Ngân hàng
OPEC "vùng vẫy" trong “vũng lầy” nguồn cung
Lam Phong - 29/11/2019 20:31
Trong chưa tới 2 tuần nữa, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ có phiên họp để quyết định bước đi tiếp theo trong chiến lược quản lý nguồn cung dầu ra thị trường. Nhưng hiện tại, OPEC vẫn đang vùng vẫy trong “vũng lầy” này...

Các dự báo về nhu cầu và nguồn cung dầu trên thị trường cho thấy, OPEC cần tiếp tục hạ sản lượng dầu cung cấp ra thị trường hơn nữa trong nửa đầu năm 2020, nếu muốn ngăn lượng dầu tại các kho dự trữ trên toàn cầu gia tăng.

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy, OPEC cùng các đồng minh đang muốn thử nghiệm một giai đoạn gia tăng sản lượng nhất định, bất chấp việc giá dầu có thể đi xuống, bởi tin rằng, tình trạng này sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, sản lượng dầu tại Mỹ đang tăng trưởng rất chậm. Theo đó, nguồn cung dầu tại các quốc gia ngoài OPEC được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế không đồng tình với nhận định này.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong năm 2020 đã được dự báo trước và theo Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA), sản lượng dầu sản xuất vào cuối năm 2020 có thể ở mức tương đương với thời điểm đầu năm 2019, đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng không cao.

Song, điều đáng chú ý là bước sang năm 2020, sản lượng dầu dự kiến cao hơn 800.000 thùng/ngày so với mức hiện tại. Khi đó, sản lượng dầu của Mỹ cung cấp ra thị trường có thể đạt mức cao nhất trong lịch sử, vào khoảng 13,29 triệu thùng/ngày.

Một vấn đề khác là câu chuyện nhu cầu tiêu thụ dầu yếu trên toàn cầu. Dự báo tích cực nhất hiện tại, theo Barkindo, là việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận thương mại, khiến hoạt động của các doanh nghiệp dễ thở hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, nhu cầu đối với dầu mỏ cũng khó leo dốc tích cực. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 375.000 thùng/ngày trong năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ dầu tại châu Âu cũng đi xuống.
Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc dự báo chậm lại năm 2020

Đáng chú ý, ngay cả khi có mong muốn khôi phục lại sản lượng dầu trước thời điểm thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng, OPEC cũng có thể rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm” khi các quốc gia thành viên đang chứng kiến sản lượng dầu ở mức “nguy hiểm” do khủng hoảng chính trị nội bộ, hoặc thiếu sự đầu tư.

Iraq là thành viên mới nhất của OPEC gia nhập nhóm 6 quốc gia đang gặp nhiều vấn đề nội bộ, khiến sản lượng dầu giảm sút. Các quốc gia còn lại bao gồm Iran, Nigeria, Angola, Libya, Algeria và Venezuela.

Với việc chính quyền Iraq đang thực hiện các chiến dịch bạo lực chống lại nạn tham nhũng và quan liêu, những xung đột chính trị đang thúc đẩy làn sóng phản đối tại đây, nhất là khu vực phía nam giếng dầu Basra và khiến 2 cảng biển tạm đóng cửa.

Trong khi đó, gần 90% sản lượng dầu xuất khẩu của Iraq tới từ các giếng dầu phía Nam.

7 quốc gia thành viên OPEC đang có sản lượng dầu thấp ở mức báo động

Cùng lúc này, quốc gia láng giếng là Iran đang chịu đựng các lệnh cấm vận của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và sản lượng dầu sản xuất không ngừng đi xuống khi làn sóng biểu tình bùng phát lần nữa.

Tình hình cũng không lấy làm tích cực hơn tại Venezuela, Libya và Algeria với các cuộc nội chiến, xung đột lợi ích và nền tảng chính trị thiếu sự ổn định.

Với nhiều yếu tố bất ổn như hiện tại, OPEC và các đồng minh thực hiện chiến lược cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá dầu rơi vào tình huống khó khăn khi không có sự lựa chọn nào khả dĩ.

Các chuyên gia dự báo, OPEC sẽ giữ nguyên thoả thuận cắt giảm sản lượng hiện tại cho tới tháng 6/2020 và cân nhắc lại tình hình sau đó để xác định hướng đi mới.

Tin liên quan