Giá sữa nguyên liệu giảm 60 - 70%
Mới đây, hàng loạt hộ nông dân tại xã Tu Tra và Đạ Ròn (Đơn Dương, Lâm Đồng) đã đổ sữa bò ngay tại trạm thu mua của Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalat Milk) để phản đối. Theo phản ánh của người dân, công ty này khống chế lượng sữa thu mua chỉ 16 kg/con bò, trong khi sản lượng sữa trung bình của mỗi con bò là 20 - 25 kg/ngày, khiến người dân bị dư hàng tấn sữa, không biết bán cho ai.
Nhiều nông dân nuôi bò đang điêu đứng vì doanh nghiệp giảm thu mua sữa tươi. Ảnh: Đức Thanh |
Tương tự, tại Hà Nội, nông dân tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng “tố” Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) bỗng nhiên giảm lượng thu mua, cắt nhiều hình thức hỗ trợ, khiến người nuôi bò phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi bán.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau khi chính quyền địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương vào cuộc, hai DN trên đã cam kết sẽ tăng mua sữa cho nông dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó “ép” các DN này phải thu mua hết số sữa cho người dân. Cụ thể, trong khi nông dân “tố” DN không tuân thủ hợp đồng, không thu mua hết sữa, thì DN lại “tố” nông dân rằng, vào mùa hè, khi DN thiếu sữa thì họ không bán cho DN theo hợp đồng, mà bán cho DN khác, đến khi mùa đông thừa sữa, không bán được cho DN khác thì họ quay lại “bắt vạ” DN đã ký hợp đồng.
Ông Ngô Minh Hải, Tổng giám đốc Dalat Milk cho hay, sản lượng sữa tăng quá nhanh, vượt quá nhu cầu chế biến của Công ty là lý do khiến Dalat Milk không thể mua hết số sữa của nông dân. Cũng theo ông Hải, việc Công ty khống chế con số 16 kg sữa/con bò là để ngăn chặn tình trạng một số nông hộ có ký hợp đồng với Dalat Milk nhận sữa của các hộ khác (không ký hợp đồng) để bán cho Công ty.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành sữa, sản lượng sữa năm nay ổn định như năm ngoái, việc DN cắt giảm mạnh sản lượng sữa tươi là do các công ty không muốn dùng sữa tươi làm nguyên liệu đầu vào, mà thay vào đó là hoàn nguyên sữa bột để hưởng lợi nhuận cao, do giá sữa bột nguyên liệu thế giới giảm mạnh.
“Giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu rẻ hơn nhiều so với giá sữa tươi trong nước, lại dễ bảo quản, có thể chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau. Giá bán của sữa hoàn nguyên và sữa tươi 100% cũng không chênh nhau nhiều. Nói cách khác, nhập khẩu sữa bột về pha thành sữa nước lợi nhuận hơn nhiều so với sản xuất sữa tươi”, chuyên gia trên nói.
Đồng tình với ý kiến này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tống Xuân Chinh thừa nhận, giá sữa trên thế giới giảm 60 - 70%, nên một số DN trong nước đã nhập sữa bột về để chế biến thành sữa nước hoàn nguyên. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây dư nguồn cung sữa tươi hiện nay.
Sẽ khống chế “quota” nhập khẩu sữa bột?
Đáng lưu ý, tình trạng đổ sữa xảy ra trong bối cảnh nước ta đang phải nhập khẩu mỗi năm hơn 1 tỷ USD sữa nguyên liệu (năm 2014 nhập khẩu sữa 1,09 tỷ USD). Tình trạng DN “chuộng” nhập khẩu sữa bột về pha chế thành các sản phẩm sữa hơn là đầu tư nuôi bò sữa hoặc thu mua sữa tươi của người dân không phải là chuyện lạ.
Thế nhưng, nếu tình trạng này kéo dài, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng sữa sản xuất trong nước đạt trên 1 triệu tấn, đảm bảo 50% nhu cầu tiêu thụ trong nước sẽ khó trở thành hiện thực.
Ông Tống Xuân Chinh cho rằng, việc nhập khẩu sữa bột hay thu mua sữa tươi nguyên liệu về sản xuất là quyền tự do kinh doanh của DN, dựa trên mục tiêu lợi nhuận của từng DN. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ có trách nhiệm đảm bảo, kiểm soát chất lượng sữa đúng thành phần ghi trên bao bì (sữa tươi hoặc sữa hoàn nguyên).
Dù vậy, để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển, ông Chinh đề xuất, Chính phủ cần phải sửa đổi chính sách phát triển bò sữa theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước, tương tự chính sách mà Thái Lan đã áp dụng. Theo đó, DN muốn nhập khẩu sữa bột thì phải sản xuất hoặc liên kết sản xuất được lượng nguyên liệu sữa tươi tương ứng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu người dân trước khi nuôi bò sữa phải ký hợp đồng với DN thu mua sữa và phải nghiêm túc tuân thủ hợp đồng, không nên lúc thị trường tốt thì phá hợp đồng, lúc không bán được thì quay lại đòi hỏi với đơn vị đã ký hợp đồng.
Được biết, với đặc thù của nước ta, ngành nông nghiệp vẫn chủ trương phát triển song song cả mô hình trang trại chăn nuôi công nghiệp như TH True MILK, Vinamilk…, lẫn chăn nuôi nông hộ. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, các hộ chăn nuôi phải liên kết theo mô hình tổ, đội, hợp tác xã, phải liên kết với DN thì mới phát triển được. Bên cạnh đó, các địa phương cần giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch chăn nuôi bò sữa.
Thùy Liên