Với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức (phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) được đánh giá là một trong những dự án tiềm năng hàng đầu trên thị trường nhà đất TP. Thủ Dầu Một hiện nay, kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, cuộc chiến trong nội bộ chủ đầu tư Dự án khiến các nhà đầu tư vô cùng hoang mang. Đã đến lúc phải làm rõ hành vi của các cá nhân, tổ chức liên quan để Dự án tiếp tục phát triển.
Bài 1: Cổ đông “đại chiến”, dự án ngàn tỷ gặp khó
Cuộc nội chiến giữa các cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Thành Nguyên (Công ty Thành Nguyên) liên quan Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức bắt đầu từ khuất tất trong việc bán cổ phần của 2 cổ đông lớn.
Hiện trạng Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức. |
Một tài sản bán cho 2 người
Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức được UBND tỉnh Bình Dương chính thức giao Công ty Thành Nguyên làm chủ đầu tư từ tháng 1/2010 theo Quyết định số 374/QĐ-UBND, ngày 27/1/2010, với kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị của tỉnh này.
Theo điều tra của phóng viên Báo Đầu tư, Công ty Thành Nguyên (đã chuyển trụ sở từ Bình Dương về quận 1, TP.HCM) có vốn điều lệ khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất là ông Lê Thành Điệu (trú tại TP. Thủ Dầu Một) sở hữu 82.000 cổ phần (trị giá 82 tỷ đồng, chiếm 41% vốn điều lệ) và vợ ông là bà Ngô Ngọc Giàu, sở hữu 115.000 cổ phần (trị giá 115 tỷ đồng, chiếm 57,5% vốn điều lệ).
Ngày 12/11/2018, bà Giàu với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Nguyên đã thay mặt HĐQT, ký Quyết định số 37/2018/QĐ-HĐQT cho phép cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho Công ty TNHH Tư vấn và quản lý Liên Hiệp Việt (Công ty Liên Hiệp Việt, tại quận 3, TP.HCM).
Một ngày sau, 13/11/2018, bà Giàu ký hợp đồng chuyển nhượng 80.000 cổ phần, với tổng giá trị 80 tỷ đồng (40% vốn điều lệ Công ty Thành Nguyên) cho Công ty Liên Hiệp Việt. Đồng thời, ông Lê Thành Điệu cũng chuyển nhượng cho Công ty Liên Hiệp Việt 80.000 cổ phần của mình với trị giá 80 tỷ đồng. Như vậy, vợ chồng ông Điệu - bà Giàu đã bán tổng cộng 160.000 cổ phần với tổng trị giá 160 tỷ đồng cho Công ty Liên Hiệp Việt.
Cũng trong ngày 13/11/2018, bà Giàu ký xác nhận bà và Công ty Liên Hiệp Việt đã hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần. Như vậy, bà Giàu chỉ còn lại 35.000 cổ phần, trị giá 35 tỷ đồng, tương đương 17,5% vốn điều lệ.
Vậy nhưng, cùng ngày 13/11/2018, bà Giàu lại ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Lê Đức Sĩ (ngụ tại TP. Thủ Đầu Một) toàn bộ vốn góp 115.000 cổ phần (trị giá 115 tỷ đồng) của bà tại Công ty Thành Nguyên. Ngay trong ngày 13/11/2018, bà Giàu và ông Sĩ xác nhận đã hoàn tất việc bán mua. Tức là, cùng 1 ngày, cùng 1 tài sản, bà Giàu đã bán cho 2 người.
Bị tước quyền lợi, Công ty Liên Hiệp Việt phản ứng
Ngày 10/12/2018 và 18/12/2018, Công ty Thành Nguyên tổ chức 2 cuộc họp Đại hội đồng cổ đông nhằm thống nhất ra nghị quyết thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 7 và thứ 8.
Điểm đáng chú ý là, trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 7 của Công ty Thành Nguyên vẫn ghi bà Giàu là Chủ tịch HĐQT và đang sở hữu 115.000 cổ phần, dù trước đó, bà đã bán 80.000 cổ phần (40% vốn điều lệ) cho Công ty Liên Hiệp Việt, đồng thời bán 115.000 cổ phần, tương đương 100% vốn góp của mình tại Công ty Thành Nguyên cho ông Lê Đức Sĩ.
Còn ở lần thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 8 thể hiện, lúc này ông Lê Đức Sĩ giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Nguyên, sở hữu 115.000 cổ phần, chiếm 57,5% vốn điều lệ; ông Lê Thành Điệu sở hữu 82.000 cổ phần, chiếm tỷ lệ 41% vốn điều lệ, trong khi trước đó, ông Điệu đã bán 80.000 cổ phần cho Công ty Liên Hiệp Việt.
Đáng nói hơn, tính đến ngày 22/7/2019, Công ty Thành Nguyên đã có xác nhận Công ty Liên Hiệp Việt đã thanh toán số tiền hơn 65 tỷ đồng, bao gồm một phần tiền mua cổ phần của vợ chồng ông Điệu - bà Giàu, một phần liên quan việc hợp tác liên kết thực hiện Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức. Điều này cũng được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương xác định tại Văn bản số 43/TL-PC03 trả lời công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương.
Với thanh toán nêu trên, căn cứ khoản 2, Điều 4, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, thì Công ty Liên Hiệp Việt là cổ đông của Công ty Thành Nguyên.
Theo Luật Doanh nghiệp (2014), các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết mới được xác nhận hợp pháp và có hiệu lực.
Tuy nhiên, tại 2 cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 10/12/2018 và 18/12/2018 nói trên, Công ty Liên Hiệp Việt không được mời tham dự. Theo đó, Nghị quyết thông qua tại 2 cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 7 và thứ 8 của Công ty Thành Nguyên không thể đạt 100% cổ phần biểu quyết.
Như vậy, việc tự kê khai của Công ty Thành Nguyên lúc đó để được thay đổi nội dung kinh doanh tới hai lần (lần thứ 7 và thứ 8) đã không chính xác, tước đi quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Liên Hiệp Việt - doanh nghiệp đã bỏ tiền ra mua tới 80% vốn của Công ty Thành Nguyên.
Theo đơn tố cáo của Công ty Thành Nguyên do ông Nguyễn Viết Tuấn, Chủ tịch HĐQT mới của Công ty Thành Nguyên ký, Công ty Liên Hiệp Việt sau đó giành quyền kiểm soát, thay đổi đại diện theo pháp luật, thay đổi con dấu và chuyển trụ sở Công ty Thành Nguyên từ Bình Dương về TP.HCM.
Ngày 12/2/2020, Công ty Liên Hiệp Việt còn làm đơn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương kiến nghị xử lý liên quan hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 7 và thứ 8 của Công ty Thành Nguyên.
Đáp trả
Cũng theo tố cáo của ông Nguyễn Viết Tuấn, trước những “động tác” quyết liệt của Công ty Liên Hiệp Việt và sau khi bị Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm, tước quyền quản lý doanh nghiệp, cổ đông và người quản lý cũ của Công ty Thành Nguyên đã gửi đơn lên cơ quan chức năng, tố cáo với cơ quan công an, thậm chí kiện ra tòa.
Điển hình là ông Nguyễn Tấn Tài (một cổ đông nhỏ, được HĐQT Công ty Thành Nguyên cử làm đại diện pháp luật thay cho ông Lê Đức Sĩ trong kỳ thay đổi nội dung thứ 8) liên tục có đơn tới các cơ quan chức năng, trong đó có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tố giác khẩn cấp về “tội phạm có tổ chức” tại Công ty Thành Nguyên.
Trong đơn, ông Tài cho rằng, theo Giấy phép hoạt động lần thứ 8 đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp cho Công ty Thành Nguyên ngày 21/12/2018, Công ty Thành Nguyên gồm các thành viên: Nguyễn Tấn Tài, Lê Đức Sĩ, Lê Thành Điệu, Lê Văn Thám. Công ty đang hoạt động bình thường, thì nhóm người của Công ty Liên Hiệp Việt làm hồ sơ giả, thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 9, chiếm quyền quản lý, tiếp tục xin thay đổi giấy phép lần thứ 10, thay đổi người đại diện và chuyển trụ sở Công ty về TP.HCM.
Ông Lê Thành Điệu và ông Lê Văn Thám cũng làm đơn tố giác tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương, cho rằng, có hành động giả chữ ký, làm giả con dấu nhằm chiếm đoạt tài sản của Công ty Thành Nguyên. Ông Điệu còn khởi kiện Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương) ra tòa án.
Đơn thư tố cáo giữa các cổ đông Công ty Thành Nguyên ồ ạt tới mức, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an); Thanh tra Bộ Công an; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương; Thanh tra Công an tỉnh Bình Dương; Phòng PC 03 (Công an tỉnh Bình Dương) đồng loạt có công văn chuyển đơn tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thủ Dầu Một yêu cầu làm rõ theo thẩm quyền.
Nhóm cổ đông mới của Công ty Thành Nguyên cũng không vừa. Tháng 10/2020, ông Đào Gia Phú, Tổng giám đốc mới của Công ty Thành Nguyên làm đơn gửi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP.HCM) yêu cầu khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng, ông Điệu và bà Giàu rút 60,2 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của Công ty Thành Nguyên và sử dụng không đúng mục đích, thay vì để triển khai Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức.
Cũng trong tháng 10/2020, ông Nguyễn Viết Tuấn, Chủ tịch HĐQT mới của Công ty Thành Nguyên, làm đơn gửi tới các cơ quan liên quan của Bộ Công an đề nghị điều tra xem xét xử lý hình sự nhóm cổ đông Lê Thành Điệu, Ngô Ngọc Giải, Lê Văn Thám, Nguyễn Tấn Tài, Lê Đức Sĩ cho rằng bị vu khống.
Cuộc “đại chiến” giữa các nhóm cổ đông Công ty Thành Nguyên ầm ĩ và kéo dài suốt nhiều tháng trời khiến các nhà đầu tư bất động sản phía Nam đang có ý định đầu tư vào Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức hoang mang. Thậm chí, trên “không gian mạng”, đã có những lời “rỉ tai” không nên đầu tư vào dự án đang dính lùm xùm này.
Dự án có vị trí đắc địa khi kết nối 3 trục đường 30/4, Bùi Quốc Khánh, Nguyễn Tri Phương với đại lộ Bình Dương và còn được hưởng lợi từ hạ tầng khi Quốc lộ 13 - một trong những tuyến đường huyết mạch của hệ thống giao thông Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, hoàn thành việc đầu tư cải tạo. Từ đầu năm 2019, một số công ty môi giới bất động sản đã tự ý quảng cáo, mở bán, đưa khách tới tham quan Dự án.
Mới đây, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức khẳng định, chưa tiến hành ký hợp đồng mua bán.
(Còn tiếp)