Nợ xấu giảm, dự phòng vẫn tăng
Một điểm sáng trong bức tranh ngân hàng năm 2017 là chất lượng tài sản hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được cải thiện. Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD cuối năm 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.
. |
Số liệu từ báo cáo tài chính năm 2017 của 13 ngân hàng được khảo sát cho thấy, tổng nợ xấu ở mức 60.533 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0,7% so với đầu năm. Về giá trị tuyệt đối, 8/13 ngân hàng có số nợ xấu tăng trong năm qua. Dù vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng, nên chỉ có 5/13 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ gia tăng, bao gồm: VietinBank, SHB, VPBank, Techcombank và TPBank. Một dấu hiệu đáng mừng khác là tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến cuối năm 2017 đã giảm 8,3% so với đầu năm.
Cụ thể, ACB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm khảo sát, chỉ 0,7% so với mức 0,87% hồi đầu năm; nợ có khả năng mất vốn cũng giảm từ 0,64% xuống 0,4%. Trong khi đó, dù tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức khá cao, nhưng Sacombank đã có nhiều bước tiến đáng kể trong xử lý nợ xấu. Theo đó, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã lùi về mức 4,16%, từ mức 6,91% hồi đầu năm.
Sở dĩ nợ xấu của nhiều ngân hàng giảm mạnh trong năm 2017 là do quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD được đẩy nhanh hơn khi có Nghị quyết 42/2017-NQ14, đặc biệt là những tháng cuối năm. Các TCTD hạn chế chuyển nợ sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong khi các hình thức xử lý nợ xấu khác như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo, đặc biệt là sử dụng dự phòng rủi ro được đẩy mạnh hơn.
Chính vì lý do trên mà dự phòng rủi ro là áp lực của không ít ngân hàng. ACB là ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng nhất năm qua khi dành tới 2.565 tỷ đồng cho việc này, chiếm 49,1% lợi nhuận thuần cả năm. Tại BIDV, con số này lên tới 14.915 tỷ đồng, chiếm 62,9% lợi nhuận thuần.
Gánh nặng trong năm 2018
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, năm 2018, các TCTD sẽ phải tiếp tục thực hiện trích lập 20% giá trị trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC. Theo đó, những TCTD nào có số dư trái phiếu đặc biệt lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chi phí dự phòng, trong khi số ít TCTD đã xử lý xong sẽ có một năm kinh doanh nhẹ nhàng hơn.
Tại Sacombank, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 là 6,68%, cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018. Mục tiêu lợi nhuận Sacombank đề ra cho năm 2018 khá thận trọng, ở mức 1.640 tỷ đồng trước thuế.
Nợ xấu và dự phòng rủi ro vẫn là “gánh nặng” cho Sacombank trong năm 2018. Tổng hợp số liệu từ các báo cáo tài chính cho thấy, Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất trong số các ngân hàng hiện nay. Tỷ lệ tăng đột biến là do ảnh hưởng của việc sáp nhập Southernbank hồi tháng 10/2015 mang theo một gánh nặng về nợ xấu.
Trong khi đó, SSI Retail Research nhận định, năm 2018, sau khi hoàn thành xử lý nợ cũ, ACB có thể đạt lợi nhuận trước thuế 5.249 tỷ đồng, tăng 130% so với thực hiện năm 2017. Ước tính tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 18%, tương đương toàn hệ thống ngân hàng. Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể tăng 10,2%, lên 11.740 tỷ đồng.
Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2018, việc xử lý nợ xấu diễn ra tích cực, thực chất hơn do các yếu tố vĩ mô ổn định, kinh tế tiếp nối đà tăng trưởng, tình hình doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và bất động sản tiếp tục được cải thiện, khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo dần được cải thiện.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, nhờ Nghị quyết 42/2017-NQ14, đầu ra nợ xấu ngày một tốt hơn, nhất là khi thị trường bất động sản ấm lên. Mục tiêu lợi nhuận 2018 được trình cổ đông thông qua trong mùa đại hội năm nay tăng, song các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng khi xây dựng kế hoạch do áp lực dự phòng chưa hết.