Đầu tư Phát triển bền vững
Nông thôn mới phát triển bền vững ở Ninh Bình
Phương Liên - 04/09/2022 08:57
Một nông thôn mới bền vững, một cuộc “đổi đời” thực chất của biết bao làng quê Ninh Bình hôm nay là thành quả của quyết tâm chung sức, đồng lòng vượt qua bao khó khăn, thử thách của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trao Bằng khen cho xã Yên Thắng (huyện Yên Mô) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao

Cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc

Với đặc điểm địa hình khá phức tạp, dân cư không tập trung, cơ sở hạ tầng phân bố rộng, Ninh Bình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) với điểm xuất phát tương đối thấp. Năm 2011, bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 4,8 tiêu chí/xã, có 1 xã đạt trên 10 tiêu chí; thu nhập bình quân khu vực nông thôn 13,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao (12%).

Ninh Bình xác định, vai trò của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự đồng lòng vào cuộc của người dân trong xây dựng NTM là hết sức quan trọng. Cùng với đó, là việc ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh, linh hoạt, đảm bảo nguồn lực để hỗ trợ các địa phương, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của xã hội.

Ninh Bình phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2024. Đến năm 2025, có 25% số huyện trở lên, 50% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 40% số thôn (xóm, bản) đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; có từ 150 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 3% đạt 5 sao.

Đồng thời, tỉnh cũng xác định, xây dựng NTM là một quá trình, đi lên không ngừng nghỉ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp với thực tế, không sa vào “bệnh thành tích”, mà lấy hiệu quả thực chất làm mục tiêu số 1. NTM phải thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là kim chỉ nam xây dựng NTM bền vững.

Để triển khai xây dựng NTM, tỉnh chú trọng xây dựng và đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Đồng thời, không xem nhẹ kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm, làm tốt công tác thi đua - khen thưởng, kịp thời cổ vũ, động viên phong trào.

Ninh Bình là tỉnh đầu tiên đưa nội dung lấy ý kiến hài lòng của người dân vào tiêu chí đánh giá xét, công nhận đạt chuẩn NTM, tạo hiệu ứng tốt. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các cấp nắm bắt được chỉ tiêu nào người dân chưa hài lòng, từ đó đưa ra giải pháp, tiến độ xử lý, đảm bảo xây dựng NTM bền vững.

Công cuộc xây dựng NTM ở Ninh Bình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng khắp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân. Hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh đều có những hoạt động thiết thực đóng góp vào thành quả chung, như giúp đỡ các hội viên sản xuất, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng, triển khai các mô hình điểm, đúc kết, phát hiện cách làm hay, ý tưởng mới, làm cơ sở nhân rộng. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng mô hình vườn mẫu, mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”; mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và khu dân cư bằng chế phẩm sinh học”; phong trào “5 không, 3 sạch”; phong trào “Toàn dân tổng vệ sinh môi trường vào ngày mùng 4 hằng tháng”; “Tuyến đường bích họa”; “Đường hoa phụ nữ”; tổ tự quản “Dòng sông xanh - sạch - đẹp”, “Cổng trường an toàn giao thông” và phong trào “Thắp sáng đường quê”.

Một cuộc “đổi đời” ở mỗi làng quê

Các tiêu chí NTM lần lượt được củng cố, hoàn thiện, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, ở những địa phương phấn đấu đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu, tiếp tục nhân rộng phong trào “Hiến công, hiến kế, hiến của”, tham gia giải phóng mặt bằng làm đường giao thông.

Nhiều cá nhân, gia đình xa quê nhưng vẫn hướng về ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng NTM. Nhiều doanh nhân đưa các dự án về đầu tư mở mang nghề mới, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Từ đó, cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn ở Ninh Bình có nhiều đổi thay tích cực.

Trước hết, là những bước tiến rõ nét về sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, kết hợp thương mại dịch vụ và du lịch. Tỷ lệ cơ giới hóa phục vụ sản xuất tăng dần. Nhiều tổ hợp, hợp tác xã nông nghiệp đầu tư máy sấy, dần thay đổi thói quen phơi, hong; nhiều cánh đồng đã xuất hiện máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cấy, dần thay thế sức người…

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao cho nông sản đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Lực lượng lao động chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Hầu hết lao động trong độ tuổi được đào tạo đạt khá cao, như Hoa Lư (67%), Nho Quan và Yên Khánh (65%)...

Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnh Ninh Bình có thêm huyện Nho Quan và TP. Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tính đến tháng 6/2022, tỉnh có 5/6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; 2/2 thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 119/119 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%; 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư cơ bản đồng bộ. Lũy kế đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh đã cấp 267.358 tấn xi măng, làm 16.803 tuyến đường nông thôn với chiều dài 2.123,2 km.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã có 54 sản phẩm của 40 chủ thể đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 39 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, lợi thế của vùng, miền, tạo ra nhiều việc làm, gia tăng giá trị và lợi ích cộng đồng.

Sau 11 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình đã gặt hái được nhiều kết quả. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Bộ mặt NTM đã hiện hữu ở khắp nơi, đâu đâu cũng bắt gặp những con đường bê tông rộng rãi cùng với những đường cây xanh mướt, đường hoa khoe sắc, những ngôi nhà khang trang, những công trình văn hóa - thể thao đạt chuẩn, những làng quê như phố, thu nhập người dân ngày càng cao, hộ nghèo giảm đáng kể, thực sự là một cuộc “đổi đời” của mỗi làng quê, mỗi gia đình và mỗi người dân miền đất Cố đô lịch sử hào hùng.

Bắt đầu từ khu, xã NTM kiểu mẫu

Từ cuối năm 2016, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình đã chủ động xây dựng Dự thảo Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn, xin ý kiến các cơ quan, đơn vị và người dân. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND qui định tạm thời Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2017 - 2020.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg về tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2019 – 2020; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020.

Ninh Bình đã lựa chọn 96 thôn triển khai, từ đó tạo nền tảng xây dựng xã NTM kiểu mẫu mà cốt lõi là nâng cao vượt bậc đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tỉnh đã hỗ trợ 400 triệu đồng/xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 50 triệu đồng/thôn đăng ký khu dân cư kiểu mẫu. Đến hết tháng 6/2022, đã có 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 238 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu. Dự kiến, đến hết năm 2022, có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Xác định xây dựng NTM kiểu mẫu thực chất, bền vững, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo hoàn thành từng nhiệm vụ, tiêu chí theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”.

Tỉnh cũng đã tranh thủ và huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng NTM kiểu mẫu; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đóng góp của các hợp tác xã, doanh nghiệp. Đặc biệt, huy động nguồn lực trong dân theo phương châm “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; chú trọng đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân…

Tất cả cùng hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn Ninh Bình có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quá trình đô thị hóa. Nông thôn văn minh, khang trang, sạch đẹp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; y tế, giáo dục phát triển toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Nông thôn đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa; quốc phòng, an ninh trật tự đảm bảo.

Đặc biệt, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành, với kinh tế số, nâng cao thu nhập của người dân; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển làng nghề, đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến nông sản theo chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, đưa Ninh Bình tiếp tục phát triển bền vững với tiêu chí “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Tin liên quan
Tin khác