Nút thắt nguyên liệu
Năm 2018, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 9 tỷ USD. Con số này được cho là khá khả quan, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tác động tích cực tới ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. “Để chuẩn bị cho CPTPP, nhiều doanh nghiệp từ các nước trong khối đã sang làm việc với ngành gỗ Việt Nam. Triển vọng này khá rộng mở”, ông Quyền nói.
Do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ có lợi nhuận rất thấp, dù doanh thu xuất khẩu cao. Ảnh: Đ.T |
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ nhiều mặt của các đối tác nước ngoài. Các đối tác lớn vốn có nhiều kinh nghiệm về thị trường luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt. Từ đó, doanh nghiệp gỗ của Việt Nam có thể rút ngắn được rất nhiều thời gian tìm hiểu thị hiếu thị trường, có cơ sở xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, ngành gỗ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó “nút thắt” lớn nhất chính là nguồn nguyên liệu. Ông Quyền cho biết, nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, yêu cầu cũng ngày một khắt khe, nhất là đòi hỏi về đảm bảo gỗ hợp pháp, là khó khăn mà không phải doanh nghiệp gỗ nào cũng vượt qua được.
“Năm nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu với các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi thông tin từ thị trường cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường (trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á) để thu mua nguyên liệu…”.
Chung nỗi lo về nguyên liệu, Công ty Hướng Mai (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nên hầu hết doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ rơi vào tình trạng có doanh thu xuất khẩu cao, nhưng lợi nhuận thu được rất thấp.
Gỡ vướng bằng cách nào?
Ông Quyền cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ phải sử dụng tốt các hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là những hỗ trợ tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau nhằm tận dụng những yếu tố như mặt bằng, lao động, nguồn nguyên liệu, vốn liếng…
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Sài Gòn Furniture đề xuất, Chính phủ cần áp thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu ra thị trường khác lên 30-35% như các quốc gia trong khu vực để tránh thất thoát nguồn gỗ từ rừng trồng và vườn cao su thanh lý trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp cần giống cây trồng rừng chất lượng cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng chất lượng gỗ, thì mới có thể đáp ứng nhu cầu và khai thác tiềm năng của ngành gỗ.
Chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò ngành chế biến lâm sản trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD năm 2017 (tăng 2,7 lần trong 10 năm).
Tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó có điểm mới quan trọng là coi lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù; liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản; khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu...
“Ngành chế biến gỗ cần định hướng phát triển bền vững dựa trên sự hội nhập sâu rộng vào thị trường gỗ quốc tế, nguồn nguyên liệu trong nước, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ quản lý phù hợp và tay nghề cao, cùng với hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiệu quả...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt kim ngạch 8,032 tỷ USD vào năm 2017, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020.
Hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, bao gồm 3.900 doanh nghiệp trong nước và 600 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nguồn: Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn