Tiêu dùng
Những “mảnh ghép” tạo nên kỳ tích xuất khẩu
Hải Yến - 08/01/2023 10:20
Điện thoại mang về doanh thu xuất khẩu 59,3 tỷ USD, nông nghiệp đạt 53,2 tỷ USD, dệt may đạt 44 tỷ USD, da giày - túi xách đạt 27 tỷ USD… Đó những “mảnh ghép” đã tạo nên kỳ tích xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022.
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Thanh Huyền

Xuất khẩu gần 372 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD

“Ngành da giày, túi xách đã về đích với kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD trong năm nay, con số mà đầu năm, khi làm kế hoạch, lãnh đạo ngành và các doanh nghiệp khó mơ đến”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội nghị Tổng kết năm 2022 của ngành công thương.

Bay từ TP.HCM ra Hà Nội để tham dự hội nghị này, ông Nguyễn Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TBS Group, Chủ tịch Lefaso cũng rất tự hào về đóng góp của ngành da giày, túi xách vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2022.

Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 đạt gần 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Đây là lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta vượt mốc 700 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,6%, đạt gần 372 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch là tăng 8%).

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến và công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Xuất khẩu đã lập kỳ tích bởi liên tiếp trong 3 năm dịch bệnh Covid-19 (2020-2022), xuất khẩu hàng hóa không chỉ trụ vững, mà còn thăng hạng, xuất siêu trong 3 năm đạt hơn 24 tỷ USD, ghi tên Việt Nam trong top 30 quốc gia lớn nhất về thương mại.

 - Bộ Công thương

Năm 2022, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Nhưng, bất ngờ nhất lại là mức thặng dư thương mại hơn 11 tỷ USD. Thời điểm giữa năm, thậm chí đến cuối quý III, khi xuất khẩu vẫn đang “thuận buồm”, chưa gặp “cơn gió” đảo chiều về sụt giảm đơn hàng, ngành công thương vẫn chỉ dự kiến xuất siêu cả năm khoảng 1 tỷ USD.

Trên thực tế, càng về các tháng cuối năm, xuất siêu càng tăng. 9 tháng đầu năm, xuất siêu mới đạt 6,52 tỷ USD, riêng tháng 10 đạt 2,27 tỷ USD và kết thúc năm 2022, xuất siêu đạt 11,2 tỷ USD.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư lớn, đóng góp tích cực vào cán cân thanh toán, nâng dự trữ ngoại hối, góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Từ ngành công nghiệp chế biến - chế tạo đến ngành nông nghiệp đều cán đích với những con số “trong mơ”. Nông nghiệp đạt hơn 53 tỷ USD, vượt mục tiêu hơn 3 tỷ USD, trong đó, ngành thủy sản lập kỷ lục với gần 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2021. Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng là tôm (đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021) và cá tra (đạt 2,35 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021).

Phát biểu tại lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản khẳng định: “Từ con số 1 tỷ USD trong năm 2000 đến trên 10 tỷ USD trong năm 2022 đã nói lên sự trưởng thành của ngành thủy sản sau hơn 20 năm tham gia thị trường thế giới”.

Ngành rau quả chịu tác động mạnh từ việc Trung Quốc thực hiện chính sách “zero-Covid”, thắt chặt kiểm dịch hàng hóa, nên xuất khẩu sang thị trường này giảm hơn 20%, tương ứng gần 300 triệu USD trong năm 2022, nhưng nhờ khai thác tốt các thị trường Mỹ, EU, Australia…, nên cả năm vẫn cán đích 3,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với 2021.

Ngành dệt may, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu cũng đóng góp 44 tỷ USD cho xuất khẩu chung trong năm 2022. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh, con số 44 tỷ USD là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, đặt trong bối cảnh 3 tháng cuối năm 2022, các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm mạnh, đơn hàng quý IV giảm 30%, có doanh nghiệp bị giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu.

Nổi bật nhất phải kể đến 2 ngành hàng: điện thoại và linh kiện; điện tử và máy tính với tổng kim ngạch xấp xỉ 115 tỷ USD.

Năm qua, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được các thị trường lớn, duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc.

Ghi nhận những kết quả nổi bật của hoạt động xuất khẩu trong năm 2022, không thể không nhắc tới cú hích tích cực từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Nhờ các FTA, thị trường xuất khẩu được mở rộng, thương mại thuận lợi, mức ưu đãi thuế quan tốt hơn, tăng thêm “gam màu” sáng cho bức tranh xuất khẩu hàng hóa. Xuất khẩu sang các thị trường có FTA đều tăng tốc.

Trong đó, nhờ thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu sang EU năm 2022 đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20%, xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm 2021. Tương tự, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã tạo điều kiện để xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng trên 45%.

Vẫn cần nhiều chuyển biến mới

Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 ghi nhận kỷ lục vượt 732 tỷ USD, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, vẫn cần thêm nhiều chuyển biến mới, bởi mức độ phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, kể cả dầu thô, chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu); giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Có thể thấy rõ điều này qua số liệu của Tổng cục Thống kê. Cụ thể, năm 2022, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khả năng tự chủ nguyên vật liệu đầu vào còn yếu cũng thể hiện ở con số xuất siêu và nhập siêu giữa 2 khu vực khá đối lập: khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 30,7 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 41,9 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm, nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm

Trước hàng loạt chỉ dấu không mấy thuận lợi trong năm 2023, các ngành hàng xuất khẩu cần chuẩn bị tâm thế đối mặt với nhiều thách thức mới.

“Xuất khẩu tăng chậm lại từ quý IV/2022, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Một số mặt hàng có chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá xuất khẩu giảm, đã làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm..., ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng xuất khẩu chung”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phân tích.

Năm 2023, nhiều nền kinh tế trên thế giới được dự báo lạm phát cao; kinh tế thế giới nhiều khả năng suy thoái kỹ thuật... kéo theo sức mua, tiêu dùng toàn cầu giảm. Không những vậy, các đối tác thương mại cũng “khó tính” hơn, với các yêu cầu, quy định như giảm phát thải carbon, siết chất lượng hàng hóa nhập khẩu… Trong đó, thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc… sẽ đòi hỏi cao hơn đối với hàng nhập khẩu, với yêu cầu quá trình sản xuất ít gây phát thải.

Dự liệu sức mua giảm sút do suy giảm kinh tế và tác động của lạm phát, nhiều ngành hàng thận trọng hơn trong việc đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023. Ngành thủy sản đưa ra con số 10 tỷ USD; ngành dệt may dự kiến 47 tỷ USD; ngành da giày - túi xách phấn đấu đạt 27 - 28 tỷ USD…

Yêu cầu của khách hàng và nhà nhập khẩu ngày càng cao, đi kèm với nhiều điều kiện thương mại, phi thương mại…, đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành xuất khẩu phải có kịch bản ứng phó.

Nhìn nhận “cuộc chơi” thương mại toàn cầu trong năm 2023 sẽ khắc nghiệt hơn, song ngành công thương vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 6%, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu.

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm 2023 với bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo có nhiều khó khăn, sức ép lạm phát, giá dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, khó đoán định, Bộ Công thương đưa giải pháp trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại.

Bộ sẽ tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Tin liên quan
Tin khác