Triển vọng mới
Không phải đến khi Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ được Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành, các thành viên thị trường mới tiếp tục có niềm tin vào sự nở rộ của bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và bất động sản du lịch nói chung. Trong năm vừa qua, dù nguồn cung có xu hướng sụt giảm, chủ yếu là nhóm căn hộ nghỉ dưỡng condotel chủ yếu do chậm ban hành khung pháp lý, nhưng nhìn về dài hạn, không thể phủ nhận sức hút về tiềm năng du lịch của Việt Nam vẫn rất lớn và là động lực chính cho phân khúc này.
Sự bùng phát của virus Corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu trong gần 2 tháng vừa qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại một số điểm đến cụ thể trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ việc kiểm soát tốt mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tại Việt Nam cho đến thời điểm này, hoạt động du lịch được nhìn nhận có thể vẫn đạt mức tăng trưởng tốt từ nay tới cuối năm, thậm chí có thể bứt phá trở lại ngay đầu quý II tới sau khi dịch bệnh hy vọng sớm chấm dứt.
Năm 2019 vừa qua, theo Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam tiếp tục đạt dấu mốc tăng trưởng ngoạn mục khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa ước đạt 85 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy ảnh hưởng từ dịch virus Corona có thể khiến mục tiêu tăng trưởng lượng khách du lịch bình quân 9 - 11%/năm trở nên khó hơn, nhưng nhu cầu về cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng chất lượng cao và gia tăng các dịch vụ trải nghiệm đối với du khách vẫn rất lớn. Tính toán của Tổng cục Du lịch cho thấy, đến năm 2030 cần có 1.300.000 - 1.450.000 buồng nghỉ để đáp ứng nhu cầu của du khách.
. |
Căn cứ vào dự báo của các chuyên gia y tế Việt Nam về dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Du lịch đã dự báo kịch bản của ngành du lịch như sau: Dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2020 và các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4/2020. Nếu kịch bản này xảy ra thì ngành du lịch có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa (bắt đầu vào cao điểm từ cuối tháng 5), các doanh nghiệp có thể xúc tiến các hoạt động outbound để bù đắp những tổn thất kinh tế từ đầu năm 2020. Đây là kịch bản được xem là có triển vọng nhất trong thời gian tới.
Đây cũng là thông tin được nhiều đại diện khách sạn lớn chia sẻ khi cho biết, mức độ tác động tuy khá rõ nhưng nhờ kịp thời có chiến lược điều chỉnh, nên mức độ ảnh hưởng vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được. Ngoài ra, chính vào thời điểm có dịch nên nhóm khách sạn chất lượng cao vô tình lại được hưởng lợi khi nhiều khách hàng do lo ngại lây lan qua tiếp xúc nên sẵn sàng chi nhiều tiền để được ăn nghỉ tại những khu phục vụ chất lượng cao.
Sau Corona và Văn bản 703 - thị trường sẽ phải làm gì tiếp theo?
Trở lại việc ban hành Văn bản 703, theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, động thái này của Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ tạo cơ chế quản lý rất thuận lợi cho chính quyền các địa phương, giúp cả người sở hữu condotel, ngân hàng lẫn chủ đầu tư cùng trút bỏ được một nỗi lo lớn về tương lai condotel. Bởi lẽ trên nguyên tắc, một sản phẩm bất động sản cần nằm trong sự điều chỉnh của một luật nào đó, cần được thừa nhận và có căn cứ pháp lý rõ ràng. Từ đó, các hoạt động mua, bán, cho thuê, thế chấp được diễn ra hợp pháp.
Đồng quan điểm, TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư bất động sản cho biết, dù việc áp dụng Văn bản 703 vẫn cần thêm thời gian, nhưng nó cũng như "cơn mưa giải khát giữa mùa hạ" cho condotel nói riêng và bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, trong bối cảnh dịch bệnh Corona bùng phát. Nếu văn bản hướng dẫn này được chính thức triển khai sẽ tạo một cú đỡ, một đòn bẩy rất lớn cho khu vực bất động sản nghỉ dưỡng.
"Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đây cũng được coi là một động thái tích cực, trong bối cảnh thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, khiến nguồn cung hạn chế. Họ cũng sẽ yên tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu một loại hình căn nhà thứ 2", ông Khương khẳng định.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, đối với bất động sản nghỉ dưỡng không phải chỉ đơn thuần là vấn đề về khung pháp lý, mà hơn cả sắp tới, dù có dịch hay không có dịch là việc phải nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng và nhiều trải nghiệm hơn.
Theo ông Khương, yếu tố quan trọng nhất giúp bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam có sức cạnh tranh trong khu vực là mức giá hợp lý và giá trị sản phẩm tốt.
Các chủ đầu tư hiện nay quá chú trọng vào các cơ hội thị trường trong ngắn hạn và chủ yếu phát triển các sản phẩm phục vụ tăng trưởng nhu cầu phòng. Thị trường đang thiếu sự đa dạng các loại hình sản phẩm do việc lặp lại các mô hình đã hiện hữu, thay vì nắm bắt các xu hướng và mô hình mới.
Ngành du lịch nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất nhanh với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án với phòng và sảnh lớn sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với như cầu của khách hàng trong trung và dài hạn.
Theo ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty Phú Long, trong xu thế hiện nay, khách hàng có nhu cầu tìm đến với hành trình nghỉ dưỡng kết hợp luyện tập để đánh thức năng lượng tiềm ẩn trong mỗi người, tìm lại sự cân bằng của cơ thể và tâm trí. Như vậy, hơn cả một kỳ nghỉ đơn thuần, các chủ đầu tư phải giúp mang đến cho khách hàng một chuyến đi không chỉ trải nghiệm về vùng đất mới, mà còn giúp họ giải tỏa những áp lực. Và điều này chỉ có thể làm được khi phát triển các mô hình nghỉ dưỡng phức hợp, đáp ứng được "trọn gói" nhu cầu của du khách trong cùng một dự án.