Thông tin được ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết, khi phân tích nhiệt kế doanh nghiệp FDI. Đây là một phần quan trọng trong Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI tại Lễ công bố PCI 2023 ngày 9/5/2024. |
Cụ thể, theo khảo sát của PCI, tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm. Đặc biệt, trong 2 lần khảo sát, tỷ lệ này có sự cải thiện đáng kể, từ 63,3% năm 2022 lên 75% năm 2023.
“Tỷ lệ 75% lần đầu được ghi nhận. Xu hướng đáng khích lệ này một phần đến từ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI kết nối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước”, ông Tuấn phân tích thêm từ các số liệu khảo sát.
PCI 2023 khảo sát 1.549 doanh nghiệp FDI về môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát đến từ 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đông đảo nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc (28,8%), Nhật Bản (23,0%) và Trung Quốc (10,4%)…
Đa số các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam chỉ ở quy mô nhỏ và vừa, tập trung vào xuất khẩu và chuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia.
Điểm nổi trội trong đợt khảo sát này là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự cải thiện khá khả quan; tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm xuống 42,3%.
Nhiệt kế doanh nghiệp FDI. Nguồn: Báo cáo PCI |
Tuy vậy, khảo sát cũng cho thấy, mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự giảm sút. Chỉ khoảng 26% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo. Con số này phản ánh tâm lý thận trọng hơn của các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó đoán định hiện nay.
Song, điểm quan trọng được khảo sát PCI phát hiện là các doanh nghiệp FDI có sự tham gia sâu hơn vào thị trường tại Việt Nam cũng như sử dụng đầu vào từ doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp nhà nước tăng từ mức gần 6% năm 2022 lên 7,4% của năm 2023.
Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp FDI cung ứng sản phẩm, dịch vụ của mình cho các cơ quan nhà nước cũng tăng từ 1,7% lên 3,3%. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cung ứng dịch vụ, hàng hóa cho các nhà cung cấp cá nhân đã tăng đáng kể lên gần 23% vào năm 2023, mức phục hồi đáng chú ý từ mức 12,2% của năm 2022.
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tăng lên mức 46,3% năm 2023 so với mức 33,6% năm 2022. Sự tăng trưởng này cho thấy cầu trong nước có sự khôi phục với sức mua gia tăng của của người tiêu dùng trong nước hoặc nỗ lực thâm nhập thị trường thành công của các doanh nghiệp FDI.
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cung ứng cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều tăng.
Nổi bật nhất có lẽ là tỷ lệ doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, tăng từ 40,9% năm 2022 lên 51,8% vào năm 2023. Có thể do sự tham gia của Việt Nam trong các hiệp định thương mại quan trọng, khi các hiệp định như EVFTA, CPTPP giúp hạ thấp rào cản thương mại và mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm hệ quả từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, có thể khiến nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất sang Việt Nam, dẫn đến gia tăng con số tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu.
+ Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh các thủ tục hành chính phiền hà đã giảm đáng kể vào năm 2023 so với trước đây.
+ Tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thuế giảm xuống 16% so với mức 27% năm 2022.
+ Chỉ 13% doanh nghiệp FDI đánh giá phòng cháy là thủ tục phiền hà nhất so với 21% năm 2021.
+ Thủ tục về bảo hiểm xã hội cũng có sự cải thiện (giảm từ 15% năm 2022 xuống còn 8% năm 2023).
+ Gánh nặng thanh tra và kiểm tra của doanh nghiệp FDI, đo lường bằng số doanh nghiệp báo cáo đã trải qua bốn cuộc thanh, kiểm tra trở lên, giảm từ 21,9% năm 2013 xuống còn 6,6% vào năm 2023.
Nguồn: Báo cáo PCI 2023