PGS-TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính). |
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024? Ông có cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% cho cả giai đoạn 2021 - 2025 đang tạo áp lực lớn cho năm 2024, bởi năm 2021 và năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra?
Tôi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, bất ổn của nền kinh tế toàn cầu năm 2023, mức tăng trưởng kinh tế 5,05% của Việt Nam là tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Quy mô GDP của Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của nước ta, có thể thấy, cứ sau một giai đoạn, tốc độ tăng trưởng lại giảm đi. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1991 - 1999 đạt 7,8%/năm; giai đoạn 2000 - 2011 giảm nhẹ, còn 7,6%/năm; giai đoạn 2011 - 2019 đạt 6%/năm, trong đó, giai đoạn 2016 - 2021, tăng trưởng bình quân đạt 5,95%/năm. Nếu tính từ năm 2020 đến nay, tăng trưởng GDP bình quân tiếp tục giảm, chỉ còn 4,9 - 5%/năm.
Để đảo ngược xu hướng này không hề dễ. Bởi khi kinh tế đi vào chu kỳ tăng trưởng thấp, muốn quay lại chu kỳ tăng trưởng cao, phải có thay đổi rất lớn về cơ cấu, công nghệ, thể chế... Nếu không có đột phá, thì mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% cho cả giai đoạn 2021 - 2025 vẫn là một thách thức.
Thưa ông, chính vì vậy, Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược...
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, năm 2024, tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia...
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP để cụ thể hóa Nghị quyết số 103/2023/QH15 với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Cũng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ xác định, năm 2024 phải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM, sân bay Long Thành, nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025; trong năm 2024, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc.
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào 4 yếu tố: xuất khẩu; tiêu dùng nội địa; đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài; chi tiêu chính phủ. Trong chi tiêu chính phủ, thì đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.
Với Việt Nam, xuất khẩu vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng kinh tế? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Kinh tế Việt Nam liên quan đến sức cầu bên ngoài quá lớn. Sức cầu của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn, ảnh hưởng rất mạnh đến hoạt động sản xuất nội địa, vì kinh tế nước ta có độ mở rất cao. Vì vậy, khi tăng trưởng xuất khẩu bị suy giảm, lập tức ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.
Với quy mô dân số trên 100 triệu người, Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu như vậy, mà nên dựa vào thị trường nội địa. Nếu quá phụ thuộc vào bên ngoài, thì cấu trúc kinh tế không bền vững trong dài hạn.
Theo ông, làm thế nào để kích cầu nội địa?
Cần tăng chi tiêu chính phủ. Vài năm gần đây, Chính phủ tập trung đẩy mạnh đầu tư công là hướng đi đúng, nhưng chưa đủ. Chi tiêu chính phủ còn là chi thường xuyên, đặc biệt là lương tối thiểu. Do hậu quả của đại dịch Covid-19, nên chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (ngày 21/5/2018). Nghị quyết số 01/NQ-CP đã đặt nhiệm vụ cho năm 2024 là triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tôi được biết, chúng ta đang có quỹ dự phòng tăng lương rất lớn, nếu cải cách chính sách tiền lương được thực hiện trong năm nay, sẽ tạo đòn bẩy kích thích tiêu dùng nội địa, kích thích sản xuất, bởi hoạt động sản xuất - kinh doanh của tuyệt đại đa số doanh nghiệp nội địa là để phục vụ thị trường trong nước. Hiện tại, doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Khi cầu nội địa tăng, thì cầu đầu tư tư nhân cũng sẽ tăng. Trước năm 2019, tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân đều trên 10%, nhưng từ năm 2020 trở lại đây, tốc độ tăng đầu tư tư nhân giảm rất mạnh, năm 2022 chỉ tăng 3,67% và năm 2023 chỉ tăng 2,7%, có nguyên nhân chính là cầu nội địa yếu.