Trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Quốc hội về xử lý ngân hàng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/1/2018 và các cơ sở của quy định pháp luật, NHNN đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương, phương án, định hướng xử lý các ngân hàng yếu kém.
Thừa nhận quá trình xử lý các nhà băng yếu kém có chậm, Thống đốc lý giải, nguyên nhân là do trong quá trình định giá lại các ngân hàng này, gồm việc đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư cần thời gian.
Trên cơ sở cam kết của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện báo cáo chi tiết phương án cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.
Thống đốc Lê Minh Hưng |
Về xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, đã làm rất quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực.
Sau hơn một năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, hiện đã xử lý được 140.000 tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng, trong đó Công ty quản lý tài sản VAMC xử lý được 95.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các nhà băng.
Tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn nợ xấu năm 2016 là 10,08%; đến cuối năm 2017 là 7,7% và hết tháng 6/2018 đã giảm xuống khoảng 6,7%, nợ xấu nội bảng là 2,09%.
“Kết quả là rất tích cực, nhưng vừa rồi sơ kết quá trình thực hiện Nghị quyết 42 cũng cho thấy một số tồn tại, khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ ngành và một số địa phương”, Thống đốc nói và cho biết đã có báo cáo chi tiết tới Thủ tướng để tới đây phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các địa phương, tòa án nhân dân các cấp... để triển khai quyết liệt hơn nữa.
“Tiến trình xử lý nợ xấu sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới”, ông Hưng nhấn mạnh.