Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp được nhấn mạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |
Rủi ro tăng trưởng còn lớn
Trong khi Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi “thoát án” tăng trưởng âm, với tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 lần lượt đạt 3,8% và 2,65%, thì Lai Châu là địa phương “thế chân” vào danh sách này. Quý I/2023, Lai Châu vẫn tăng trưởng dương 0,47%, nhưng sau nửa năm, lại tăng trưởng âm tới 6,32%. Đây chính là một trong những địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ. Mức giảm của Lai Châu là 28,2%.
Trong khi đó, Bắc Ninh tiếp tục là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong cả nước, thậm chí trong quý II, tình hình còn khó khăn hơn. Bởi lẽ, quý I/2023, địa phương này tăng trưởng âm 11,85%, sau 6 tháng, con số là âm 12,59%. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp khó chính là nguyên nhân khiến địa phương phụ thuộc rất nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng trưởng sụt giảm mạnh như vậy.
Ngoài Lai Châu và Bắc Ninh, vẫn còn Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng âm, tương ứng âm 9,2% và âm 3,47% trong 6 tháng đầu năm và điều này khiến Thủ tướng Chính phủ lo lắng. Không chỉ có tới 4 địa phương vẫn tăng trưởng âm, mà ngay cả các đầu tàu kinh tế như TP.HCM, Hà Nội tăng trưởng vẫn chưa được như kỳ vọng. Hà Nội tăng trưởng 5,97%, còn TP.HCM là 3,55%. Trong khi đó, Đà Nẵng tăng trưởng 3,74%, Cần Thơ tăng trưởng 3,71%.
Trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ duy nhất Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng cao, lên tới 9,94%, đứng thứ ba cả nước.
Khi các đầu tàu kinh tế, các trung tâm sản xuất lớn của cả nước tăng trưởng âm hoặc ở mức thấp, sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế của cả nước. Và nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ chuyện đơn hàng giảm, sản xuất giảm.
Dù các dự báo cho thấy, tình hình có thể khả quan hơn trong nửa cuối năm, song chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế chưa thể “một sớm, một chiều” được cải thiện.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau đợt tham vấn mới đây với Chính phủ Việt Nam, đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay xuống chỉ còn 4,7% và đưa ra cảnh báo rằng, trong ngắn hạn, rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn lớn.
“Cầu bên ngoài yếu hoặc đầu tư kém có thể khiến tăng trưởng không được như kỳ vọng”, IMF lưu ý như vậy và cho rằng, các vấn đề đang diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản ngày càng trầm trọng hơn, cùng với việc nợ xấu gia tăng, có thể gây tổn hại đến khả năng hỗ trợ tăng trưởng của các ngân hàng.
Cầu bên ngoài yếu là điều khá rõ ràng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 6/2023, theo S&P Global, vẫn tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50 điểm. Dù con số 46,2 đã tăng nhẹ so với mức điểm 45,3 của tháng 5, nhưng vẫn cho thấy nhu cầu thị trường tiếp tục yếu, các nhà sản xuất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.
“Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam mới nhất đã vẽ một bức tranh ảm đạm về các điều kiện kinh doanh vào cuối quý II/2023, khi tình trạng thiếu nhu cầu là vấn đề chính mà các công ty đang gặp phải”, ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định.
Cầu chưa thể sớm cải thiện, thì sản xuất còn khó khăn. Và đó là lý do để Bắc Ninh dự báo rằng, tăng trưởng GRDP của tỉnh này có thể âm 5,25% trong năm nay. Mà con số này cũng chỉ có thể đạt được khi tăng trưởng GRDP của tỉnh có chuyển biến tích cực hơn và tăng nhẹ khoảng 1,01% trong 6 tháng cuối năm.
Khả năng thoát tăng trưởng âm của địa phương này là khá khó khăn, cũng giống việc tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5% trong năm nay là một thách thức vô cùng lớn.
“Thúc” 3 động lực tăng trưởng
Trong một báo cáo vừa được công bố, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra dự báo rằng, ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở khoảng 5 - 5,5%, thấp hơn so với dự báo 5,5 - 6% hồi tháng 3. Trong đó, tăng trưởng quý III có thể đạt 7 - 7,2%, còn quý IV có thể là 6,8 - 7%.
Dự báo trên có vẻ khá tương đồng với dự báo của một số tổ chức quốc tế thời gian gần đây. Theo nhóm chuyên gia của TS. Cấn Văn Lực, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần chú trọng các động lực tăng trưởng, bao gồm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa và quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
“Nếu giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công hơn 713.000 tỷ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2023”, nhóm chuyên gia của BIDV nhận định và cho rằng, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm phần trăm sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm phần trăm.
Về vấn đề này, khi trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh việc phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, đồng thời tập trung rà soát các động lực tăng trưởng.
“Động lực xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn, thì chúng ta tập trung vào động lực tiêu dùng trong nước, khuyến khích đầu tư, trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh để khơi thông được động lực từ đầu tư của tư nhân, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đưa ra khuyến nghị với Việt Nam, các chuyên gia của IMF cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tài khóa nên đi đầu trong hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Cùng với đó, cũng cần đảm bảo có những hành động quyết liệt để tái cấu trúc thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh.
Tập trung vào 3 động lực tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa qua. Thậm chí, để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng đã nhắc đến việc chuyển chính sách tiền tệ từ “chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng hơn”.
Các tổ chức quốc tế đã dự báo điều này, rằng trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt, để hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy vậy, các khuyến nghị cũng được đưa ra, rằng nếu nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, có thể sẽ tạo thêm những rủi ro cho nền kinh tế, khi nợ xấu có xu hướng tăng hơn và lạm phát vẫn là một điều đáng lưu tâm. Điều này đòi hỏi việc điều hành chính sách tiền tệ dù linh hoạt, nới lỏng hơn, nhưng cũng vẫn phải thận trọng.