Tình trạng ô nhiễm không khí là vấn đề báo động đỏ hiện nay. Ảnh: Đức Thanh |
Báo động chất lượng không khí ở Hà Nội
Công tác bảo vệ môi trường năm 2020 là một trong số rất ít báo cáo của Chính phủ được gửi các đại biểu tự nghiên cứu trong Kỳ họp Quốc hội thứ 11 vừa qua.
Chính phủ đánh giá, giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù chất lượng môi trường không khí mỗi năm có khác nhau, song tình trạng ô nhiễm bụi tại các thành phố, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm bụi mịn (PM2.5 và PM10) tại Hà Nội, TP.HCM luôn là một trong những vấn đề nóng và đặt ra nhiều thách thức.
Cơ sở của nhận định đó được dựa trên tham khảo số liệu từ trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ (Hà Nội) và số liệu từ trạm quan trắc tại Lãnh sự quán Mỹ (TP.HCM).
Theo báo cáo, Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm cao hơn so với các đô thị khác. Giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2.5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 đều vượt quá giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 đến 2,2 lần. Một số khu vực trong nội thành Hà Nội, chất lượng không khí đã ở mức kém và xấu, giá trị PM2.5 đã vượt QCVN, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm.
Từng chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường về giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí từ 2 năm trước, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, đến nay, ô nhiễm không khí không những không giảm, mà còn gia tăng.
“Thủ tướng đã có thông điệp không đánh đổi môi trường bằng phát triển nóng. Theo đà phát triển hiện nay, ô nhiễm không khí không những không giảm, mà còn gia tăng, sẽ gây hệ luỵ lớn đến sức khoẻ người dân. Để hạn chế ô nhiễm không khí, cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, song với trách nhiệm của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có đề án, có kế hoạch liên ngành để thực hiện đồng bộ và cần có chế tài đủ mạnh”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Bên cạnh không khí, báo cáo cũng nêu vấn đề ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện. Theo thống kê, năm 2020, môi trường phải tiếp nhận hơn 3.650 triệu m3 nước thải sinh hoạt, hơn 144 triệu m3 nước thải chăn nuôi (từ 3 đối tượng vật nuôi chính là trâu, bò, lợn), hơn 1.524,85 triệu m3 nước thải nuôi trồng thủy sản; chưa kể lượng lớn nước thải từ các làng nghề, các vùng phụ cận chưa được xử lý thải ra môi trường.
Đáng chú ý, vẫn còn khoảng 10% nước thải y tế chưa được thu gom xử lý. Lượng nước thải phát sinh tại các bệnh viện, viện có giường bệnh khoảng trên 45,625 triệu m3/ngày đêm, chưa kể lượng nước thải từ các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược và sản xuất thuốc.
Với rác thải rắn sinh hoạt thì còn 6,3% khối lượng tại đô thị và 17% khối lượng ở nông thôn không được thu gom và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh. Khoảng 70% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khối lượng khoảng 35.000 tấn/ngày, nhưng chỉ có khoảng 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái. Riêng hai thành phố Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường khoảng 8 tấn nhựa và túi ni lông/ngày.
Mỗi năm mất đi 2.430 ha rừng tự nhiên
Báo cáo Quốc hội các vấn đề môi trường chính, Chính phủ cho rằng, suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái trọng yếu đang trở thành vấn đề môi trường bức xúc.
Hệ sinh thái rừng tự nhiên là hệ sinh thái chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430 ha rừng tự nhiên, trong khi đó, diện tích rừng sản xuất lại tăng lên so với trước đây. Lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lụt lội nghiêm trọng hơn.
Cũng đe dọa không nhỏ đến hệ sinh thái là các hoạt động đầu tư phát triển, một trong các áp lực lớn, tác động lên môi trường được nêu tại báo cáo.
Chính phủ nhận định, giai đoạn 2016 - 2020, môi trường tiếp tục chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động đầu tư phát triển. Nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề như luyện kim, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi, sản xuất hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; nhuộm, thuộc da, lọc hóa dầu, nhiệt điện than… đã được đầu tư phát triển, tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, chế biến, chế tạo gia tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua.
Đáng chú ý là, trong giai đoạn 2017 - 2020, đã có 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích đề nghị là 183.740 ha, trong đó, rừng tự nhiên 39.133 ha, rừng trồng 74.242 ha, đất chưa có rừng 13.816 ha, diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 56.550 ha. Các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Rừng nguyên sinh chỉ còn rất ít, bị chia cắt và cô lập thành những khu nhỏ, phân bố rải rác ở một số khu vực như Tây Nguyên, Tây Bắc nên khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Báo cáo cũng nêu, một trong những nguồn ô nhiễm là tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Trong năm 2020, cả nước có 288 dự án nhà ở thương mại với 57.149 căn hộ hoàn thành; 47 dự án với 17.884 căn hộ du lịch, 4.178 biệt thự du lịch và 94 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép, 53 dự án với 200 căn hộ du lịch, 1.001 biệt thự du lịch đã hoàn thành. Hoạt động thi công xây dựng các công trình xây dựng giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công nghiệp, công trình dân dụng, vận chuyển nguyên vật liệu, phế thải xây dựng... diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là các đô thị lớn.
Quốc hội yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Thông qua Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại kỳ họp thứ 11 vừa qua, với Chính phủ, Quốc hội yêu cầu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế xanh, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên.