Vết nứt trụ H22 được cho là không ảnh hưởng đến an toàn
Cầu Vĩnh Tuy được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2009, với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng. Chiều dài toàn bộ tuyến dự án là 8.493m, trong đó phần tuyến chính là 5.830m với hai cầu là cầu Vĩnh Tuy dài 3.778m và cầu vượt quốc lộ 5 với chiều dài 364m cùng với các cầu nhánh.
Từ trụ H22 đến trụ T37 thuộc gói thầu số 12, gói này có phần nhịp chính bắt đầu từ giữa nhịp 21 và kết thúc tại cuối nhịp 37 cùng với kết cấu nhịp đặt trên trụ trong đó bao gồm cả 1/2 nhịp 21. Gói thầu này do Tổng Công ty xây dựng Thăng Long thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Viện khoa học và công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT) thực hiện. Gói thầu số 12 có chiều dài tổng cộng 946,8m, tổng giá trị hợp đồng là 302 tỷ đồng, bao gồm 3 nhịp cầu chính là dầm hộp đúc hẫng khẩu độ 135m và 13 nhịp cầu dẫn. Phần móng của các trụ cầu được đặt trên 20-24 cọc khoan nhồi đường kính D=2m, sâu trung bình 50m tới tầng cuội sỏi. Phần cầu dẫn từ trụ T25 đến T38 là 13 nhịp dầm SupperT, chiều dài 40m/nhịp.
Cầu Vĩnh Tuy do Ban quản lý Dự án Tả Ngạn (thuộc UBND TP Hà Nội) là chủ đầu tư xây dựng công trình, sau khi hoàn thành vào tháng 9-2009 và đưa vào sử dụng năm 2010 thì cây cầu được bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý.
Chiều 19-2, Sở GTVT Hà Nội cho biết, sáng cùng ngày, Sở đã kiểm tra hiện trường với thành phần gồm Ban quản lý dự án duy tư hạ tầng giao thông; Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải; Đơn vị tư vấn giám sát: Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn; Tổng công ty xây dựng Thăng Long; Tổ chuyên gia hội đồng nghiệm thu Nhà nước cầu Vĩnh Tuy.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, kiểm tra trực quan cho thấy, vết nứt dọc trụ H22, độ rộng vết nứt 2,3 - 2,6mm, chiều dài vết nứt từ điểm tiếp giáp đất lên trên trụ khoảng 10m. Nguyên nhân vết nứt theo đánh giá ban đầu có thể do co ngót bê tông, cần được theo dõi.
Về lo ngại vết nứt có ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ H22, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, công trình đã được hội đồng nghiệm thu Nhà nước cầu Vĩnh Tuy nghiệm thu đưa vào sử dụng. Vết nứt dọc trụ H22 không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ. Trụ H22 vẫn đảm bảo khã năng khai thác an toàn. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tuân, sau khi kiểm tra hiện trường, các bên đã thống nhất biện pháp xử lý vết nứt theo hướng bơm keo bảo vệ cốt thép, lớp trong và tiếp tục theo dõi.
Theo một chuyên gia về xây dựng cầu, đối với những vết nứt dọc sẽ nguy hiểm hơn những vết nứt ngang. Bởi những vết nứt dọc sẽ ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của công trình. Ngoài ra các vết nứt này tạo điều kiện dễ dàng cho sự xâm nhập của các yếu tố xâm thực vào bêtông và tiếp cận cốt thép hay các thành phần của cấu trúc xây dựng có thể huỷ hoại cấu trúc công trình.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về điều này, ông Nguyễn Quang Tuýnh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Thăng Long cho rằng, để đánh giá vết nứt dọc hay ngang nguy hiểm còn phụ thuộc vào thiết kế, tính toán mô men trục uốn hay trục nén của trụ cầu. Trụ 22 là trụ được thiết kế rỗng giữa: “Trong cuộc họp tại Sở GTVT sáng 19-2, các bên tham dự đã thống nhất thuê một đơn vị kiểm định độc lập để đánh giá mức độ vết nứt. Một cây cầu lớn như vậy mà chỉ quan sát bằng mắt thường rất khó đánh giá, phải để cơ quan chuyên môn dùng máy “siêu âm” xem vết nứt bao nhiêu, chiều dài, chiều rộng, chiều sâu cụ thể như thế nào mới biết được”.
Ngân Tuyền (ANTĐ)