1. Bán muối
"Đầu năm mua muối, cuối năm mua dầu" là quan niệm ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt. Do đó, những ngày đầu xuân trên khắp mọi miền, muối vẫn là sản phẩm bán chạy. Với những gói muối thông thường có giá 5.000 đồng, thì muối đựng trong túi may mắn giá 10.000 - 20.000 đồng.
Chị Loan ở Hưng Yên chuyên rao bán túi muối trên mạng cho biết, chị kết hợp giữa son và túi muối để bán vào ngày mùng 2 Tết, mỗi túi có giá 220.000 đồng. Theo chị, mua muối đầu năm ngoài ý nghĩa giúp cho mỗi gia đình có thể xua tan xui xẻo năm cũ, rước lộc đón năm mới, việc kết hợp cùng son đỏ còn mang lại sự may mắn, bình an, phát tài phát lộc cho người mua. Khi mua về, người dùng có thể để góc nhà, cửa ra vào, treo ở cành đào, quất, mai, cửa phòng.
"Riêng ngày mùng 2 Tết tôi đã bán được cả trăm gói không chỉ cho những người đi chùa mà nhiều bạn bè thân thiết cũng đặt mua để lấy may mắn", chị Loan nói và cho biết mỗi ngày kiếm được cả triệu đồng.
2. Bán mía lộc
Bên cạnh muối, mía lộc cũng được nhiều người chọn mua sau giao thừa để lấy may. Theo quan niệm của người xưa, cây mía là biểu tượng của sự giao hòa, kết nối giữa hai thế giới âm - dương, giúp ông bà tổ tiên có thể chung vui mừng năm mới cùng con cháu. Ngoài bán mía vào những ngày 29, 30 Tết thì sang rạng sáng ngày mùng 1, 2 tại một số cổng chùa hoặc nhà vườn vẫn bán mía.
Với tâm lý mua hàng đầu năm không mặc cả nên những người bán thường đưa ra mức giá khá cao. Trước giao thừa, giá một cây mía 15.000-20.000 đồng. Chỉ sau thời khắc giao thừa, chủ buôn đã đẩy giá lên đến 50.000 – 60.000 đồng một cây để bán kiếm lời, nhưng vẫn nhiều khách mua.
3. Bán bóng bay
Bán bóng là cách kiếm tiền hiệu quả trong những ngày Tết, đặc biệt tại những điểm vui chơi có nhiều trẻ nhỏ |
Chi Thanh, người bán bóng bay ở bãi biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi) cho biết, ngày thường chị bán chỉ được 4-5 quả, nhưng dịp Tết lượng khách mua tăng gấp 5 lần. Những trái bóng hình con vịt, thiên nga được mua nhiều nhất. Giá mỗi trái dao động 20.000-50.000 đồng (tùy loại). Hiện một quả bóng bay giá sỉ chưa tới 5.000 -8.000 đồng.
Tại một số địa điểm ở TP HCM, Hà Nội, giá mỗi trái bóng tăng từ 60.000 đồng đến 120.000 đồng. Sau khi trừ chi phí phát sinh do bóng vỡ, bay,... người bán vẫn có thể kiếm 200.000 đến cả triệu đồng một ngày.
4. Bán hàng ăn
Bán hàng ăn ngày Tết khá đắt khách, đặt biệt là tại những quán phở, hải sản. Thông thường, giá đồ ăn vào thời điểm này sẽ tăng 30 - 50% so với ngày thường.
Sáng ngày mùng 3 Tết, gia đình anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) vào một quán bún ốc, riêu cua quen thuộc tại Khương Trung để ăn sáng. Thay vì mức giá 25.000 đến 30.000 đồng như ngày thường, chủ quán thu giá 50.000 đến 60.000 đồng. Cửa hàng mở từ ngày mùng 2 Tết và bán cả ngày, chứ không chỉ bán mỗi ngày buổi sáng như thông thường.
Theo chủ quán riêu, ốc này, một số nguyên liệu chính anh chuẩn bị từ trước Tết, còn lại đều dậy sớm, đi chợ để mua. Do nguồn cung tại các chợ chưa nhiều nên cũng phải mua giá cao hơn so với ngày thường. Các loại rau đi kèm món bún riêu, ốc như tía tô, xà lách... tại các chợ cũng đắt gấp rưỡi.
Chị Hạnh, chủ quán bún bò giò ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho biết, ngày thường chị bán chỉ khoảng 20 tô bún nhưng mùng 3 Tết khách xếp hàng dài vẫn không đủ hàng cung ứng. Nhiều khách xếp hàng cả 20 phút rồi phải ra về vì không còn bún để ăn.