Theo HSBC, Việt Nam đang cố gắng phát triển để thoát đói nghèo, và thương mại là tấm vé giúp Việt Nam rút ra khỏi danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Việt Nam cần đầu tư vào dịch vụ logistics, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng để tạo được năng lực cạnh tranh |
Đã có thời gian khổ sở với nạn đói, nhưng giờ đây Việt Nam hiện là một nước xuất khẩu ròng về lương thực và là quốc gia định giá cho nhiều loại nông sản trên thị trường toàn cầu, từ mặt hàng gạo đến cà phê. Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam cũng đang giành được thị phần toàn cầu, với nhãn mác gắn tên “Sản xuất tại Việt Nam” (“Made in Vietnam”) ngày càng phổ biến ở các trung tâm mua sắm trên toàn cầu.
Mặt hàng dệt và may mặc là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam và giá trị xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Châu Âu hiện áp dụng mức thuế 12% lên mặt hàng quần áo và vải vóc của Việt Nam. Trong khi châu Âu và Mỹ là những khách hàng quan trọng của Việt Nam, xuất khẩu hàng may mặc đến những thị trường này phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn so với Nhật và những thị trường khác.
Điều này buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải đa dạng hoá. Hiệp định FTA sẽ giảm các mức thuế suất và theo như nghiên cứu của WTO, hiệp định sẽ có thể tăng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu ở những mặt hàng áo vest nam nữ, áo khoác và áo dệt kim lên hơn 20%.
Bên cạnh đó, giày dép cũng là mặt hàng chủ lực khác ở Việt Nam chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở châu Âu, Việt Nam là nước xuất khẩu quan trọng đứng thứ nhì sau Trung Quốc. Hầu hết các mặt hàng giày dép xuất khẩu là sản phẩm chất lượng cao được sản xuất cho các nhãn hàng của Mỹ và châu Âu.
Trong năm 2005, châu Âu đã áp dụng các mức thuế chống phá giá đối với Việt Nam. Mức thuế suất trung bình cho giày dép nhập khẩu từ Việt Nam là 12,4%. Thuế suất cho giày dép da nhập khẩu là 17% đã bao gồm chống phá giá. Mức thuế suất chống phá giá đã hết hiệu lực vào tháng 4.2011.
Trong suốt quá trình này, Việt Nam đã đánh mất thị phần và chuyển hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vòng đàm phán thứ bảy của Hiệp định FTA Việt Nam và châu Âu đã kết thúc vào tháng 3.2014. Hiệp định FTA với châu Âu sớm nhất được kỳ vọng sẽ thông qua vào cuối năm 2014. Việt Nam chính thức trở thành một thành viên của Hiệp định TPP vào tháng 11.2010. Hiệp định TPP hiện tại có 12 thành viên.
Việt Nam có thể là quốc gia chiến thắng lớn nhất trong đàm phán TPP12 bởi nguyên nhân chính là Việt Nam chưa ký kết hiệp định FTA với Mỹ. Ngoại trừ Brunei, Malaysia, Nhật Bản và New Zealand, tất cả những quốc gia khác trong TPP12 đều đã ký kết hiệp định FTA với Mỹ và đã được hưởng các mức thuế suất song phương thấp.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đối mặt với mức thuế suất nhập khẩu tương đối cao của Mỹ từ mức 4,5% đến 14% cho hàng may mặc và 10,4% đối với hàng giày dép. Một khi được áp dụng, Hiệp định TPP sẽ giảm các mức thuế nhập khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm của Việt Nam, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của quốc gia.
Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những nền kinh tế chú trọng về thương mại nhất trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu chiếm 77% GDP vào năm 2013, tăng từ mức 46% vào năm 2001. Tất cả điều này có được là nhờ vào tự do hoá thương mại kể từ đầu những năm 1990 đã giúp loại bỏ các rào cản, cả thuế quan và phi thuế quan.
Việt Nam tham gia các buổi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một khối thương mại có thể đại diện cho 40% GDP thế giới. Nếu đàm phán hiệp định thành công, xuất khẩu hàng hoá sản xuất của Việt Nam đến năm 2025 có thể sẽ tăng trưởng hai con số. Chính phủ đang đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam và châu Âu mà kết quả có thể sẽ giảm thuế đối với mặt hàng may mặc.
Nhưng theo HSBC, chiến lược hiện tại của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực lao động không bền vững. Nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ giảm dần trong khi tiền lương lao động chắc chắn sẽ tăng lên. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đa phần vẫn là nguyên vật liệu thô và các mặt hàng sản xuất có giá trị gia tăng thấp.
Chính vì vậy, nhân tố đóng vai trò thay đổi đối với năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam là phải giải quyết với những kẻ thù từ bên trong: cơ sở hạ tầng cho dịch vụ logistics còn nghèo nàn, quản trị chuỗi cưng ứng kém và các thủ tục thương mại rườm rà.
Những hoạt động cải thiện đang được xúc tiến đối với các hành lang vận chuyển, thủ tục hải quan, chuỗi cung ứng cho sản xuất và nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến và hàng hoá sản xuất, hàng hóa có thêm năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Điều quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ là đầu tư vào dịch vụ logistics, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng.
HSBC: Sản xuất của Việt Nam đang nóng lên HSBC vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô về triển vọng thị trường Việt Nam tháng 4. Theo đó, HSBC nhận định, bức tranh ngành sản xuất của Việt Nam đang nóng với chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 4/2014 tăng kỷ lục: 53,1 điểm. |
Vân Linh