Doanh nhân
Những người đang nghĩ khác
Khánh An - 08/02/2016 09:04
Nhiều doanh nhân Việt Nam đang nghĩ khác, làm khác đi, thậm chí phải quên đi những lợi thế của thời… ao làng, để vững chân bước vào mùa Xuân mới của hội nhập.

1.

Hai tuần trước Tết Bính Thân, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 26/3 Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) cùng nhóm cộng sự vẫn đang ở Ấn Độ. “Việc chẳng đừng, có vài mối cung cấp giống bò phù hợp với Dự án phát triển bò thịt chất lượng cao chúng tôi đang làm thử tại Hòa Bình”, ông Thắng nhắn tin nói sát Tết mới về nhà được.

Hóa ra ông Thắng lại đi… chăn bò. Năm vừa rồi, ông đi nhiều, sáng vừa thấy check-in facebook ở Đà Lạt, chiều đã thấy ảnh trang trại bò ở Thái Lan. Và ông còn đi nữa, ông nói thế. Trong nhóm “chăn bò”, ông Thắng già nhất, 6x và hơn 15 năm kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Số còn lại toàn 7x, 8x với chức danh trong name card là kỹ sư, kiến trúc sư. Nghe kể, họ nhóm được với nhau vài năm rồi, nhưng toàn tay ngang nên sẽ phải học nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thạch Bàn miền Trung, Phó ban thường trực Dự án Xã hội hoá nhà vệ sinh cộng đồng "Thoải mái như ở nhà"

“Trước, chúng tôi vẫn tụ tập ở Hòa Bình, cũng vu vơ vài câu chuyện đầu tư, chủ yếu là tìm đất làm dự án. Rồi khó khăn, bầm dập với thị trường xây dựng, bất động sản, hình như mình trở thành người khác. Vẫn đồng đất đấy, nhưng lại nghĩ, không thể chỉ một vài người được lợi”, ông Thắng lý giải bước rẽ mới của mình và những người bạn.

Tất nhiên, nói làm thử, nhưng tiền thật, công sức thật. Công ty cổ phần Chăn nuôi T&T 159 của những người bạn tên đầu là T được thành lập để nuôi bò. Ông Thắng kể, mất hơn hai năm, trải qua các “kỳ thi” về dây chuyền công nghệ, về quy trình chăn nuôi, quy chuẩn chuồng chại… mới thuyết phục được “thầy chăn bò” từ Australia chuyển giao công nghệ. Đây là điểm mấu chốt để T&T 159 chấm dứt giai đoạn thử nghiệm, bước sang giai đoạn mở rộng quy mô, dự kiến từ sau Tết này.

Trong báo cáo Dự án vừa trình UBND tỉnh Hòa Bình, mục tiêu Công ty đặt ra là phát triển hệ thống trang trại vùng lõi, gồm khoảng 20 trang trại chăn nuôi, trồng cỏ, làm công nghệ con giống… Từ vùng lõi này sẽ tập hợp và đào tạo các hộ, nhóm hộ nuôi bò lẻ tẻ vào hệ thống, với khoảng 80 - 100 hộ, mỗi hộ nuôi 20 - 100 bò thịt theo đúng quy trình. Một số nhóm hộ khác sẽ chuyên sản xuất thức ăn cho bò thịt. Cả vùng trồng ngô hiện tại thu 27,5 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lại khoảng 16,5 triệu đồng/năm sẽ được chuyển sang trồng cỏ năng suất cao, có thể cho thu nhập tới 75 triệu đồng/năm, 1 lần trồng có thể thu hoạch trong 4-5 năm, với 5-7 lần/năm… T&T 159 sẽ là điểm đầu và điểm cuối của chuỗi giá trị sản xuất bò thịt chất lượng cao, nghĩa là cung cấp giống, nguyên liệu đầu vào, công nghệ chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh, môi trường… tới thu mua, vận chuyển, giết mổ, chế biến và phân phối thị tại trường trong nước và xuất khẩu…

“Đất sẽ nuôi chúng tôi và những người nông dân Hòa Bình”, ông Thắng nói.

2.

Biểu tượng chiếc toilet màu xanh dương tinh nghịch với dòng chữ “thoải mái như ở nhà - comfort as home” xuất hiện ngày càng nhiều trên cánh cửa các văn phòng, tòa nhà, cửa hàng, quán cà phê dọc những trục đường chính ở Đà Nẵng. Sẽ còn thêm nhiều cánh cửa thân thiện, sẵn sàng mở ra với du khách đến với thành phố đáng sống nhất Việt Nam này, bất cứ khi nào họ cần.

“Chúng tôi muốn du khách hiểu rằng, họ được trận trọng từng phút giây ở đây”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thạch Bàn miền Trung, Phó ban thường trực Dự án Xã hội hoá nhà vệ sinh cộng đồng "Thoải mái như ở nhà" - vẫn được gọi nôm na là Dự án… toilet vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam phấn khích kể về các công việc mà ông và các doanh nhân đã theo đuổi từ giữa năm ngoái đến giờ.

Nguồn cơn của dự án đặc biệt này rất tình cờ, khi ông cùng một vài gia đình người bạn ở nước ngoài về lang thang trên đường Bạch Đằng (Đà Nẵng). Nhóm đàn ông ngồi cà phê, nhóm phụ nữ và trẻ em tranh thủ mua sắm quanh phố.

“Ngồi một lúc thấy bọn trẻ con chạy về như vịt. Ngay lúc đó, tôi bỗng ngẩn ra, thành phố du lịch mà không có toilet cho khách. Vậy mà con số trong các kế hoạch thu hút khách du lịch của TP. Đà Nẵng hàng năm cứ tăng tới cả trăm ngàn người. Họ có dám quay trở lại không khi cả Thành phố chỉ có 20 nhà vệ sinh công cộng, phần lớn không ai dám bước chân vào. Lúc đó, gần dịp nghỉ lễ 30 tháng 4”, ông Sơn kể xuất xứ của Dự án.

Hội Doanh nghiệp Hải Châu (TP.Đà Nẵng) mà ông Sơn là Phó chủ tịch thường trực nhóm họp và đồng tình không thể chờ ngân sách thành phố đầu tư. Vì nếu lấy mô hình của Singapore là 152 người dân có 1 nhà vệ sinh cộng cộng, TP. Đà Nẵng với 1 triệu dân sẽ phải chi tới 1.475 tỷ đồng, cần quỹ đất tới 35-40 ha. Đây là điều không tưởng. 

Kết quả là, 4 ngày trước khi Đà Nẵng tổ chức Festival pháo hoa năm 2015, phong trào được phát động. Ngay lập tức, 50 doanh nghiệp đã gắn biển biểu trưng với lời mời thân thiện.

“Hệ thống toilet trong các văn phòng, cửa hàng tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, thân thiện. Các doanh nghiệp tham gia đều được đào tạo cách thức ứng xử với du khách. Toàn bộ chi phí do các doanh nghiệp tham gia chi trả. Tôi tin là du khách sẽ nhớ Đà Nẵng ở những điều rất giản dị nhưng đầy thân thiện này”, ông Sơn nói.

Nghe đâu, Dự án của ông đã được một vài tổ chức quốc tế mời trình bày. Đà Nẵng cũng đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế Thành phố nghiên cứu cơ chế hỗ trợ… Nhưng ông Sơn và các doanh nhân chỉ nghĩ đơn giản, đó là cách họ có thể làm ngay và sẽ tiếp tục làm, vì đó là trách nhiệm với Thành phố đang tạo cơ hội để họ kinh doanh thành công…

3.

Phạm Minh Thiện, Chủ tịch Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May Essential, người đang ở vai kế nghiệp cha mình - doanh nhân Phạm Văn Bên của Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May danh tiếng ở Đồng Tháp, đang khiến thị trường chú ý với kế hoạch biến hạt gạo thành… phụ phẩm. Thậm chí, trong con mắt của bà Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, hình ảnh của doanh nhân trẻ này tưởng như rất “không liên quan”, đi Audi, làm việc với các tiến sỹ và bàn về cám gạo.

Năm 2015 vừa rồi, Cỏ May đã bắt tay với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp để nghiên cứu chế biến tinh dầu cám. Nhà máy sản xuất Gamma Oryzanol (chiết xuất tinh dầu cám) đang được nghiên cứu xây dựng. Sản phẩm mà Cỏ May đang nhắm tới là chất Gamma Oryzanol (một chất chống ô xy hóa, giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa) chiếm khoảng 0,2% và vitamin E chiếm 0,01- 0,014…, được sử dụng rất phổ biến trong các ngành công nghiệp dược phẩm và hóa mỹ phẩm…

Vấn đề là, xét về giá trị kinh tế, cám gạo sau khi được chiết xuất lấy tinh dầu, bao gồm cả tận dụng xác cám, có thể cho doanh thu cao gấp 4-5 lần so với bán gạo thô như hiện nay. Hơn thế, trong con mắt của Phạm Minh Thiện, con đường lấy công làm lãi vốn đã đưa Cỏ May thành công trong vài chục năm vừa rồi đã hết thời.

Nghĩ khác chính là điều mà bà Vũ Kim Hạnh đã nhìn thấy ở doanh nhân trẻ kế nghiệp này. Thậm chí, dường như thất bại của hạt gạo Việt Nam đang thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo không giới của Minh Thiện. Trong kế hoạch tới, không một sản phẩm nào của cây lúa Việt Nam trở thành phế phẩm.

“Chúng ta có thể không vui khi nói vậy, vì Việt Nam vẫn tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, nhưng thử hỏi ra chợ hiện giờ có dễ mua gạo Việt không, có gọi tên được thương hiệu gạo Việt không, chứ chưa nói đến thị trường xuất khẩu. Nhưng ý tưởng tạo giá trị gia tăng cho hạt gạo, thậm chí biến phụ phẩm của cây lúa như lâu nay ta vẫn nghĩ thành chính phẩm của các bạn trẻ sẽ tạo con đường mới, thậm chí là nấc thang mới cho sản phẩm nông sản Việt Nam”, bà Kim Hạnh hào hứng.

4.

Tất nhiên, không phải ai cũng có thể nghĩ khác, làm khác ngay được. Cũng như hội nhập không trao đều cơ hội cho tất cả mọi người. Nhưng, như câu nói của ông Giản Tư Trung, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) và Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, rằng nếu đặt mục đích của kinh doanh không phải là tiền, mà là dùng sản phẩm, dịch vụ của mình để làm cuộc sống tốt hơn, không làm phương hại đến cộng đồng, thì mọi việc nghĩ khác, làm khác cũng không hẳn quá khó.

Tin liên quan
Tin khác