Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030: Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo vệ và phục hồi; tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tối thiểu 9% diện tích lãnh thổ; có thêm 12 khu bảo tồn biển, 5 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập mới và đi vào hoạt động; trên 70% các khu bảo tồn được đánh giá đạt hiệu quả quản lý theo bảng đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn; có ít nhất 10 khu bảo tồn được đưa vào danh sách xanh toàn cầu.
Dự thảo Chiến lược cũng nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể đã đề ra, theo các nhóm nhiệm vụ tương ứng như sau: (1) Kiểm kê, quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; (2) Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; (3) Bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; (4) Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen; (5) Sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái; (6) Kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học; (7) Quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; (8) Bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp; (9) Phát triển đa dạng sinh học đô thị; (10) Bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Các giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm và huy động sự tham của toàn xã hội trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học