Doanh nghiệp
Niềm tin kinh doanh vẫn cần thêm trợ lực
Bảo Duy - 08/06/2015 08:46
Ngày mai (9/6), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ sẽ diễn ra. Chủ đề được lựa chọn là “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”.

Trước thềm Diễn đàn, sự nóng ruột của giới đầu tư kinh doanh về khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế bộc lộ rõ, nhất là khi điều này đang phụ thuộc không nhỏ vào năng lực hội nhập của các cơ quan Chính phủ, chính quyền các cấp. Có thể thấy thực tế đó khi nhìn vào sự thiếu vững chắc trong niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngay trước thềm VBF giữa kỳ.

Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho quý I/2015 đã giảm nhẹ, từ 78 điểm vào cuối năm 2014 xuống còn 75 điểm. Đây là lần giảm đầu tiên sau một năm tăng liên tục của BCI.         

 

Phần lớn doanh nghiệp phản hồi tiếp tục nhận định triển vọng kinh doanh của họ là tích cực, tuy có giảm từ mức 62% quý trước xuống còn 57%. Chiếm tỷ lệ lớn thứ hai là các doanh nghiệp phản hồi triển vọng trung bình, tăng từ 28% quý trước lên 30%. Còn lại là các phản hồi rất tốt và tốt.

Đáng nói là, trong lần khảo sát này, EuroCham đã lấy những thay đổi của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới (sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2015) để đo niềm tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ khoảng 21% doanh nghiệp tin là những thay đổi trên sẽ đem lại lợi ích chung cho hoạt động kinh doanh của họ. 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi không nắm bắt một cách rõ ràng, chi tiết về luật mới.

Trên các diễn đàn khác, những băn khoăn liên quan đến các quy định mới được thực thi như vấn đề thị thực, hạn chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, sự chậm trễ và việc thiếu thông tin trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… vẫn xuất hiện.

Ngay cả nghị định mới về hình thức đối tác công – tư (PPP) và về lựa chọn nhà đầu tư, dù được giới đầu tư coi là lực hút mới của dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Việt Nam, thì vẫn đang trong trạng thái chờ đợi Chính phủ xác định các dự án PPP tiềm năng, cũng như chờ xem các chất lượng các đợt đánh giá dự án, thực tế các đợt đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đầu tiên trước khi quyết định…

Đây là vấn đề đáng quan ngại, bởi những thay đổi của các cơ chế, chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo nên bước chuyển lớn về chất trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Không những thế, đây đang là thời điểm rốt ráo chuẩn bị thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được ký kết, cùng với việc thúc đẩy hoàn tất các hiệp định thương mại đa phương với các đối tác lớn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015. Với tính chất của các hiệp định thương mại tự do kiểu mới, giới đầu tư – kinh doanh đang tin rằng, Việt Nam đang trong nỗ lực việc cải cách nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như từng doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập.

Vấn đề là, niềm tin này chỉ chuyển thành các quyết định, dự án cụ thể, thành dòng vốn giải ngân nếu thông tin về những thay đổi tích cực theo chuẩn mực quốc tế của môi trường kinh doanh Việt Nam, những điều luật được đánh giá là có bước cải cách lớn… đến được không chỉ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp…, mà tới từng công chức nhà nước, những cấp thực thi cụ thể. Việc thực thi một cách đúng đắn, đầy đủ và có trách nhiệm các cam kết này sẽ là trợ lực giữ vững niềm tin mà giới đầu tư – kinh doanh đang dành cho Việt Nam.

Đây cũng là yếu tố quyết định để Việt Nam thăng hạng trên các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh cũng như sẽ là yếu tố bền vững giúp nền kinh tế Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình.

Tin liên quan
Tin khác