Doanh nghiệp
Ông Trần Kinh Doanh lý giải nguyên nhân mở cửa hàng chỉ bán điện thoại siêu rẻ
Hồng Phúc - 11/08/2019 09:23
“Quán ăn bán đủ thứ từ cháo gà, hủ tiếu, canh bún, phở bình dân, giá rẻ, dù khó có một bát bún hay phở ngon bằng quán sang trọng, chỉ bán chuyên một thứ, nhưng sẽ vẫn có khách lựa chọn vì đối với họ, giá cả là quan trọng", ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG) ví von khi nói về quyết định mở cửa hàng chỉ bán điện thoại siêu rẻ, đồng thời không bán các sản phẩm này trong chuỗi Thegioididong.com.

Cửa hàng điện thoại Siêu rẻ của Thế giới di động vừa được mở trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp với diện tích chỉ khoảng 15 m2, giá bán các sản phẩm thấp hơn tại chuỗi Thế giới di động từ vài trăm đến vài triệu đồng nhờ tiết kiệm tối đa mọi chi phí. Tại đây, điện thoại mới bị lỗi thì khách hàng cũng phải tự mang đến trung tâm bảo hành của hãng để bảo hành. Điện thoại Siêu rẻ không đổi trả, không nhận bảo hành tại siêu thị. Với phụ kiện bị lỗi, khách hàng có thể 1 đổi 1 trong 1 tháng tại siêu thị.

Lựa chọn này là nhằm vào một nhóm khách hàng coi trọng ngân sách chi tiêu cá nhân hơn thay vì chi trả thêm để được sử dụng những dịch vụ cao cấp. Nhóm khách hàng này sẵn sàng chọn yếu tố giá rẻ là quan trọng hàng đầu. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới di động ví, điều đó giống như mở một quán có đủ các món bún, phở, cháo gà, hủ tiếu bình dân..., tuy khó có được bát bún, bát phở ngon, dịch vụ tốt như các quán sang trọng, chỉ chuyên một món, nhưng vẫn sẽ có những khách hàng lựa chọn vì hợp túi tiền của họ.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc CTCP Thế Giới Di Động (quản lý hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh) cho biết, MWG đang thử nghiệm kinh doanh chuỗi bán điện thoại Siêu rẻ và chỉ mở tại khu vực quận Gò Vấp. Dự kiến trong tháng 08/2019, sẽ có từ 4-5 cửa hàng Siêu rẻ được khai trương trong quận được mô tả là “đông dân cư, đường nhỏ, nhà san sát” này.

“50% thị phần thị trường điện thoại thuộc về MWG, 25-30% thuộc về các chuỗi lớn khác và khoảng 20% thuộc về cửa hàng truyền thống, hộ gia đình bên ngoài, ước khoảng 6.000-7.000 cửa hàng. Dù toàn ngành điện thoại được dự báo giảm nhưng thị phần của MWG chỉ cần tăng một vài phần trăm từ thị phần đang thuộc về các cửa hàng truyền thống cũng đã là rất lớn”, ông Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ. 

Theo website dienthoaisieure.com của MWG, đã có địa chỉ 5 cửa hàng được cập nhật, tất cả đều đặt tại quận Gò Vấp.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư được MWG tổ chức chiều 9/8 tại TP.HCM, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới di động, cũng đề cập đến một số sản phẩm tiềm năng khác mà MWG chưa kinh doanh như đồ dùng nhà bếp chuyên nghiệp, các thiết bị nhà thông minh, âm thanh, ánh sáng cao cấp,…

Tuy nhiên, điện thoại Siêu rẻ cũng là sản phẩm thử nghiệm cuối cùng của MWG từ nay đến hết năm 2020 bên cạnh việc tập trung kinh doanh đồng hồ cùng mắt kính.

“Nếu hiện nay người tiêu dùng mua trung bình mắt kính hay đồng hồ giá 4 triệu đồng/sản phẩm mà MWG gia nhập cuộc chơi này tới nơi tới chốn, chúng tôi có thể mang giá bán xuống một nửa mà vẫn đảm bảo một đồng vốn có từ 1-2 đồng lời”, ông Trần Kinh Doanh nói.

Tính đến cuối tháng 06/2019, MWG đã triển khai bán đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại 34 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh. Tổng số sản phẩm bán ra trong tháng 6 là gần 11,000 chiếc đồng hồ. Việc bán thêm đồng hồ giúp các cửa hàng hiện hữu tăng trung bình khoảng 10% doanh thu. Theo kế hoạch, MWG sẽ kinh doanh đồng hồ tại 500 cửa hàng trước ngày 30/06/2020.

Tin liên quan
Tin khác