phép lao động được gia hạn 1 lần với thời hạn tối đa là 2 năm rồi phải làm lại toàn bộ hồ sơ cấp mới giấy phép lao động. Đối với vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành thì chúng tôi phải cung cấp giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành và toàn bộ giấy tờ phải được hợp pháp hóa lãnh sự và chứng thực. Vấn đề là, nếu công ty không thay đổi tổng giám đốc và toàn bộ hồ sơ cấp phép đã được chuẩn bị cho lần cấp phép đầu tiên và đã gửi cho Sở Lao động. Vậy việc yêu cầu doanh nghiệp như hiện nay liệu có phù hợp với bối cảnh đang cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp? Theo chúng tôi, nên cho gia hạn giấy phép lao động đối với các vị trí cấp cao như nhà quản lý, giám đốc điều hành của doanh nghiệp FDI.
Thứ ba, người lao động cần thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình và con cái, nhưng do quy định về số giờ làm thêm bị hạn chế ở mức quá thấp như hiện nay sẽ gây khó cho doanh nghiệp và người lao động.
Doanh nghiệp hạn chế cho người lao động làm thêm giờ để tuân thủ quy định. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ thuê lao động ngắn hạn tạm thời để xử lý những công việc gấp cần hoàn thành. Việc thuê này sẽ không đảm bảo chất lượng công việc vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng chuyên môn và người lao động không gắn bó lâu dài nên không ý thức trách nhiệm đủ, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Về phần người lao động không được tăng ca tại công ty nên sẽ đi làm thêm các công việc khác như chạy xe công nghệ, phục vụ quán, bán hàng ngoài giờ... để có thêm thu nhập. Họ làm công việc không thuộc về chuyên môn nên sẽ vất vả hơn và mức thu nhập không tốt như khi làm thêm giờ tại công ty. Thiết nghĩ, việc bảo vệ người lao động là cần thiết, nhưng quy định nên dựa trên nhu cầu thực tế.
Các cơ quan lao động cần thực hiện khảo sát trên diện rộng đối với người lao động về làm thêm giờ để có quy định phù hợp hơn.