- Nguyễn Thị Thu Hương, Nhà sáng lập 48 - Café Daklao: Hành trình ngọt hóa vị đắng hạt cà phê
- Doanh nhân Lưu Nga, Nhà sáng lập thương hiệu thời trang Elise: Đôi chân trần bước qua than nóng
- Trần Anh Tuấn, Nhà sáng lập Chương trình Trải nghiệm thiên nhiên: Hạnh phúc được đưa trẻ em “chạm” vào thiên nhiên
“Chìa khóa” cạnh tranh
Trong ký ức của Phan Anh Vũ, mùa đông 2020 thật khó quên. Giữa cái lạnh hơn 10 độ của một ngày cuối tháng 12, Vũ vẫn nhớ, mình đã phấn chấn lao vào màn đêm, phóng xe máy hơn 10 km để giao đơn hàng máy chiếu Beecube đầu tiên tới tay khách, rồi tận tình hướng dẫn khách cách sử dụng. Dù đơn hàng chỉ mang về đúng 1 triệu đồng tiền lãi, nhưng đó là nguồn động lực giúp Vũ vững tin vào con đường của mình.
“Năm 2021, chúng tôi đạt doanh thu 7 tỷ đồng”, Vũ kể.
Cũng có người cho rằng, nhà sáng lập 9x gặp thời, khi Beecube ra mắt đúng lúc dịch Covid-19 bùng nổ, nhu cầu mua máy chiếu mini để giải trí tại nhà tăng mạnh. Nhưng điểm quan trọng giúp Beecube thành công chính là hướng đi khác biệt, đánh trúng vào nhu cầu khách hàng. Đó là những sản phẩm máy chiếu đẹp, nhỏ gọn, tối ưu trong tầm giá.
Trước khi Beecube xuất hiện, thị trường máy chiếu Việt Nam nói chung và máy chiếu mini nói riêng là mảnh đất màu mỡ của hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Sony, LG, Samsung… cho đến các thương hiệu kém tên tuổi hơn từ Trung Quốc. Điểm chung của các dòng máy truyền thống là cồng kềnh, phải kết nối qua hệ thống dây dẫn với nhiều thiết bị bên ngoài.
- Phan Anh Vũ, Nhà sáng lập Beecube
Nắm được điểm yếu này, “chú ong hình hộp” Beecube đã ra đời, gây ấn tượng bằng ngoại hình và màu sắc trẻ trung, trọng lượng nhẹ, thuận tiện cho việc di chuyển. Được tích hợp hệ điều hành Android, Beecube dễ dàng hoạt động mà không cần kết nối qua hệ thống dây dẫn. Thậm chí, so với các máy chiếu chạy hệ điều hành Android khác, Beecube còn có lợi thế đặc biệt khi được trang bị một trợ lý ảo tiếng Việt riêng, tạo sự thân thiện cho khách hàng.
Sau khi ra mắt, dải sản phẩm của Beecube liên tục được mở rộng, từ phân khúc giá thấp (1 - 3 triệu đồng/sản phẩm), cho đến tầm trung (hơn 6 triệu đồng/sản phẩm) và cao nhất là 16 triệu đồng/sản phẩm.
Beecube hiện nằm trong top đầu các thương hiệu máy chiếu mini được khách hàng tìm mua tại Việt Nam. Thương hiệu không chỉ cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt, mà còn rất chú trọng khâu chăm sóc khách hàng. Trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm mua hàng, Beecube áp dụng chính sách 1 đổi 1 nếu phát hiện sản phẩm lỗi. Ngoài ra, Beecube xây dựng nhóm riêng lên tới 23.000 thành viên trên Facebook, tạo sân chơi để khách hàng giao lưu, chia sẻ cũng như được hỗ trợ kịp thời nếu gặp vấn đề trong quá trình sử dụng.
Hành trình xây dựng thương hiệu
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Hưng Chính (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An), Phan Anh Vũ lần đầu tiếp xúc với máy chiếu trong những tiết học tại Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Thời điểm đó, Vũ đã nghĩ đến việc sử dụng máy chiếu để xem phim, rồi tự đặt câu hỏi, tại sao chiếc máy lại cồng kềnh và cần nhiều dây kết nối như vậy. Chàng trai trẻ mơ mộng, một ngày nào đó sẽ chế tạo ra chiếc máy chiếu nhỏ gọn, giá thành hợp lý để ai cũng có thể mua về xem phim tại nhà.
Tuy nhiên, vì thiếu định hướng rõ ràng, sau khi học hết cấp 3, Phan Anh Vũ chọn thi vào khoa Tài chính ngân hàng, Trường đại học Ngoại thương. Tự nhận mình là người không giỏi về tài chính, nên khi ra trường, Vũ chủ động chuyển sang kinh doanh, từ mua bán điện thoại đến tai nghe không dây, để tiếp tục bám trụ tại Thủ đô. Trong quá trình kinh doanh sản phẩm công nghệ, giấc mơ chế tạo chiếc máy chiếu “quốc dân” của Vũ dần sống lại và anh quyết định đi đến cùng với giấc mơ ấy.
Với nguồn tiền tích lũy từ hoạt động kinh doanh, nhà sáng lập trẻ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nhập nhiều loại máy chiếu khác nhau trên thị trường về tham khảo. Vũ tự tìm hiểu thành phần cấu tạo, giá bán, cũng như các thuật ngữ chuyên môn trong ngành. Đây là lúc Vũ phát hiện ra, nhiều thương hiệu khẳng định sản phẩm máy chiếu của họ là “full HD”, nhưng khi trải nghiệm, độ phân giải thực chỉ đạt 480p hoặc 540p, hình ảnh phát ra rất mờ.
Giữa năm 2020, Vũ tìm được đối tác Trung Quốc đầu tiên sản xuất ra tấm nền led LCD full HD. Vũ gửi mẫu thiết kế của mình cho phía đối tác để sản xuất, nhưng sản phẩm nhận về không thể sử dụng tại Việt Nam vì ứng dụng không tương thích, không có tiếng Việt, không thể kết nối wifi… Vũ lại mày mò từ đầu, tìm cách tạo phần mềm, “Việt hóa” từng con chữ… để sản phẩm có thể bán ra thị trường Việt Nam.
Trong giai đoạn Covid-19, dù doanh số bán lẻ có tháng lên tới lên tới gần 1 tỷ đồng, nhưng cũng có những thời điểm, chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng không về được, khiến Vũ phải chịu lỗ liên tiếp mấy tháng liền. Sau khi nghiêm túc suy nghĩ và định hướng lại, Vũ xác định không chỉ tự bán lẻ, mà cần mở rộng hợp tác, đưa sản phẩm vào các chuỗi lớn như Cellphones, Hoàng Hà Mobiles… Chiến lược này đã chứng minh được tính hiệu quả, giúp doanh thu của Beecube nhảy vọt từ 7 tỷ đồng trong năm 2021 lên 25 tỷ đồng trong năm 2022 và 39 tỷ đồng trong năm 2023.
Hiện tại, Beecube sở hữu 6 cửa hàng từ Bắc vào Nam, trong đó có 4 cửa hàng do thương hiệu tự phát triển và 2 cửa hàng nhượng quyền; chưa kể hệ thống đối tác phân phối rộng khắp. Nhà sáng lập cho biết, trong năm 2024, chiến lược của Beecube là tiếp tục nhượng quyền thương hiệu, mở nhiều cửa hàng trên toàn quốc để khách hàng dễ trải nghiệm sản phẩm. Xa hơn nữa, Beecube hướng đến trở thành thương hiệu máy chiếu “quốc dân” của người Việt, xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.