Theo một báo cáo vừa được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố, tổng số khoản vay trên tất cả các danh mục đạt 17.050 tỷ USD, tăng gần 150 tỷ USD, tương đương 0,9% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2023. Điều này đã khiến tổng số nợ tăng thêm khoảng 2.900 tỷ USD so với thời kỳ trước Covid-19.
Mức tăng nhanh bất chấp các khoản vay thế chấp mới (bao gồm cả các khoản tái cấp vốn) đạt mức thấp nhất kể từ quý II/2014 - với tổng trị giá 323,5 tỷ USD. Tổng số tiền này thấp hơn 35% so với quý IV/2022 và thấp hơn 62% so với cùng kỳ quý I/2022 .
Trong khi đó, các khoản cho vay mua nhà mới đạt đỉnh 1.220 tỷ USD trong quý II/2021, tuy nhiên sau đó đã giảm dần do lãi suất tăng. Một loạt các đợt cắt giảm lãi suất của Fed đã giúp đẩy lãi suất thế chấp kỳ hạn 30 năm xuống mức thấp khoảng 2,65% vào tháng 1/2021. Nhưng lãi suất hiện ở mức khoảng 6,4% do Ngân hàng Trung ương đã thông qua 10 lần tăng lãi suất với tổng cộng 5 điểm phần trăm để chống lạm phát. Lãi suất cao hơn đã giúp đẩy tổng nợ thế chấp lên 12.040 tỷ USD.
Hiện nay, dữ liệu của Fed cho thấy, khoảng 14 triệu khoản thế chấp đã được tái cấp vốn trong thời kỳ đại dịch bắt đầu từ tháng 3/2020. Khoảng 64% được coi là "tái cấp vốn theo lãi suất" hoặc chủ nhà đang tìm cách tận dụng chi phí vay thấp hơn.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn đối với tất cả các khoản nợ đều tăng, tăng 0,6 điểm phần trăm đối với thẻ tín dụng - lên mức 6,5% và ở mức 6,9% đối với các khoản vay mua ô tô. Tổng tỷ lệ nợ quá hạn tăng 0,2 điểm phần trăm lên mức 3%, cao nhất kể từ quý III/2020. Nợ vay sinh viên cũng tăng lên 1.600 tỷ USD và các khoản vay mua ô tô cũng tăng lên 1.560 tỷ USD.