Nhà đầu tư phớt lờ quy định
Bộ Giao thông - Vận tải vừa hoàn tất Kết luận thanh tra Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 2118+600 – Km 2127+320,75 và xây dựng tuyến tránh TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) theo hình thức hợp đồng BOT (Dự án Quốc lộ 1 qua Sóc Trăng). Đây là một trong 2 dự án tiếp nối của đại công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ do Ban Quản lý dự án 8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam - Công ty cổ phần Đầu tư Pacific. Doanh nghiệp được thành lập để quản lý dự án là Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng.
Dự án có tổng mức đầu tư, theo Giấy chứng nhận đầu tư là 1.419,237 tỷ đồng, được khởi công năm 2015 và dự kiến hoàn thành trước ngày 31/7/2016 (khoảng 18 tháng). Thời gian thu phí dự kiến là 18 năm 2 tháng 21 ngày, với trạm thu phí hoàn vốn được đặt trên chính tuyến Quốc lộ 1 tại Km 2123 + 250.
Công trường xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 và tuyến tránh TP. Sóc Trăng theo hình thức BOT. |
Cho đến thời điểm Đoàn thanh tra kết thúc công tác thanh tra (đầu tháng 8/2015), công trình đã hoàn thành được 94% khối lượng hợp đồng. Những ghi nhận tại bản Kết luận thanh tra số 15208/KL - BGTVT cho thấy, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng đã liên tục “xé rào”, coi thường các điều khoản được ấn định tại Hợp đồng BOT, cũng như quy định về trình tự đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước.
Ghi nhận của Đoàn thanh tra cho thấy, Công ty Phương Nam - một trong 2 nhà đầu tư của Dự án đã không thực hiện đúng cam kết tài chính. Theo Báo cáo tài chính của Công ty Phương Nam, năm 2012, vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là 120 tỷ đồng, thực tế góp là 29,8 tỷ đồng; năm 2013 vốn đăng ký là 200 tỷ đồng, thực tế góp 47,1 tỷ đồng; năm 2014, vốn chủ sở hữu tăng lên 500 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư chi tạm ứng cho 3 cổ đông góp vốn là 234 tỷ đồng và duy trì mức vốn chủ sở hữu là 266 tỷ đồng.
Với mức vốn chủ sở hữu 266 tỷ đồng, cùng lúc, Công ty Phương Nam tham gia góp vốn dự án BOT Bình Thuận 101,5 tỷ đồng, góp vào BOT Bạc Liêu là 94,984 tỷ đồng và Dự án BOT Sóc Trăng là 202,5 tỷ đồng. Do hạn chế trong việc kết nối giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên Thanh tra Bộ GTVT không làm rõ trong số 3 dự án mà nhà đầu tư này tham gia, đâu là công trình đang bị góp bằng “vốn hơi”.
Cần phải nói thêm rằng, theo quy định của hợp đồng BOT, tại Dự án BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng, các nhà đầu tư phải góp 15% tổng mức đầu tư bằng vốn chủ sở hữu, tương đương 207,7 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/8/2016, giá trị góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 149,408 tỷ đồng qua các đợt thanh toán chuyển tiền để giải phóng mặt bằng và cho các gói thầu, đạt 67% tiến độ góp vốn theo cam kết (so với Điều 14 quy định trong hợp đồng BOT là 207,757 tỷ đồng).
Đối với tồn tại này, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam phải duy trì lượng vốn chủ sở hữu theo đúng hợp đồng BOT và theo quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo đủ vốn cam kết để thực hiện đầu tư 3 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý và nộp đủ vốn thực hiện dự án theo đúng cam kết đã ký trong Hợp đồng là 207,757 tỷ đồng. Thời gian yêu cầu thực hiện trước ngày 31/12/2016.
“Quản” mà như không
Việc tuân thủ quy định về quản lý tài chính tại Dự án cũng là một điểm gợn lớn. Ghi nhận của Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng chưa thực hiện theo quy định tại Điều 70, Hợp đồng BOT (chưa tuân thủ các nguyên tắc, quy trình kế toán, mở hệ thống sổ sách, chứng từ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật đối với tất cả các công việc liên quan đến thực hiện đầu tư xây dựng và các quy định hiện hành khác). Công ty BOT Sóc Trăng tự chuyển vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam thay vì Ngân hàng TMCP Việt Á, khác với hồ sơ đề xuất nhà đầu tư gửi Ban quản lý dự án 8 và kết quả thẩm định của Ban Quản lý dự án PPP (Bộ Giao thông - Vận tải), nhưng không hề có văn bản báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều đáng nói là, tiền vay trong giai đoạn xây dựng mà doanh nghiệp dự án phải trả ngân hàng quý I/2016 là 10,3%/năm (cao hơn so với lãi suất bình quân của 3 ngân hàng TMCP cùng thời kỳ 0,6%/năm), quý II/2016 là 10,4%/năm (cao hơn so với lãi suất bình quân của 3 ngân hàng TMCP cùng thời kỳ 0,57%/năm). Đây là điều rất đáng quan ngại, bởi theo quy định của Hợp đồng BOT, thì lãi vay của phần vốn vay thương mại cho Dự án không vượt quá lãi suất cho vay trung hạn bình quân của 3 tổ chức tín dụng độc lập không liên quan đến nhà đầu tư trên địa bàn.
Cùng với các vi phạm trong lĩnh vực tài chính, trình tự thủ tục đầu tư tại Dự án là “rất lộn xộn”, khi nhà đầu tư thực hiện triển khai thi công dự án (tháng 4/2015), trong khi phải đến tháng 11/2015, nhà đầu tư này mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Nhà đầu tư ký hợp đồng BOT vào tháng 12/2015, nhưng thiết kế bản vẽ thi công lại được phê duyệt từ tháng 8/2015; dự toán được xây dựng vào tháng 11/2015 khi kết quả đấu thầu được phê duyệt vào tháng11/2015 và Hợp đồng xây lắp được ký cùng thời gian (tháng11/2015). Nhà đầu tư thậm chí không trình Ban Quản lý dự án 8 có ý kiến về nội dung hợp đồng, điều chỉnh bổ sung hợp đồng giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án với nhà thầu trước khi ký kết Hợp đồng BOT và hoàn toàn không thực hiện báo cáo tiến độ góp vốn theo cam kết.
“Cần phải làm rõ lý do những sai sót có hệ thống này diễn ra tại Dự án. Do trình độ cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền (Ban Qlý dự án 8) quá yếu, hay còn động cơ nào đó dẫn tới sự thụ động khó hiểu này”, một chuyên gia cho biết.