Thời sự
Nợ vay và Nhà nước
Hồ Quốc Tuấn - 28/10/2020 09:56
Vấn đề về chỉ tiêu vay nợ không nên là một chỉ tiêu cứng và hướng tới chỉ giảm, chứ không tăng.

LTS: Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Đầu tư mở chuyên mục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (xem toàn văn dự thảo các văn kiện trên Báo Đầu tư điện tử tại địa chỉ Baodautu.vn).

Ban Biên tập Báo Đầu tư rất mong nhận được ý kiến đóng góp quý giá của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho dự thảo. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ dautu@vir.com.vn.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, thu ngân sách cả năm 2020 giảm 12,5% so với dự toán vì nhiều lý do khác nhau. Ảnh: Đức Thanh

Đánh đổi một chút an ninh tài chính để đột phá phát triển trong bối cảnh hiện tại là có thể chấp nhận, đặc biệt là khi lãi suất vay thấp như hiện nay.

Mục tiêu giảm nợ công và sức ép chi ngân sách: Liệu có mâu thuẫn?

Mấy ngày trước, tôi nhận được email của một đàn anh rất thân đang làm ở một bộ, ngành chịu trách nhiệm chuyện tiền nong của Nhà nước. Anh nói: “Mấy ông góp ý chính sách toàn đòi chi ngân sách hỗ trợ nền kinh tế trong dịch bệnh, trong khi ngân sách thì căng thẳng, hụt thu, áp lực trả nợ lớn. Cái đó cũng phải tính tới chớ”.

Anh nói rất đúng. Theo ước tính của Bộ Tài chính, thu ngân sách cả năm 2020 giảm 12,5% so với dự toán vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, chi ngân sách vẫn cao và những điều này sẽ có tác động xấu lên gánh nặng trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

Nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam vẫn khá lớn. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lưu ý rằng, các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy ước tính đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn. Theo Ủy ban, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách, là tín hiệu cảnh báo rủi ro an toàn tài chính quốc gia.

Nhưng ở chiều ngược lại, người dân cũng đang rất cần được chi tiền để hỗ trợ trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh như hiện nay. Diễn biến của đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc ứng phó với những tình huống đó.

Báo cáo Fiscal Monitor công bố gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phát đi thông điệp kêu gọi các nước giàu hãy gia tăng chi tiêu công và kéo nền kinh tế toàn cầu ra khỏi vũng lầy Covid-19. Đây rõ ràng là một sự thay đổi đáng chú ý trong quan điểm về chính sách tài khóa. Theo đó, IMF bỏ quan điểm thận trọng về tình hình tài khóa ngập trong nợ nần của những nền kinh tế phát triển, mà tập trung đề cao tầm quan trọng của những khoản chi mới hướng vào hạ tầng số hóa và công nghệ xanh.

Nếu các nước đều đẩy mạnh đầu tư vào đổi mới hạ tầng, đầu tư xanh, số hóa, thì Việt Nam sẽ dễ tụt hậu nếu không tăng đầu tư tương ứng. Trong những ngày cuối tháng 10/2020, Nikkei Asia đã đăng bài so sánh về mức độ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) của khu vực ASEAN cho thấy, Việt Nam đang tụt hậu rất xa với những nước như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

So với nước dẫn đầu là Singapore thì khoảng cách càng cao. Nếu khoản chi đầu tư vào AI của Singapore là 68 USD/người, thì Việt Nam ở mức rất thấp, chưa tới 0,2 USD/người. Điều này đặt ra lo ngại về tụt hậu trong các công nghệ hàng đầu của nước ta so với các nước trong khu vực và để cải thiện điều đó thì cần phải chi tiền đầu tư.

Ngoài sức ép đầu tư để đổi mới công nghệ, Việt Nam cũng đứng trước những thách thức chi ngân sách về an sinh xã hội khác. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đối với biến đổi khí hậu, trẻ em và phụ nữ là nhóm đặc biệt có nguy cơ rất cao. Đại dịch Covid-19 cũng là một thuốc thử cho hệ thống y tế và an sinh của quốc gia.

Cũng theo UNICEF, tuy Việt Nam kiên cường và ở nhiều mặt là thành công trong việc đối mặt với thiên tai và dịch bệnh, cái giá phải trả về mặt chi ngân sách và nguồn lực xã hội là rõ ràng. Nói cách khác, nhu cầu chi tiêu ngân sách trong giai đoạn tiếp theo về các mặt đầu tư hạ tầng, thúc đẩy công nghệ mới, chi an sinh xã hội đều sẽ tăng và có thể tăng khá mạnh.

Trong khi đó, theo Dự thảo về phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, phương hướng là giảm dần nợ công, đến năm 2025 khoảng 47,5% GDP, nợ Chính phủ đến năm 2025 khoảng 43,8% GDP. Muốn tăng đầu tư vào các công nghệ mới, đổi mới hạ tầng, giữ và nâng dần tiêu chuẩn an sinh xã hội, nhưng lại muốn giảm nợ công và thâm hụt ngân sách là một thách thức lớn.

Thách thức hơn nữa là vẫn còn có những khoản chi rất “ngộ nghĩnh” trong bối cảnh ngân sách căng thẳng như vậy. Anh bạn tôi nói đúng khi đặt câu hỏi là tiền đâu để chi cho các đòi hỏi về gói hỗ trợ kinh tế, đầu tư công, nhưng có những nơi vẫn bỏ ra những khoản tiền ngàn tỷ cho những hoạt động xây dựng cổng chào, mua cặp da hội nghị. Có nơi xây đại học bỏ hoang để dân chăn bò hoặc xây bệnh viện trăm tỷ bỏ hoang, chưa sử dụng đã xuống cấp.

Cách xài tiền quá độc đáo và những khoản nợ ngàn tỷ của những công ty nhà nước mà dân trong nghề dễ dàng gọi là “xác chết biết đi” hay “cương thi” này vẫn tồn tại. Vậy đâu phải là không có tiền để chi. Chẳng qua là tiền đã chi vào việc khác.

Cho nên, vấn đề nhiều khi không phải nằm ở chỗ nên tăng hay giảm nợ công, mà nằm ở chỗ tiền vay về dùng để làm gì.

Phát triển cần Nhà nước lớn và đầu tư công, nhưng đừng để Nhà nước lấn át kinh tế tư nhân

Nhà kinh tế học đoạt Giải Nobel Joseph Stiglitz chỉ ra là, từ trước đến giờ, những thành công của các nền kinh tế lớn, ngay cả nơi mà người ta ca ngợi là thị trường tự do như Mỹ, cũng phải dựa vào những đầu tư của Nhà nước vào những dự án công nghệ đột phá trọng điểm. Từ Internet, xe điện tới mạng 5G, công nghệ sinh học... đều cần những dự án lớn và những trợ giá, ưu đãi của Nhà nước làm đầu mối.

Đại dịch Covid-19 là một minh chứng rất rõ về vai trò nâng đỡ quan trọng của Nhà nước đối với nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai. Nước Mỹ sẽ không thể chống đỡ nếu không có những khoản chi hỗ trợ kinh tế ngàn tỷ và “khẩu bazooka” mua trái phiếu “không giới hạn” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong giai đoạn căng thẳng của tháng 2, tháng 3.

Có người nói, dân kêu Nhà nước ít can thiệp thôi, mà sao đến khi có chuyện thì “kêu” Nhà nước hỗ trợ. Nhưng thật ra hai điều đó đâu có mâu thuẫn. Chuyện làm kinh doanh, tư nhân làm tốt hơn thì để tư nhân làm. Còn đầu tư cơ bản để đặt nền tảng cho tăng trưởng 20-50 năm dài hạn, Chính phủ làm tốt hơn thì để Chính phủ làm.

Muốn tăng đầu tư vào các công nghệ mới, đổi mới hạ tầng, giữ và nâng dần tiêu chuẩn an sinh xã hội, nhưng lại muốn giảm nợ công và thâm hụt ngân sách là một thách thức lớn.

Chính phủ Anh, Mỹ đầu tư rất nhiều tiền cho công nghệ nguồn của Internet, nhưng chính phủ họ đâu có tự kinh doanh Internet. Sáng kiến sử dụng Internet tốt như thế nào đã được trả về tay của giới doanh chủ. Nếu công nghệ Internet vẫn nằm trong tay của các cơ quan nhà nước Anh, Mỹ, có thể đến nay, chúng ta vẫn đang xài dịch vụ Internet dial up của thập niên 1990.

Vai trò chủ đạo của Nhà nước và kinh tế tư nhân nên được hiểu như thế. Nhà nước vẫn là chủ đạo và nhà đầu tư quan trọng nhất trong nền kinh tế, đặc biệt là với những dự án trọng điểm, công nghệ nguồn. Nhưng chủ đạo không có nghĩa là Nhà nước phải tự đi kinh doanh, đạp lên chân kinh tế tư nhân ở lĩnh vực mà họ làm tốt hơn.

Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh, hạ tầng, đầu tư vốn mồi, hỗ trợ khi kinh tế gặp khó khăn. Làm đúng như vậy thì Nhà nước sẽ tạo ra nhiều doanh thu từ thuế của doanh nghiệp mà chi trả cho những khoản đầu tư ngân sách và những khoản vay.

Và khi kinh tế khó khăn như thời Covid-19, thì Nhà nước phải đứng ra đứng mũi chịu sào, chi tiền vào nơi trọng yếu để kích thích nền kinh tế. Nơi trọng yếu là ở đâu? Là chi tiền cho người dân sống được và vực dậy, giữ lại nguyên khí nền kinh tế. Nguyên khí giữ lại được thì Nhà nước mới có cơ sở để mà thu thuế dài lâu và bền vững. Nuôi dưỡng nguồn thu thuế chính là ở chỗ đó.

Nếu Nhà nước làm đúng vai trò đó, thì không sợ vay nợ mà chi tiêu và dân cũng sẽ vui lòng ủng hộ. Bởi vì vay về để làm thật và có tiền trả nợ. Chủ nợ cũng không ngại mà cho vay giá rẻ, nếu thấy nước này vay về mà chỉ mấy năm thay da đổi thịt, thành con rồng, con hổ.

Còn vay nợ về mà dân nơm nớp lo sợ người ta lấy tiền đi xây cổng chào, mua cặp da, xây đại học mà bỏ trống, thì ai dám cho vay, ngoài mấy người luôn âm mưu cho vay để mai mốt siết nợ, gây ảnh hưởng quyền lực mềm gì đó.

Vì vậy, vấn đề về chỉ tiêu vay nợ không nên là một chỉ tiêu cứng và hướng tới chỉ giảm chứ không tăng. Đánh đổi một chút an ninh tài chính để đột phá phát triển trong bối cảnh hiện tại là có thể chấp nhận, đặc biệt là khi lãi suất vay thấp như hiện nay.

Nhưng làm sao để những khoản chi ngân sách vào đúng mục tiêu, không bị tham nhũng, lãng phí là một bài toán khó. Và nó sẽ quay về với những tranh luận về cơ chế minh bạch các tiêu chí chi ngân sách, kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm cá nhân.

Tin liên quan
Tin khác